Thứ Hai, 10/11/2014, 14:16 (GMT+7)
.

ĐBQH Nguyễn Văn Danh:Đề nghị giữ nguyên hệ thống tổ chức HĐND như hiện nay

Ngày 7-11, Quốc hội thảo luận ở tổ đối với dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Danh, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang nêu: Về quan điểm, việc xây dựng và ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm thay thế Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) năm 2003 và để cụ thể hóa các Hiến định về chính quyền địa phương trong Hiến pháp năm 2013 là hết sức cần thiết, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn hiện nay.

Tuy nhiên, để luật mang tính khả thi và đáp ứng được các yêu cầu trên, dự án luật phải thể chế hóa được các quan điểm của Đảng về đổi mới tổ chức, hoạt động của bộ máy Nhà nước và cụ thể hóa được các quy định của Hiến pháp năm 2013 về chính quyền địa phương; bảo đảm được sự thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở.

Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, theo dự thảo luật có 2 phương án đặt ra: Quận, phường không tổ chức HĐND và quận, phường vẫn tổ chức HĐND. Đề nghị vẫn giữ nguyên mô hình HĐND và UBND như hiện nay, kể cả quận, phường vẫn tổ chức HĐND. Bởi lẽ:

Về cơ sở lý luận: Căn cứ vào các Điều 110, 111, 112, 113, 114 Hiến pháp năm 2013, chúng ta thấy việc quy định về tổ chức chính quyền địa phương là rất cụ thể. Theo quy định tại Điều 111 của Hiến pháp thì chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức phù hợp

Như vậy, Hiến pháp đã khẳng định rõ ở mỗi cấp hành chính đều phải có chính quyền địa phương, bao gồm HĐND và UBND. Còn việc tổ chức như thế nào cho phù hợp thì dự án luật phải quy định cụ thể các vấn đề về cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân sự nhằm đảm bảo cho việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương.

Điều 113 Hiến pháp ghi rõ: “HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan Nhà nước cấp trên”. Như vậy, chúng ta có thể khẳng định rằng, HĐND là chiếc cầu nối giữa nhân dân và Nhà nước, tạo điều kiện cho nhân dân làm chủ, mối quan hệ 2 chiều được dung hòa giữa yếu tố quyền lực Nhà nước và yếu tố ý chí của nhân dân.

Với tư cách là cơ quan quyền lực Nhà nước và cơ quan đại diện của nhân dân ở địa phương, HĐND thay mặt cho nhân dân địa phương, cho cử tri đã bầu ra mình để quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương và giám sát việc thi hành những quyết định đó. Đây chính là quyền lực mà nhân dân địa phương trao cho cơ quan đại diện của mình theo một trình tự, thủ tục được pháp luật quy định để chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân địa phương; đồng thời bảo đảm cho mọi hoạt động của các đối tượng chịu sự giám sát phải thực hiện đúng, đầy đủ những quy định của Hiến pháp và pháp luật, nghị quyết của HĐND.

Về cơ sở thực tiễn: Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước, nghĩa là có nhiều việc nhân dân không thực hiện quyền làm chủ trực tiếp của mình mà thông qua người đại diện là HĐND. Bởi HĐND là tổ chức chính quyền gần gũi nhân dân nhất, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, yêu cầu của nhân dân và hiểu rõ những thuận lợi, khó khăn của địa phương để đưa ra những quyết định đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế và nguyện vọng của nhân dân, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh trật tự của địa phương.

Trên thực tế, vẫn còn  một số nơi hoạt động của HĐND còn mang tính hình thức, thiếu hiệu lực, hiệu quả. Song, nguyên nhân là do các cấp tổ chức thiếu cơ chế, chế tài và chưa hội đủ các điều kiện cần thiết để HĐND phát huy vai trò, chức năng của mình. Không nên dựa vào một số nơi hoạt động của HĐND không tốt để lấy đó làm cơ sở thực hiện việc không tổ chức HĐND - cơ quan đại diện của nhân dân. Dự thảo luật cũng chưa lý giải thấu đáo vì sao không tổ chức HĐND quận, phường, trong khi các đơn vị hành chính tương đương khác cũng có tính chất đô thị như thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thị trấn thuộc huyện vẫn tổ chức HĐND.

Cũng cần nhấn mạnh, nếu bỏ đi HĐND (không tổ chức HĐND) ở đơn vị hành chính nào là bỏ đi một thiết chế làm chủ, gần và gắn bó nhất với người dân trên địa bàn, điều đó đi ngược lại với quan điểm tăng cường quyền làm chủ của nhân dân. Thực tế, ở đâu có UBND mà không có HĐND thì ở đó đã mất đi một “công cụ pháp lý” hữu hiệu để góp phần cho địa phương phát triển toàn diện, đúng hướng, bền vững và lành mạnh.

Cần xác định rõ: Tổ chức HĐND là có tính chất nguyên tắc; còn sinh hoạt, hoạt động HĐND bị hình thức là do biện pháp. Không nên có sự lẫn lộn giữa tổ chức và biện pháp để cho rằng HĐND hoạt động không hiệu quả thì không tổ chức HĐND ở quận, phường (trước đây là ngay ở huyện).

Mặt khác, tên gọi của cơ quan hành chính ở nơi không tổ chức HĐND là UBND, là cơ quan đại diện của UBND cấp trên trực tiếp tại địa bàn chịu trách nhiệm trước cơ quan hành chính cấp trên. Điều này sẽ dẫn đến trường hợp mặc dù cũng có tên gọi là UBND nhưng vị trí, tính chất, thẩm quyền của UBND ở nơi có tổ chức HĐND và nơi không tổ chức HĐND có sự khác biệt nhau rõ rệt (cơ quan đại diện của UBND cấp trên do UBND cấp trên bổ nhiệm, cách chức…; trong khi UBND nơi có HĐND thì do HĐND cùng cấp bầu).

Không những thế, UBND ở nơi có tổ chức HĐND phải chịu trách nhiệm trước HĐND cùng cấp và cơ quan hành chính Nhà nước cấp trên, trong khi UBND nơi không tổ chức HĐND chỉ phải chịu trách nhiệm trước cơ quan hành chính cấp trên. Điều này dẫn đến tổ chức chính quyền địa phương thiếu thống nhất, sẽ gây ra nhiều khó khăn, phức tạp trong cách hiểu và cách thức quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND tại các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Với những phân tích như đã nêu trên, đại biểu Nguyễn Văn Danh đề nghị cần giữ nguyên hệ thống tổ chức HĐND như hiện nay: HĐND, UBND được tổ chức ở các đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; huyện, thị xã thuộc tỉnh; đơn vị hành chính tương đương thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; xã, thị trấn; quận, phường. Vấn đề quan trọng đặt ra là phải làm thế nào để điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và về phương thức tổ chức hoạt động cho phù hợp với tình hình mới, phát huy tốt hiệu lực, hiệu quả hoạt động và thực quyền của HĐND các cấp.

ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)

.
.
.