Thứ Năm, 10/01/2013, 10:41 (GMT+7)
.

Những số báo đáng ghi nhớ

Tôi chưa bao giờ là nhà báo chuyên nghiệp, nhưng tôi đã tham gia viết báo thời đánh Pháp, đánh Mỹ và tất nhiên là sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đến nay. Bắt đầu từ những bài báo tường, báo nội bộ chi bộ rồi báo tỉnh, báo trung ương, tôi đã viết nhiều loại: tin, bình luận, xã luận, tùy bút, hồi ký, phóng sự, thơ... với lòng tha thiết cách mạng. Những bài báo của tôi đều nhằm vào chủ đề ca ngợi, cổ vũ động viên phong trào cách mạng quần chúng; vạch mặt, đấu tranh với kẻ thù; phê phán các biểu hiện tiêu cực, nhất là sự chao đảo trước khó khăn, phức tạp.

Đáng ghi nhớ trong công việc viết báo của tôi là những ngày tôi được phân công làm tờ báo của Đảng bộ tỉnh vào năm 1958-1959. Đó là những năm mà phong trào cách mạng miền Nam bị khủng bố, đàn áp dã man, cơ sở Đảng trong tỉnh bị tan rã, đại bộ phận cán bộ, đảng viên lớp bị bắt, lớp được điều lắng, lớp rời bỏ vị trí công tác.

Nhân dân căm thù địch cao độ nhưng rất hoang mang. Tỉnh ủy chỉ còn mấy đồng chí cán bộ, xung quanh Tỉnh ủy không tới mười người, lúc nào cơ quan rầm rộ, bây giờ thì le ngoe, tài sản chỉ còn “một gánh, một xách”. Anh Năm Bờ (Năm Bê) từ sau đình chiến năm 1954 được phân công làm công tác thông tin báo chí của Tỉnh ủy. Những năm đầu anh làm được tờ tin hàng tuần, in bằng giấy sáp. Đến khi anh Năm Bờ phải tạm lắng ở Sài Gòn, tờ tin không còn nữa.

Đồng chí Huỳnh Văn Niềm xem tờ báo Xuân Ấp Bắc năm 1966.
Đồng chí Huỳnh Văn Niềm xem tờ báo Xuân Ấp Bắc năm 1966.

Từ huyện mới điều lên, trước hết tôi được giao nhiệm vụ ra tờ báo của tỉnh. Đáng lý công việc này của anh Năm Bờ, nhưng lúc đó anh chưa về được. Còn tôi, theo ý định của Tỉnh ủy sẽ được phân công mở lớp chính trị để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở. Thật ra vào những tháng cuối năm 1958 rất khó làm trường lớp. Tỉnh ủy còn chưa ổn định chỗ ở làm gì có chỗ mở trường. Tôi làm báo là theo yêu cầu và đúng là bất đắc dĩ đối với tôi.

Tờ báo tên là “Tranh Đấu”. Trên danh nghĩa anh Huỳnh Văn Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, phụ trách Tuyên huấn làm chủ nhiệm, tôi là tổng biên tập. Nói cho oai chớ thật ra phân công cụ thể như thế này: Anh Lâm có cái radio loại transitor mới có bán làm mẫu ở Sài Gòn, anh chép tin đọc chậm và chọn những tin cần đưa lên báo. Tôi làm cả biên tập, viết báo, sắp bài, viết bảng in bằng mực photocoppy, in bột, phát hành và chuyển đến trạm giao liên. Dự kiến báo ra hàng tuần nhưng thực tế không đều.

Cộng tác viên của báo bao gồm các đồng chí trong Tỉnh ủy, cán bộ xung quanh Tỉnh ủy, và lâu lâu nhận được một bài từ thị xã hoặc huyện gởi về. Anh Tư Việt Thắng, lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy; anh Chín Công - Phó Bí thư Tỉnh ủy cũng viết bài. Tôi viết tin, làm thơ, vẽ tranh châm biếm.

Tờ báo lấy khá nhiều tin từ Đài Phát thanh Hà Nội. Tuy là tin của đài, nhưng thuộc loại quí vì bấy giờ radio rất hiếm hoi, và có radio cũng không dễ gì bắt đài Hà Nội. Một bộ phận quan trọng khác là tin ở địa phương phản ảnh những tội ác của ngụy quân ngụy quyền, những cuộc đấu tranh của nhân dân, những gương anh hùng của cán bộ, đảng viên. Mỗi số báo cũng có bài xã luận, một bài thơ, một tranh châm biếm.

Vì đang lúc thoái trào đen tối, chúng tôi rất chú ý đến nội dung tư tưởng nhằm vạch mặt lừa mị, gây căm thù Mỹ - Diệm, củng cố lòng tin vào sự tất thắng của cách mạng; đồng thời động viên khí tiết cách mạng và tinh thần mưu trí dũng cảm đấu tranh của các tầng lớp nhân dân, gây phấn khởi với những kết quả dù nhỏ - trong đấu tranh dân sinh dân chủ, chính trị với kẻ thù.

