Thứ Sáu, 07/02/2014, 09:52 (GMT+7)
.

Nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng

Đảng đã nhận lấy sứ mạng lãnh đạo giành độc lập, giải phóng đất nước, giữ nước và xây dựng đất nước, đưa dân tộc đến ấm no, hạnh phúc. Sứ mạng đó đã được ghi trong các văn kiện của Đảng và được khẳng định trong Điều 4 của Hiến pháp.

Nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng (cụm từ dùng trong báo cáo chính trị) là một cách diễn đạt mới thẳng thắn, ấn tượng hơn, thay cho cụm từ “Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng” trong các văn kiện sử dụng.

Chắc không ai không hiểu Đảng điều hành đất nước thực chất là cầm quyền qua chính quyền của mình lập ra. Còn bản chất chính quyền đó không có gì khác là của dân, do dân và vì dân. Nhưng có lẽ có một câu hỏi lớn luôn luôn thường trực được đặt ra dưới cách diễn đạt này hay diễn đạt khác: Trong điều kiện, tình hình hiện nay, làm thế nào để nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng?

Hiến pháp sửa đổi đã thể chế hóa đầy đủ hơn, sâu sắc hơn quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về đề cao chủ quyền nhân dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và đảm bảo tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Hiến pháp tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vai trò đó do lịch sử giao phó, nhân dân thừa nhận và được Hiến pháp xác nhận; đồng thời Hiến pháp làm rõ hơn và sâu sắc hơn bản chất tiên phong, bản chất nhân dân của Đảng và bổ sung một yêu cầu rất quan trọng của nhân dân, đó là “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”.

Điều 4 của Hiến pháp sửa đổi là sự Hiến định về vai trò lãnh đạo và vị trí cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, có những đổi mới, bổ sung quan trọng cả về nội dung và hình thức trình bày so với Hiến pháp năm 1992, thể hiện đầy đủ hơn bản chất của Đảng theo tinh thần Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011).

Hiến pháp khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng”. Bản chất cách mạng và khoa học đó của Đảng là cơ sở quy định vai trò lãnh đạo của Đảng.

Khác với Hiến pháp năm 1992, trong Hiến pháp sửa đổi, đã bổ sung một nội dung mới rất quan trọng ở khoản 2 Điều 4, đó là “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”.

Chế độ một đảng lãnh đạo, cầm quyền là Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thực tiễn lịch sử quy định, nhân dân lựa chọn. Đảng Cộng sản Việt Nam với công lao to lớn với cách mạng, Tổ quốc và nhân dân; với lịch sử chiến đấu hy sinh cho dân tộc, bằng “pho lịch sử bằng vàng” (lời Hồ Chí Minh) của mình đã tự khẳng định một cách xứng đáng là người lãnh đạo dân tộc, được nhân dân suy tôn.

Ở Việt Nam không có cơ sở khách quan để hình thành chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; không một lực lượng nào, đảng phái nào ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có thể lãnh đạo dân tộc trên con đường đổi mới và phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Có ý kiến cho rằng, ngày nay kẻ thù nguy hiểm nhất đối với vai trò lãnh đạo của Đảng là sự hụt hẫng về trí tuệ và phẩm chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã thẳng thắn chỉ ra tình trạng trên đây và đề ra một hệ thống các giải pháp cấp bách để tiếp tục đổi mới, xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, toàn Đảng đã và đang triển khai việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình nghiêm túc từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương đến các tổ chức đảng ở các cơ quan Trung ương, các cấp ủy địa phương và cơ sở. Đảng đã nghiêm túc tự phê bình, sửa chữa khuyết điểm, tự đổi mới, tự chỉnh đốn để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, tiếp tục lãnh đạo để đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên.

Để nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng, thiết nghĩ phải có những định hướng và giải pháp sau đây:

- Kiên trì tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng cầm quyền và xây dựng chính quyền, lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động.

- Kiên trì mục tiêu tập hợp mọi tiềm lực của xã hội, mở cửa hội nhập vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

- Quan tâm xây dựng nền chính trị dân chủ, bảo đảm dân chủ trong Đảng, phát huy dân chủ trong dân. Đổi mới phương thức bầu cử, tuyển chọn những người tham gia điều hành đất nước, thật sự là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Coi dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển xã hội.

- Xây dựng cơ chế giám sát quyền lực thật khoa học, hữu hiệu. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Đảng phải tự chỉnh đốn, nâng mình lên ngang tầm đòi hỏi của thời đại, nắm bắt “thời cơ vàng” dẫn dắt dân tộc đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

DIỆP VĂN SƠN

.
.
.