Thứ Bảy, 02/12/2023, 16:07 (GMT+7)
.

Để chuyển đổi số báo chí thực chất, toàn diện

Chưa hiểu rõ về mô hình chuyển đổi số báo chí, gặp rào cản về nhân lực, thiếu hỗ trợ về hạ tầng công nghệ đồng bộ… là yếu tố khiến cho việc chuyển đổi số tại không ít các tòa soạn còn dè chừng. Sự chuyển mình của nhiều tòa soạn đã được ghi nhận, nhưng để việc chuyển đổi số thực chất, toàn diện ở toàn bộ các cơ quan báo chí, mỗi đơn vị đều đang gặp các vướng mắc riêng, cần được hỗ trợ, tháo gỡ.

Diễn đàn sôi nổi về chuyển đổi số báo chí, xuất bản có tên “Chuyển đổi số báo chí, xuất bản-Lý luận và thực tiễn” do Báo Nhân Dân, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tỉnh ủy Thái Bình, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức diễn ra ngày 30/11 vừa qua đã ghi nhận những chia sẻ, bàn luận nhiều chiều của hàng trăm đại biểu, cập nhật thêm về bức tranh chuyển đổi số của ngành báo chí trong năm qua.

b

Hội thảo khoa học “Chuyển đổi số báo chí, xuất bản-Lý luận và thực tiễn” nhận được sự quan tâm của các lãnh đạo, quản lý báo chí và các cơ quan báo chí.

Bức tranh sáng của chuyển đổi số báo chí

Là địa phương đứng đầu cả nước về chuyển đổi số báo chí, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện thành phố có 18 cơ quan báo chí, gồm 7 báo in, 1 đài phát thanh, 1 đài truyền hình và 9 tạp chí. Trừ 3 tạp chí khoa học, còn lại 15 các cơ quan báo chí đã từng bước thực hiện việc chuyển đổi số nhằm tạo ra những giá trị mới.

Tại Hà Nội có 8 cơ quan báo chí, gồm: 5 báo, 2 tạp chí, 1 đài phát thanh-truyền hình, đã tập trung hướng tới xây dựng cơ quan báo chí đa phương tiện, đã và đang chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, mục tiêu hướng tới xây dựng mô hình Tòa soạn hội tụ, phát triển các nền tảng điện tử, mạng xã hội, chú trọng phát triển mảng nội dung số, từ đó phát triển kinh tế số mang lại nguồn thu cho báo.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Kim Hậu, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, hiện nay, đại bộ phận các cơ quan báo chí cả nước đã lên mạng internet với 120/127 báo đã thực hiện loại hình điện tử; 149/673 tạp chí đã thực hiện loại hình điện tử. Một số cơ quan báo điện tử lớn đã được hỗ trợ chi phí thuê dịch vụ internet, băng thông, đường truyền, hosting máy chủ, CDN.

Nhìn về bức tranh chuyển đổi số báo chí, Tiến sĩ Vũ Thị Kim Hoa, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, đến nay, một số cơ quan báo chí đã chú trọng tới việc chuyển đổi số và đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số như: Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, VnExpress, Tuổi trẻ, VTC News...

"Báo điện tử VietnamPlus thuộc Thông tấn xã Việt Nam, đã ứng dụng công nghệ mới như IoT, Big Data, AI... Báo Tuổi trẻ cũng tiến hành từng bước chuyển đổi số phù hợp với thế mạnh và nhu cầu của đơn vị mình: sản xuất các chương trình truyền hình số kết hợp với nền tảng YouTube; xây dựng kênh Podcast; ứng dụng AI trong sáng tạo tác phẩm báo chí; thực hiện phát triển nội dung số phù hợp với nhu cầu của công chúng trên cơ sở dữ liệu người dùng và tiến hành bức tường thu phí...", Tiến sĩ Vũ Thị Kim Hoa nhận định.