Chúng tôi đã viết nhiều tin, bài chống địch xây dựng khu trù mật Thiên Hộ, Mỹ Phước Tây, chống địa chủ phong kiến dựa vào ngụy quyền tăng tô xáo canh, chống thuế ở thị xã Mỹ Tho, chống khủng bố những người kháng chiến hồi cư, chống thảm sát ở trại tập trung Phú Lợi. Những tên chủ ấp, tề xã ác ôn là đối tượng đả kích của báo, đó cũng là bước chuẩn bị cho phong trào nổi dậy phá kềm kẹp ở nông thôn.

Chúng tôi hết sức chú ý công tác bí mật, cốt không để cho địch thông qua tờ báo mà phát hiện những đồng bào tích cực đấu tranh, những cơ sở cách mạng, những bí quyết để giành thắng lợi trong các cuộc đấu tranh, đặc biệt đừng để địch qua tờ báo mà biết Tỉnh ủy đang ở vùng nào. Lúc bấy giờ sự liên lạc từ cơ sở đến Tỉnh ủy rất chậm trễ, có khi bị cắt đứt. Vì vậy chỗ ở của Tỉnh ủy có thể bị lộ nếu như tin, bài làm cho địch đánh hơi được tờ báo ở gần đâu đấy.

Tờ báo trở thành vũ khí tư tưởng thật sự. Tờ báo của Tỉnh ủy có mặt có nghĩa là Tỉnh ủy còn. Các đồng chí ở huyện, xã nhận được tờ báo vui mừng biết bao. Tôi có thể so sánh nỗi vui mừng đó cũng như nỗi vui mừng chúng tôi năm 1966, khi bộ phận điện đài của Khu ủy báo đã bắt được tín hiệu đài của Trung ương Cục trong lúc Mỹ mở chiến dịch Giơn-Xơn-ci-ty đánh vào căn cứ Trung ương Cục ở miền Đông. Trong vòng vây của địch, đâu đâu cũng tràn ngập tài liệu báo chí phản động, tờ báo Đảng có sức mạnh đánh bật các luận điệu mê hoặc, khủng bố, lung lạc của kẻ thù.

Có khi một tháng tờ báo mới về tới nơi, chữ bị phai mờ nhưng đã được chuyền tay đọc đến rách. Có nơi đề nghị cho thêm số lượng bởi chỉ có 2-3 tờ mỗi huyện không được bao nhiêu người đọc. Nhưng tôi không làm sao đáp ứng, chỉ có một mình, mực lại không tốt. Lúc bấy giờ còn in photocoppy thật là lạc hậu, trên thị trường không còn bán loại mực tốt, tôi phải dùng giấy than photocoppy nấu thành mực, khó viết mà in được không quá 20 bản.

Công việc in ấn cũng vất vả lắm. Lúc đầu còn ở được trong nhà, bao nhiêu dụng cụ cất dưới hầm bí mật, khi cần thì lấy lên. Đang làm giữa chừng có khách, trong nhà lại phải cất xuống hầm bí mật. Lúc sau không còn ở được trong nhà lại phải chui vào những đám lau sậy ngoài đồng sống và làm việc dưới nắng mưa. Điều kiện như vậy không thể làm nhiều được.

Cùng thời điểm đó, Tỉnh ủy Kiến Tường nhờ còn có căn cứ tốt, đã ra tờ báo in bằng giấy sáp. Một hôm bất ngờ tôi được đọc một số báo Kiến Tường, tôi rất phấn khởi lại có bài của báo Tranh Đấu đăng trên Báo Kiến Tường. Tôi làm được khoảng 20 số báo thì Tỉnh ủy gọi được anh Năm Bờ và Bảy Bình-ton về. Tôi giao việc làm báo cho anh và chuẩn bị đi mở lớp.

Lúc đó, tuy vẫn còn ở ngoài lùm, bụi nhưng chỗ ở ổn định khá hơn nhờ có “hơi hám” của trung đội võ trang Kiến Tường. Anh Năm Bờ lại có kinh nghiệm làm báo hơn tôi, anh và Bảy Bình-ton đóng bàn in giấy sáp. Lúc đầu còn viết vào giấy sáp và kéo in bằng quai guốc, sau đó đánh máy và kéo in bằng ru-lo. Anh khắc gỗ làm ma-kết.

Vùng “Tòa soạn” ở có rất nhiều cây cà-dâm, thời đánh Tây, anh em ta dùng để khắc mộc. Bấy giờ anh dùng để khắc bản in, anh làm không biết bao nhiêu bản in. Lúc đó đã là giữa năm 1959, phong trào cách mạng trong tỉnh bắt đầu dấy lên với những cuộc võ trang tuyên truyền, trừ gian, họp mít tinh ở vùng ven Đồng Tháp Mười. Tin tức, bài vở nhiều và phong phú hơn, việc chuyển báo đi cũng dễ hơn.

Đến Đồng khởi (tháng 7-1960) báo được đổi tên là Giải Phóng và được in ty-pô. Đến năm 1963, sau chiến thắng Ấp Bắc, báo được đổi tên là Ấp Bắc đến ngày nay. Báo chúng ta có thể tự hào về truyền thống cách mạng của mình. Có khi cầm đọc tờ báo tôi lại nhớ tờ báo được sinh ra vào quí IV - năm 1958 trong buồng một gia đình nông dân nằm trên kinh Bằng Lăng thuộc xã Đốc Binh Kiều (Đồng Tháp).

HUỲNH VĂN NIỀM

(*) Bài viết vào năm 1991

.
.
.