Thứ Năm, 20/12/2012, 06:22 (GMT+7)
.

SAM 2 - "khắc tinh của B52" trên bầu trời Hà Nội

4 giờ 30 ngày 22-12-1972, đơn vị báo động máy bay Mỹ sắp qua bầu trời Hà Nội. Kíp trắc thủ bám chặt tín hiệu mờ trên ra đa, quyết định phóng tên lửa. Hai "pháo đài bay" bốc cháy trong niềm vui của người lính phòng không.

40 năm đã trôi qua, ký ức về 12 ngày đêm lịch sử của trận "Điện Biên Phủ trên không" vẫn nguyên vẹn trong trí nhớ của trung tướng Nguyễn Văn Phiệt - nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn tên lửa bắn rơi nhiều B52 nhất.

Ngày ấy, tiểu đoàn 57 (trung đoàn Cổ Loa 261) của ông đóng quân tại trận địa Đại Đồng, huyện Đông Anh (Hà Nội).

Tên lửa Sam2. Ảnh tư liệu.
Tên lửa SAM 2. Ảnh: tư liệu

15 giờ ngày 18-12-1972, đơn vị nhận được lệnh ăn cơm sớm để chuẩn bị chiến đấu. 19 giờ, một tốp F111 bỏ bom vào trận địa nhưng không trúng đài điều khiển nào. Một lúc sau, trên màn hình rada trắng xóa do bị ảnh hưởng nhiễu tích cực của các tốp máy bay địch phát ra.

Đêm đó, đơn vị ông Phiệt phóng 11 quả đạn nhưng không hạ được chiếc máy bay nào. Ngày hôm sau bắn được B52 nhưng rơi ở vị trí rất xa. Toàn đơn vị củng cố quyết tâm phải đánh rơi B52 tại chỗ. 4 giờ 30 ngày 22-12, đơn vị báo động nhưng 6 bệ phóng còn có 3 quả đạn. Theo đúng giáo trình thì phải dùng 2, 3 quả đánh một tốp B52 nhưng lúc này để tiết kiệm tên lửa ông đề nghị đánh “mổ cò” - dùng quả một.

5 giờ 09, máy bay vào cự ly phóng 35km. Ông Phiệt ra lệnh phóng quả thứ nhất, quả đạn không rời bệ, phóng tiếp quả thứ hai, đạn đi điểu khiển tốt, cự ly phóng lúc này là 32km. Khi quả đạn đi được 15km thì nhìn thấy tín hiệu B52 trùm trên dải nhiễu.

"Bộ phận trắc thủ sau nhiều ngày chiến đấu đã có những kinh nghiệm điều khiển sao cho mỗi đường đi của B52 được nằm gọn trên một dải nhiễu, và lúc này trên màn hình xuất hiện 3 dải nhiễu riêng biệt, tượng trưng đường đi của 3 chiếc B52", ông Phiệt nói.

Trên mỗi dải nhiễu là một tín hiệu của từng chiếc B52 dù rất mờ, nhưng kíp trắc thủ đã nhanh chóng bám chặt tín hiệu B52, đạn đi vào điều khiển đúng và B52 bị tiêu diệt. Chưa hết vui mừng thì sau đó 10 phút, khi tiểu đoàn chỉ còn một quả đạn cuối cùng lại bắt tiếp được mục tiêu B52 vẫn đi theo đường bay cũ.

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt cho biết, trí tuệ Việt Nam đã cải tiến tên lửa SAM2 khiến nó thành vũ khí tiêu diệt gọn B52. Ảnh: Hoàng Thùy.
Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt cho biết, trí tuệ Việt Nam đã cải tiến tên lửa SAM2 khiến nó thành vũ khí tiêu diệt gọn B52. Ảnh: Hoàng Thùy

"Chúng tôi phóng tiếp quả đạn còn lại và tiêu diệt được ngay chiếc B52, rơi tại chỗ xuống Sóc Sơn. Đến đêm ngày 22-12, đơn vị tôi lại tiếp tục bắn rơi thêm một B52, rơi xuống Lương Sơn - Hòa Bình", trung tướng Phiệt kể và cho hay, từ ngày 18 đến 28-12, tiểu đoàn của ông đã bắn rơi được 4 chiếc B52, trong đó có 2 chiếc rơi tại chỗ.

Trung tướng Phiệt cho biết, theo nhận định của Bộ Tổng tư lệnh, chủ lực đánh phá ta trong chiến dịch này là B52, do vậy quân chủng cũng xác định lực lượng để đánh B52 lúc này là không quân và tên lửa, các loại máy bay khác của địch do lực lượng phòng không tầm thấp chịu trách nhiệm. Nhưng do các sân bay ở khu vực miền Bắc đã bị địch thả bom đánh phá nên không quân rất khó cất cánh, lực lượng đánh B52 lúc này được xác định chủ yếu là lực lượng SAM2.