Hiện nay, đại bộ phận các cơ quan báo chí cả nước đã lên mạng internet với 120/127 báo đã thực hiện loại hình điện tử; 149/673 tạp chí đã thực hiện loại hình điện tử. Một số cơ quan báo điện tử lớn đã được được hỗ trợ chi phí thuê dịch vụ internet, băng thông, đường truyền, hosting máy chủ, CDN.

Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để tạo ra các robot đọc bài báo bằng ngôn ngữ tiếng Việt cũng đã được một số cơ quan báo chí lớn như Thông tấn xã Việt Nam, Báo Lao Động, Báo Thanh Niên, Báo Dân trí… đưa vào sử dụng. Đặc biệt, báo Thanh Niên trở thành đơn vị tiên phong ứng dụng AI trong báo chí vào ngày 5/1/2021. Đến nay, nhiều tờ báo Việt Nam cũng đã khai thác AI, nhưng ở mức sơ khai.

Tiến sĩ Vũ Hải Quang, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nhấn mạnh, chuyển đổi số báo chí cũng đã thúc đẩy việc thay đổi phương thức quản trị nội bộ của tòa soạn, quản trị quy trình xuất bản, quản trị dữ liệu, quản trị tương tác công chúng, dựa trên việc ứng dụng các phần mềm kỹ thuật số tiên tiến.

Lấy dẫn chứng từ chuyển đổi số tại kênh phát thanh quốc gia, Tiến sĩ Vũ Hải Quang cho hay, Đài Tiếng nói Việt Nam đã có các bước tiến ứng dụng công nghệ thành công trong các cuộc cách mạng công nghệ như phát thanh vi tính hóa, ứng dụng công nghệ truyền dẫn số, quản trị điều hành, số hóa lưu trữ kho băng với gần 100 ngàn giờ âm thanh.

“Nhiều kết quả tạo ra hướng mở mới có thể ứng dụng vào thực tế như báo chí dữ liệu, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để dựng lại giọng đọc của những nghệ sĩ đã đi vào huyền thoại một thời như Nghệ sĩ ưu tú Tuyết Mai, Kim Cúc, Việt Hùng, Trịnh Thị Ngọ, Hà Phương... để đọc tự động các chương trình đọc truyện đêm khuya, đọc truyện dài kỳ, đọc các bản tin... vừa dựng lại được ký ức của một thời với các thế hệ công chúng, vừa giảm bớt được biên chế trong lúc đang phải tinh giản như hiện nay”, Tiến sĩ Vũ Hải Quang cho hay.

Là tờ báo Đảng tiên phong trong công tác chuyển đổi số, theo nhà báo Ngô Việt Anh, Phó Trưởng Ban Nhân Dân Điện tử, Báo Nhân Dân đã từng bước chuyển đổi số báo chí từ việc xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ, thay đổi phương thức sản xuất nội dung, phát triển báo chí chuyên sâu, báo chí dữ liệu...

"Chúng tôi đã hợp tác với các đối tác quốc tế Chartbeat phát triển công cụ đo lường, phân tích dữ liệu hành vi, nhu cầu độc giả, nhằm giúp tòa soạn cung cấp thông tin đúng nhu cầu của bạn đọc, tối ưu thời gian bạn đọc lưu lại trên báo (time on site) và lượng truy cập (pageviews). Đặc biệt, Báo Nhân Dân đã hợp tác với đối tác quốc tế đưa công cụ Shorthand vào hoạt động sản xuất các bài e-magazine, longform.

Trong 5 tháng kể từ khi ra mắt (tháng 7/2022), Báo Nhân Dân đã xây dựng gần 40 nội dung Tri thức chuyên sâu.

"Đón đầu xu hướng báo chí chuyên sâu, báo chí dữ liệu, trong 5 tháng kể từ khi ra mắt (tháng 7/2022), Báo Nhân Dân đã xây dựng gần 40 nội dung Tri thức chuyên sâu", nhà báo Ngô Việt Anh chia sẻ.

