Thứ Tư, 29/10/2014, 16:56 (GMT+7)
.

ĐBQH Huỳnh Văn Tính: Đóng góp ý kiến dự án Luật Hộ tịch

Ngày 28-10, Quốc hội làm việc ở Hội trường để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Hộ tịch.

Đại biểu Huỳnh Văn Tính, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, cơ bản tán thành với những quy định mang tính cải cách hành chính của dự thảo luật, đặc biệt là những quy định về phân cấp thẩm quyền đăng ký hộ tịch cho Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã, để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tập trung nâng cao hiệu quả quản lý.

Tuy nhiên, dự thảo luật cần giao Chính phủ có giải pháp kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch tại cấp huyện và công chức tư pháp hộ tịch tại Ủy ban nhân dân cấp xã để đáp ứng yêu cầu của luật.

Đồng thời đề nghị dự thảo Luật cần nghiên cứu để tiếp tục kế thừa những quy định quy định hiện hành về việc đăng ký khai sinh và cấp giấy khai sinh cho trẻ em trong Luật Hộ tịch, bởi các lý do như sau:

Thứ nhất, quyền được khai sinh là quyền dân sự của cá nhân, được Nhà nước Việt Nam công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm. Theo Khoản 1, Điều 14 Hiến pháp năm 2013: "Trẻ em có quyền được đăng ký khai sinh và có quốc tịch", đó là những quy định nhằm nội luật hóa Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là nước thứ 2 trên thế giới tham gia ký kết công ước này.

Thứ hai, theo quy định của luật hiện hành cũng như dự thảo Luật Hộ tịch đã được Chính phủ trình Quốc hội, khi đăng ký khai sinh, trẻ em được cấp giấy khai sinh. Thủ tục đăng ký khai sinh và cấp giấy khai sinh cho trẻ em có quốc tịch Việt Nam do Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện, tức là công chức tư pháp và hộ tịch xã sẽ giúp. Trong khi đó, theo quy định của dự thảo Luật Căn cước công dân, sau khi đăng ký khai sinh, Ủy ban nhân dân cấp xã chuyển thông tin cho cơ quan quản lý căn cước.

Theo dự thảo Luật Căn cước công dân cũng chưa rõ chuyển thông tin cho cơ quan nào trong số các cơ quan được quy định tại Khoản 9, Điều 4. Cơ quan quản lý căn cước công dân là cơ quan chuyên trách thuộc Công an nhân dân làm nhiệm vụ quản lý căn cước công dân, cơ sở dữ liệu căn cước công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, để tiếp tục làm thủ tục cấp thẻ căn cước cho trẻ em có quốc tịch Việt Nam. Điều này sẽ làm phát sinh thêm thời gian, thủ tục hành chính, làm tăng khối lượng công việc cho cơ quan nhà nước, phiền hà cho người dân. Đề nghị cần xem xét lại quy định này.

Thứ ba, việc đăng ký khai sinh và cấp giấy khai sinh, theo quy định hiện hành, cũng như dự thảo Luật Hộ tịch được áp dụng cho mọi trường hợp, kể cả người nước ngoài sinh ra tại Việt Nam; khi đó Luật Căn cước công dân không quy định cấp thẻ căn cước công dân đối với người nước ngoài sinh ra tại Việt Nam, bao gồm cả người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam. Do đó, sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, cũng như việc thực hiện các quyền trẻ em thuộc đối tượng này như đi lại, học tập, khám, chữa bệnh.

Ngoài ra, dự thảo Luật Căn cước công dân chưa quy định về trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước công dân đối với trẻ em là công dân Việt Nam sinh ra tại nước ngoài. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét để bổ sung quy định cụ thể vấn đề này vào dự thảo Luật.

Thứ tư, việc cấp, bỏ Giấy khai sinh và thay thế bằng cấp Thẻ căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi; quy định như vậy sẽ gây khó khăn cho chính công dân Việt Nam khi có những giao dịch cần chứng minh thông tin về khai sinh tại các cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài.

Trong bối cảnh hầu hết các nước được cấp Giấy khai sinh để chứng minh thông tin khai sinh, vấn đề đó trở thành thông lệ quốc tế. Vì vậy, với tư cách là thành viên của Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Việt Nam có trách nhiệm đăng ký khai sinh và cấp Giấy khai sinh cho trẻ em, để trẻ em thực hiện đầy đủ các quyền của mình, do Công ước quy định.

Ngoài ra, việc tiếp tục duy trì quy định về đăng ký khai sinh và cấp Giấy khai sinh cho trẻ em trong dự thảo Luật Hộ tịch để phù hợp với mục tiêu và nguyên tắc cơ bản trong khung hành động ở khu vực, theo đó tất cả các cá nhân đều được cấp giấy tờ hợp lý về đăng ký hộ tịch cho sinh, tử và các sự kiện hộ tịch khác.

Từ những điểm trên, đề nghị cần tiếp tục kế thừa quy định hiện hành về đăng ký khai sinh và cấp Giấy khai sinh cho trẻ em như trong dự thảo Luật Hộ tịch.

Việc cấp thẻ căn cước công dân chỉ nên thực hiện đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên và cần chỉnh lý nội dung này trong dự thảo Luật Căn cước công dân, Giấy khai sinh của trẻ em chưa đủ 14 tuổi là mang số định danh cá nhân và khi đủ 14 tuổi trở lên thì cấp Thẻ căn cước công dân và số định danh cá nhân được cấp khi đăng ký khai sinh sẽ là số căn cước của công dân, như vậy bảo đảm thực hiện đúng mục tiêu đã xác định tại Đề án 896 cũng như bảo đảm tiện dụng, không xáo trộn, không gây tốn kém, lãng phí.

Hơn nữa, trên cơ sở xác định tầm quan trọng của Giấy khai sinh, đề nghị cần luật hóa, cụ thể nội dung, hình thức của Giấy khai sinh, ngoài giá trị chứng minh việc sinh, Giấy khai sinh còn có giá trị là giấy tờ tùy thân của trẻ em, khi đủ 14 tuổi.

ĐĂNG HIẾU (Tổng hợp)
 

 

.
.
.