Thứ Hai, 09/04/2012, 16:29 (GMT+7)
.

Cải cách hành chính: Nhìn tổng thể & cụ thể ở TP. Mỹ Tho

Cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn TP. Mỹ Tho được triển khai với nhiều nội dung: cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ - công chức (CB-CC), cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính. Trong đó, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là một khâu quan trọng và được đặt ra ngay từ giai đoạn đầu của tiến trình cải cách.

Trong năm 2011, thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, Tổ tiếp nhận và trả kết quả TP. Mỹ Tho đã giải quyết 18.478 hồ sơ của các tổ chức và công dân với tỷ lệ giải quyết xong là 96,01%. Thống kê còn cho thấy, trong tổng số 767 hồ sơ chưa giải quyết có 642 hồ sơ trễ hạn và hầu hết số hồ sơ chưa giải quyết đều thuộc lĩnh vực đất đai, nhà ở.

Đối với cấp cơ sở, năm 2011, các phường - xã trên địa bàn thành phố đã tiếp nhận và giải quyết 126.371 hồ sơ của người dân với tỷ lệ giải quyết đạt 99,98%. Kết quả này phản ánh việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông ” đã có bước chuyển căn bản trong quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với tổ chức, công dân theo hướng giảm phiền hà cho tổ chức, công dân.

Giải quyết thủ tục hành chính cho dân không phải chỉ từ cải cách thủ tục mà còn thay đổi nếp nghĩ, cách làm của CB-CC.
Giải quyết TTHC cho dân không phải chỉ từ cải cách thủ tục mà còn phải thay đổi nếp nghĩ, cách làm của CB-CC.

Tuy nhiên vẫn còn “…Một số cán bộ lãnh đạo, công chức chưa thật sự quan tâm đến công tác CCHC  hoặc hiểu về CCHC còn mơ hồ nên hạn chế trong tổ chức triển khai thực hiện”. Đó là nhận định của Phòng Nội vụ, cơ quan tham mưu và phát động CCHC của chính quyền thành phố.

Trước đây, TTHC dưới con mắt người dân là cái gì đó thiếu công khai, không minh bạch và lắm gian nan. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến, nhưng chủ yếu là do một hồ sơ cần có nhiều loại giấy tờ (nhiều khi có những loại giấy tờ không cần thiết); để có một loại giấy tờ trong hồ sơ, người dân thường phải liên hệ nhiều cơ quan.

Khoảng thời gian kể từ lúc “xin” đến khi được “cho”… không xác định, nó dài hay ngắn tùy vào việc xin có đúng địa chỉ hay không và phụ thuộc vào tinh thần trách nhiệm, ý thức tuân thủ kỷ luật của CB-CC  được nhà nước trao quyền.

“Chính những rối rắm, phức tạp ấy đã gây tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc của người dân, tạo kẻ hở cho một số CB-CC có cái “tâm” không trong sáng, lợi dụng để trục lợi, hành dân. Thực tế đó xảy ra ở nhiều nơi. Tại xã Tân Mỹ Chánh, có cán bộ bị kiểm điểm, thậm chí buộc thôi việc nhưng tình hình cũng chưa chấm dứt ngay được” - ông Lê Ngọc Hóa, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ Chánh nhận xét về sự nhiêu khê trong TTHC của địa phương trong những năm qua.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, xã Tân Mỹ Chánh đã trở thành điểm sáng của TP. Mỹ Tho về cải cách TTHC. Theo ông Hóa, Ban chỉ đạo CCHC xã Tân Mỹ Chánh do chính ông làm trưởng ban đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân đóng góp cho chính quyền cơ sở. Từ 2 năm trở lại đây, người dân và tổ chức đến quan hệ giải quyết thủ tục sẽ được nhận phiếu góp ý về cải cách TTHC, về phong cách giao tiếp của CB-CC và cả về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, thắc mắc của dân.

"Với 200 phiếu phát ra, có 95% hài lòng, 5% phiếu góp ý về thủ tục đất đai còn chậm, người dân phải tới lui nhiều lần và một ít đóng góp về công tác hộ tịch. Vậy là thành công bước đầu!... Thông qua phiếu lấy ý kiến nhân dân, từng CB-CC tự đánh giá, rèn luyện mình vì họ biết người dân lúc nào cũng theo dõi thái độ, phong cách ứng xử của họ”- Ông Hóa tâm đắc.

Với cách làm của Tân Mỹ Chánh, ông Nguyễn Văn Vững, Phó Chủ tịch UBND TP. Mỹ Tho cho biết sẽ sớm nghiên cứu nhân rộng ra các ngành, các phường xã còn lại trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.

LÊ HẢI

.
.
.