Tất cả các đạn tên lửa chỉ dùng để đánh B52. Theo tướng Phiệt, khó khăn không phải vì thiếu đạn bởi trong cả chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, ta bắn chưa đến 350 quả, trong khi số đạn dự trữ vẫn còn trên 300. Thế nhưng có những lúc, cả trung đoàn tên lửa với 4 tiểu đoàn thì 2 tiểu đoàn không có đạn trên bệ. Nguyên nhân là do bộ phận kỹ thuật lắp ráp đạn không kịp.

Khi nhận từ Liên Xô, tất cả các bộ phận của tên lửa được đóng trong hòm riêng. Mỗi trung đoàn có một tiểu đoàn kỹ thuật chuyên lắp ráp nhưng một ngày đêm một dây chuyền chỉ lắp được 10-12 quả. Có những xe đạn về đến nơi mà không vào được vì đường hỏng, phải vận chuyển bằng dân công, hoặc tài xế phải chạy vài kilomet để báo dân công sửa đường...

Bên cạnh đó, đạn giữa các tiểu đoàn không thể bổ sung cho nhau vì mỗi tiểu đoàn tên lửa có một “phách” riêng - đó là tần số sóng của từng đơn vị. Mỗi một tiểu đoàn tên lửa có 3 “rãnh”, mỗi một “rãnh” lại có 3 “cốt” khác nhau. Các tiểu đoàn thường được bố trí gần nhau nên điều này đảm bảo cho hệ thống đài điều khiển giữa các đơn vị không bị nhầm, nhiễu về tín hiệu điều khiển, do vậy các tên lửa khi phóng lên được điều khiển độc lập.

"Trong chiến dịch 12 ngày đêm, hệ thống SAM 3 chưa kịp đưa về Việt Nam nên với tên lửa, chúng ta chỉ sử dụng SAM 2 để đánh B52. Chúng ta có một số cải tiến trên SAM 2 nhưng việc “nối tầng” tên lửa là thông tin không đúng", tướng Phiệt nói và giải thích.

Ngày 1-5-1960, phòng không Liên Xô đã sử dụng tên lửa SAM 2 để bắn hạ một máy bay trinh thám tầng cao U-2 của Mỹ ở độ cao 20km. Trong khi đó B52 bay vào đánh phá Hà Nội thường chỉ bay ở độ cao 11-12km để đảm bảo thả bom chính xác, do vậy việc “nối tầng” là không cần thiết.

Những chi tiết ta cải tiến trên tên lửa SAM 2 là cải tiến phần đầu nổ để các mảnh nổ sẽ bung ra nhiều hơn, dẫn đến xác suất tiêu diệt mục tiêu sẽ cao hơn. Qua kiểm tra chức năng và định kỳ khí tài, ta thay đổi về công suất điện áp của cánh sóng để chế áp điện tử gây nhiễu của máy bay địch gây ra cho các đài điều khiển tên lửa của ta.

Mặt khác, máy bay Mỹ dùng mọi hình thức gây nhiễu khác nhau cho hệ thống radar của tên lửa SAM 2, do vậy có lúc phòng không Việt Nam phải bật công tắc phóng giả để phát sóng điều khiển tạo ra một hình thức nghi binh. Khi phát hiện hiện ra tín hiệu phóng tên lửa (phóng giả) này, các máy bay Mỹ sẽ hoảng loạn và tản mát đội hình, do vậy các tín hiệu nhiễu cũng bị giãn ra và yếu đi.

Bên cạnh các yếu tố về kỹ thuật, phòng không Việt Nam đã kết hợp yếu tố về chiến thuật trong chiến dịch tiêu diệt B52. Để thả bom chính xác các mục tiêu, B52 phải căn cứ vào các địa tiêu cố định trên thực địa, do vậy B52 bắt buộc phải bay theo những đường bay cố định. Lợi dụng điểm yếu này, Việt Nam đã bố trí các trận địa tên lửa tập trung đánh vào những đường bay cố định của B52. Do vậy xác xuất tiêu diệt B52 của SAM 2 đã tăng lên đáng kể.

"Các yếu tố làm lên thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ trên không chính là làm tốt các khâu từ chuẩn bị kỹ thuật khí tài, yếu tố tinh nhanh và sáng tạo của bộ phận trắc thủ cũng như tư duy về chiến thuật trong công tác nghiên cứu địch và phương pháp bố trí trận địa để đánh địch. Điều đó cho thấy, yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất làm lên sức mạnh Việt Nam", trung tướng Phiệt nói.

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt sinh năm 1938 tại Hưng Yên. Ông nhập ngũ tháng 2-1960. Năm 1972 ông là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn tên lửa 57 (Trung đoàn 261, Sư đoàn 361) cấp bậc Thượng úy. Năm 1973, ông được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang. Năm 1999, ông được phong hàm Trung tướng – Phó Tư lệnh về Chính trị Quân chủng Phòng không Không quân. Năm 2003, ông nghỉ hưu.

(Theo vnexpress)

.
.
.