Thứ Tư, 24/10/2012, 10:46 (GMT+7)
.

Phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm phát hiện ra những suy thoái của một số cán bộ, đảng viên và cảnh báo 2 nguy cơ đối với một Đảng cầm quyền: Một là, sai lầm về đường lối; hai là, sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Sự suy thoái của cán bộ, đảng viên thể hiện trên nhiều mặt, nhưng điều thường thấy nhất là về tinh thần trách nhiệm trong công việc, về đạo đức, lối sống.

Trong bức thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng ngày 17-10-1945, Người “kê đơn bốc thuốc trị bệnh”: “…Có nhiều người phạm những lầm lỗi rất nặng nề”, đó là: 1- Trái phép; 2- Cậy thế; 3- Hủ hóa; 4- Tư túng; 5- Chia rẽ; 6- Kiêu ngạo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa. Vậy nên, ai không phạm những lầm lỗi trên thì nên chú ý tránh đi và gắng sức cho thêm tiến bộ. Ai đã phạm những lỗi lầm trên thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung” (1).

Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI). Ảnh: laodong.com.vn
Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI. Ảnh: laodong.com.vn

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán và chỉ ra những biện pháp khắc phục những biểu hiện thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Trong bài báo “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Bác đề cập sâu vấn đề tư cách, đạo đức, chống suy thoái trong cán bộ, đảng viên, Người viết: “…Bên cạnh những đồng chí tốt ấy, còn một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém. Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết…

Do chủ nghĩa cá nhân mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị, quyền hành… Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân” (2).

Nói đến vấn đề chống suy thoái trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, Người chỉ rõ: “Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên.

Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ…” (3).

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng cả đức và tài của cán bộ, đảng viên, nhưng xét về thứ tự ưu tiên thì đức là gốc. Ở đâu và lúc nào Người cũng nói hoặc viết, nhất là làm, có liên quan đến vấn đề đạo đức. Đó là nếp sống văn hóa thường nhật của Người. Cả cuộc đời của Người là một tấm gương sáng mà cán bộ, đảng viên có thể tự soi vào đấy.

Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng việc giáo dục cán bộ, đảng viên trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân. Trung với nước, trung với Đảng ở Hồ Chí Minh trở thành lẽ sống tự nhiên và Người ý thức được trách nhiệm phục vụ nhân dân, kể cả khi đã đứng ở đỉnh cao nhất của quyền lực. Người lên án những cán bộ, đảng viên xa dân, coi khinh dân, trù dập, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân - những người “vác mặt quan cách mạng” để “đè đầu cưỡi cổ nhân dân”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phòng và chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên phải đi liền với rèn luyện đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và xây dựng môi trường văn hóa đạo đức, chú trọng những vấn đề dưới đây:

- Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, chấp hành nghiêm chỉnh Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng.

- Tôn trọng và phát huy những truyền thống tốt đẹp, những thuần phong mỹ tục của dân tộc.

- Đề cao cái đẹp, cái tốt; lên án cái xấu, cái ác và khuyến khích mọi người làm việc thiện.

- Cán bộ, đảng viên nêu tấm gương sáng về đạo đức, lối sống…

Trong Di chúc thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Người căn dặn: “Việc phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng” khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi.

Chữa trị để đi đến ngăn chặn, đẩy lùi và khắc phục có hiệu quả sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng. Từ đó, Đảng sẽ khẳng định vị thế cầm quyền, năng lực cầm quyền, bản lĩnh cầm quyền và chịu trách nhiệm cầm quyền trước nhân dân và lịch sử dân tộc.

NGUYỄN XUYẾN

(1) Hồ Chí Minh toàn tập - Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia - Hà Nội năm 1995 - Tập 5 - trang 57và 58.

(2) (3) Sđd - Tập 12 - trang 438 và 439.

.
.
.