Là tờ báo điện tử đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất báo chí, Báo điện tử VietnamPlus đã sớm khai thác sử dụng tự động hóa (automation) và trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc sản xuất các sản phẩm báo chí như Infogram, Flourish (sản xuất infographics), Wochit (sản xuất video), Vbee (biến văn bản thành giọng nói - text to speech), công cụ xác thực thông tin (factcheck)…

Năm 2018, VietnamPlus đã trở thành cơ quan báo chí chính thống đầu tiên sử dụng Chatbot để tương tác với độc giả. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động báo chí, năm 2020, VietnamPlus đã hợp tác với Công ty Công nghệ Insider trong việc thu thập dữ liệu người dùng để chọn lựa những tin tức đặc sắc và gửi trực tiếp cho độc giả. VietnamPlus đã triển khai sản xuất định kỳ Podcast từ đầu năm 2020.

Theo nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng Biên tập Báo điện tử Vietnamplus, hiện tòa soạn đang hợp tác với Taboola, công ty native ads hàng đầu thế giới, để áp dụng công nghệ tòa soạn thông minh, tự động giới thiệu tin tức cho độc giả dựa trên hành vi của chính người dùng, tiến tới cho phép người dùng tự cá nhân hóa trang tin.

Báo Điện tử VietnamPlus đang hợp tác với Taboola, công ty native ads hàng đầu thế giới, để áp dụng công nghệ tòa soạn thông minh, tự động giới thiệu tin tức cho độc giả dựa trên hành vi của chính người dùng, tiến tới cho phép người dùng tự cá nhân hóa trang tin.

Nhiều thách thức trong chuyển đổi số báo chí

Hầu hết các cơ quan báo chí đều có nỗ lực lớn trong chuyển đổi số. Lãnh đạo các cơ quan báo chí cả Trung ương và địa phương đều nhận thức đúng về tính sống còn trong chuyển đổi số, phát triển các dòng sản phẩm báo chí số, xây dựng và quản trị toà soạn số nhưng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam, chuyển đổi số báo chí vẫn còn chậm về tiến độ, chưa đi vào thực chất.

“Nhiều cơ quan báo chí còn mơ hồ về “đích đến” của chuyển đổi số là nền báo chí số, chưa tường minh về mô hình toà soạn báo chí số, dẫn tới hầu hết các cơ quan báo chí chưa xây dựng được mô hình toà soạn báo chí số đáp ứng được sự hội tụ chủ thể số, nội dung số, công nghệ số, công chúng số, kinh tế số, hệ sinh thái số”, Phó Giáo sư Đỗ Thị Thu Hằng cho hay.

Về phát triển nội dung số, hiện chỉ có một số cơ quan báo chí như Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo điện tử Vietnamplus.vn, Zing.vn… đã thực thi chiến lược đổi mới khu vực sản phẩm số, hoạch định và thực thi chiến lược nội dung số, phát triển các dòng sản phẩm đổi mới sáng tạo, xác định các vị trí nghiệp vụ chính…

Theo chuyên gia này, hạn chế dễ thấy nhất của các cơ quan báo chí trong phát triển báo chí số là công cụ số, nền tảng số và công chúng số. Thực tiễn báo chí cho thấy, ngoài việc xây dựng mô hình báo chí số và chuyển đổi số ở các cơ quan báo chí, cần phải chú trọng vào yếu tố có tính mấu chốt: nhân lực và vật lực cho chuyển đổi số báo chí này.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền chỉ ra 3 nguyên nhân là thách thức với chuyển đổi số tại Việt Nam là: Thiếu nguồn lực và kiến thức về công nghệ; sự cạnh tranh từ các kênh truyền thông lớn của các tập đoàn nước ngoài, đặc biệt là các công ty đa quốc gia như Facebook, Google...; vấn nạn “tin giả” và độ tin cậy của thông tin trên không gian mạng.

