Thứ Tư, 15/10/2014, 02:41 (GMT+7)
.
Kỷ niệm 84 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15-10-1949 – 15-10-2014):

Bài báo "Dân vận" của Bác vẫn còn nguyên giá trị

 Bác Hồ là một vị lãnh tụ tài ba, không chỉ tinh tường ở tài lãnh đạo chiến lược quân sự mà còn là người thực hiện công tác dân vận rất tài tình: “Dễ mười lần không dân cũng chịu / Khó trăm lần dân liệu cũng xong”.

Người rất coi trọng công tác Dân vận, theo Người công tác Dân vận là công tác vô cùng quan trọng quyết định tới vận mệnh của dân tộc, quyết định sự thành bại của cách mạng. Trong bài báo Người viết:

“Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì nhân dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân.” Đây chính là tiền đề về công tác Dân vận, quyết định cách thức, mục đích làm công tác Dân vận của Đảng ta.   

Ngày 15-10-1949, Báo Sự Thật đăng bài “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với bút danh X.Y.Z. Bài báo ra đời ở thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang trong giai đoạn cầm cự, chuẩn bị bước vào những chiến dịch lớn trong cuộc trường kỳ kháng chiến anh dũng của dân tộc.

Mở đầu bài báo, Bác viết: “Vấn đề Dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại”. Do “chưa hiểu thấu, làm chưa đúng” cho nên Bác nhắc lại 4 vấn đề cốt tử: Nước ta là nước dân chủ; dân vận là gì?; ai phụ trách dân vận?; dân vận phải thế nào?... Trong bài báo Người cũng đã đặt ra vấn đề “Dân vận là gì ?”. Hiểu như thế nào là “Dân vận”.

Theo Người “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho”. Theo quan điểm của Người, nhiệm vụ của công tác dân vận đó là vận động mọi người mang toàn bộ: “Lực lượng của mỗi người dân” - lực lượng của mỗi người dân ở đây có thể là của cải, vật chất, hay thậm chí là cả sức lực, tính mạng. 

Với bút danh X.Y.Z, Người viết bài báo “Dân vận” đăng trên báo Sự Thật, số 120, ngày 15-10-1949.
Với bút danh X.Y.Z, Người viết bài báo “Dân vận” đăng trên báo Sự Thật, số 120, ngày 15-10-1949.

Để làm được dân vận, trước tiên thì phải biết cách giải thích, tuyên truyền cho dân hiểu. Người tuyên truyền cần phải chịu khó, chịu khổ, khéo ở, siêng làm. Chớ tưởng rằng: Đi phớt qua địa phương, diễn thuyết một hai giờ đồng hồ mà có kết quả. Đến một địa phương nào, cần phải đi thăm các cụ phụ lão, các người phụ trách, rồi đi thăm các nhà đồng bào để gây cảm tình, và để hiểu biết tình hình địa phương. Đó là một việc cần cho tuyên truyền.

Hai là dân ở đó sinh hoạt thế nào, ta cũng phải sinh hoạt như họ… Thấy dân làm việc gì, bất kỳ to nhỏ, ta cũng ra tay làm giúp. Đó là cách gây tình cảm tốt nhất, nó sẽ giúp cho việc tuyên truyền kết quả gấp bội. Ba là, thái độ phải mềm mỏng:

Đối với các cụ già phải cung kính, với anh em phải khiêm tốn, với phụ nữ phải trang nghiêm, với nhi đồng phải thân yêu, với cả mọi người phải thành khẩn”. Cuối cùng Bác khẳng định công việc dân vận là rất quan trọng: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. 

Trong sách “Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử” đã ghi lại câu chuyện về Bác như sau: Một ngày tháng 8-1949, thị xã Bắc Cạn mới được giải phóng (ngày 9-8-1949), trên đường đi Ngân Sơn, Bác Hồ đã nghỉ tại Nà Phạc. Lúc này, dân ở đây đi sơ tán chưa dọn về. Cán bộ huyện dựng tạm lán cho Bác ở qua đêm. Chỉ tay vào căn lán mới dựng, Bác hỏi: Nhà này nhà ai?

Cán bộ địa phương thưa: Cách đây năm, ba cây số mới có lán ở của dân, chúng cháu dựng tạm lán này cho Bác nghỉ chân. Bác nghiêm sắc mặt phê bình: “Thế là các chú làm cho Bác xa dân! Chỉ có năm, ba cây số, nhân dân đi lại được, sao Bác không đi được”. Anh em cán bộ địa phương lúng túng nhìn nhau trước lời trách nhẹ nhàng của Bác. Và ngay sáng sớm hôm sau, Bác yêu cầu đưa Người đi bộ vào thăm hỏi đồng bào ở nơi sơ tán.

Thời điểm này, Bắc Cạn là thị xã đầu tiên ở miền Bắc giải phóng khỏi sự quản ý của thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Ở đây cán bộ địa phương và đoàn công tác mới nghĩ tới việc bảo vệ an toàn và giữ gìn sức khỏe, mà chưa nghĩ tới ý nghĩa, tác động và tầm quan trọng của một cuộc thăm bất ngờ của một vị Chủ tịch nước đối với đồng bào vùng mới được giải phóng ít ngày. Một cử chỉ nhỏ “gần dân” trong sinh hoạt hằng ngày của Bác nói đã lên tư tưởng lớn “dân là gốc” của Người, toát lên phong cách “thường xuyên gắn bó với nhân dân” của Người.

Để công tác Dân vận thực sự đem lại hiệu quả, phục vụ sự nghiệp cách mạng, Người đã chỉ rõ những người phụ trách dân vận phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói xuông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh”, họ phải thật thà nhúng tay vào việc, và rõ ràng khi người cán bộ, đảng viên làm được như thế thì qua đó nắm được ý nguyện chính đáng của nhân dân để phản ánh với cơ quan, đoàn thể, tổ chức Đảng, từ đó xây dựng thành chủ trương, đường lối để lãnh đạo quần chúng, lãnh đạo nhân dân.

Người cũng nhắc nhở khuyết điểm của nhiều nơi đã mắc sai lầm rất to, rất có hại, đó là “xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận”.

Bài báo “Dân vận” chỉ hơn 600 chữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cách đây 84 năm, nhưng đã đề cập những vấn đề rất căn bản, cấp thiết của công tác Dân vận. Nội dung bài báo đến nay vẫn còn nguyên giá trị, thực sự là một bài học lớn về triển khai thực hiện công tác vận động quần chúng trong giai đoạn hiện nay.

HỒNG LÊ
(Tổng hợp)

.
.
.