Chuyển đổi số là thách thức với nhiều tòa soạn, nhất là với các cơ quan báo Đảng. Theo Phó Trưởng Ban Nhân Dân điện tử Ngô Việt Anh dẫn chứng: "Khảo sát vào khoảng tháng 11/2022 của Báo Nhân Dân với hệ thống báo đảng địa phương trên toàn quốc cho thấy, có 35 cơ quan báo đảng cho rằng thiếu nhân lực công nghệ là thách thức lớn trong quá trình chuyển đổi số, 27 cơ quan báo chí chỉ ra vấn đề nhân sự tòa soạn thiếu kỹ năng số, 26 cơ quan báo chí cho rằng kinh phí đầu tư hạn hẹp là khó khăn lớn, 7 đơn vị nêu việc không có chiến lược chuyển đối số dài hạn".

Việc triển khai mô hình tòa soạn số cũng là một bước khó khăn với nhiều cơ quan báo chí, nhất là các cơ quan báo chí chuyển đổi từ mô hình báo in. Tiến sĩ Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam cho biết, mặc dù tòa soạn đã vận hành theo định hướng mô hình toà soạn số, nhưng để nói rằng đã 100% là toà soạn số hay chưa thì “tự chúng tôi cũng chưa dám bảo đảm”.

Ông Phạm Đồng Thụy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình cũng nhận định chuyển đổi số báo chí đang ở giai đoạn khởi đầu với đa số cơ quan báo chí, nhất là cơ quan báo chí ở địa phương. Do đó kiến thức, kinh nghiệm còn hạn chế, có lúc, có việc không tránh khỏi lúng túng; chưa có mô hình chuyển đổi số của cơ quan báo chí nào được đánh giá thành công bằng kết quả đo lường cụ thể, cũng chưa có một mô hình chuẩn cho chuyển đổi số báo chí.

Việc chuyển đổi số trong cơ quan báo chí không phải bắt đầu một cuộc cách mạng lớn về công nghệ mà phải bắt đầu từ sự thay đổi tư duy của người đứng đầu cơ quan báo chí và công tác đào tạo nguồn nhân lực dành riêng cho báo chí. Khi đã hội tụ đủ những điều kiện cần như vậy, hãy bàn tới điều kiện đủ: vấn đề công nghệ.

Chia sẻ về thách thức của chính địa phương mình, ông Phạm Đồng Thụy bày tỏ: “Hạ tầng kỹ thuật của cơ quan báo chí tỉnh nhà tuy đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ; kinh phí hoạt động thấp, nhân lực giảm, nguồn thu quảng cáo cũng giảm (do tác động của dịch Covid-19, suy giảm kinh tế, doanh nghiệp khó khăn, sự cạnh tranh của mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến…)”. Theo ông Thụy, việc khơi thông nhận thức cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên về chuyển đổi số báo chí còn nhiều thách thức.

Tổng Biên tập Báo Lao Động Nguyễn Ngọc Hiển cũng nhấn mạnh việc chuyển đổi số trong cơ quan báo chí không phải bắt đầu một cuộc cách mạng lớn về công nghệ mà phải bắt đầu từ sự thay đổi tư duy của người đứng đầu cơ quan báo chí và công tác đào tạo nguồn nhân lực dành riêng cho báo chí. Khi đã hội tụ đủ những điều kiện cần như vậy, hãy bàn tới điều kiện đủ: vấn đề công nghệ.

Tuy nhiên, thiếu sự mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, thiếu nhân lực cho công tác chuyển đổi số báo chí là khó khăn với nhiều cơ quan báo chí địa phương.

Tổng Biên tập Báo Hà Tĩnh Nguyễn Công Thành cho hay từ thực tiễn địa phương mình, đội ngũ nhân lực báo chí đang bị “già hóa bền vững” do bị ràng buộc bởi các quy định về tổ chức bộ máy và chính sách tinh giản biên chế.

“Trong bối cảnh nguồn nhân lực còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu, cộng với nguồn kinh phí đầu tư cho hạ tầng số tại các cơ quan báo chí địa phương còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu chiến lược bền vững… Đây chính là những vướng mắc, lực cản lớn nhất đối với Báo Hà Tĩnh và các cơ quan báo chí địa phương trong hành trình thực hiện các mục tiêu mà Chiến lược chuyển đổi số báo chí đã đề ra”, nhà báo Nguyễn Công Thành bày tỏ.

Sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ giúp báo chí chuyển đổi số mạnh mẽ

Theo đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo TP Hồ Chí Minh, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng các cơ quan báo chí, xuất bản thành phố vẫn gặp không ít khó khăn trong tiến trình thực hiện chuyển đổi số, như về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, vốn, nguồn nhân lực, vấn đề khai thác, phân tích dữ liệu…

Các cơ quan báo chí, xuất bản đều thống nhất việc cần thiết phải có sự hỗ trợ về chuyển đổi số mạnh mẽ từ các cơ quan lãnh đạo, quản lý của Trung ương và thành phố nhằm giúp các báo đổi mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng, phòng tránh bị tấn công mạng.

Nhà báo Lê Trần Nguyên Huy, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Quyền Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận cũng bày tỏ, để quá trình chuyển đổi số trở nên trơn tru hơn, sâu hơn, nhanh hơn, các cơ quan báo chí vẫn cần nhiều hơn những bệ đỡ chính sách.

“Theo tôi vấn đề cốt lõi, gốc rễ vẫn là bài toán kinh tế báo chí. Báo chí đang trong giai đoạn rất khó khăn khi quảng cáo truyền thống di chuyển sang nền tảng trực tuyến xuyên biên giới như Facebook, Tiktok, người đọc của đổ xô sang tìm kiếm thông tin từ mạng xã hội… Trong bối cảnh ấy, đầu tư chuyển đổi số là câu chuyện không dễ dàng, nhất là với những đơn vị tự chủ 100% tài chính”, nhà báo Nguyên Huy bày tỏ.

Các cơ quan báo chí, xuất bản đều thống nhất việc cần thiết phải có sự hỗ trợ về chuyển đổi số mạnh mẽ từ các cơ quan lãnh đạo, quản lý của Trung ương và thành phố nhằm giúp các báo đổi mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng, phòng tránh bị tấn công mạng.

Theo nhà báo Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Hà Nội mới, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần sớm hình thành nền tảng báo chí số quốc gia. Trong đó, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng báo chí số quốc gia trên cơ sở phát huy mô hình tòa soạn hội tụ, hình thành hệ sinh thái nền tảng số cho hệ thống các cơ quan báo chí Việt Nam.

“Thông qua nền tảng số quốc gia, cho phép kết nối các cơ quan báo chí để có thể phát triển và chia sẻ dữ liệu rộng khắp trên cơ sở tận dụng nguồn lực, dữ liệu của các cơ quan báo chí”, nhà báo Nguyễn Minh Đức đề xuất.

Đồng quan điểm này, Tổng Biên tập Báo Lao Động Nguyễn Ngọc Hiển cho rằng, hiện thực tế chưa một cơ quan báo chí nào đủ năng lực, tiềm lực để tự chủ hoàn toàn công nghệ.

“Trong chuyển đổi số báo chí, tôi nghĩ cần có những cơ chế bảo vệ các cơ quan báo chí trên không gian mạng là vô cùng cấp thiết. Thí dụ như một nền tảng dùng chung cho các cơ quan báo chí trong nước. Đồng thời, cần một hành lang pháp lý cho ứng dụng các công nghệ mới chính là yếu tố then chốt giúp cơ quan báo chuyển đổi số thành công”, nhà báo Nguyễn Ngọc Hiển nói.

Theo Báo điện tử Nhân Dân

 

.
.
.