Thứ Tư, 06/01/2016, 14:43 (GMT+7)
.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời-Bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam

Cuối năm 1929, những người cách mạng Việt Nam trong các tổ chức cộng sản nhận thức sự cần thiết và cấp bách phải thành lập một Đảng Cộng sản thống nhất, chấm dứt tình trạng chia rẽ phong trào cộng sản ở Việt Nam.

Từ ngày 6-1 đến 7-2-1930, Hội nghị hợp nhất họp ở Cửu Long, cạnh Hương Cảng (Trung Quốc), do đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì, có 2 đại biểu Đông Dương Cộng sản Đảng, 2 đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng và đại diện Đảng bộ ngoài nước tham dự. Đông Dương Cộng sản Liên đoàn không kịp cử đại biểu đến dự. Hội nghị quyết định hợp nhất các tổ chức Đảng Cộng sản trong nước thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hội nghị thảo luận và thông qua các văn kiện: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản. Những văn kiện đó do đồng chí Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, được Hội nghị hợp nhất Đảng thông qua, là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam.

Hội nghị thông qua Lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam gửi đến đồng bào, đồng chí trong cả nước nhân dịp thành lập Đảng. Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản có ý nghĩa như là một Đại hội thành lập Đảng. Những văn kiện được thông qua tại Hội nghị hợp nhất do đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì chính là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hội nghị hợp nhất các tổ chức Đảng Cộng sản ở Việt Nam thành một Đảng Cộng sản duy nhất - Đảng Cộng sản Việt Nam, theo đường lối chính trị đúng đắn, tạo nên sự thống nhất về tư tưởng, chính trị và hành động của phong trào cách mạng cả nước, hướng tới mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp, là sự khẳng định vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân Việt Nam và hệ tư tưởng Mác-Lênin đối với cách mạng Việt Nam; là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam, là sự kiện gắn liền với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và việc ngay từ khi ra đời Đảng có Cương lĩnh chính trị xác định đúng đắn con đường cách mạng là giải phóng dân tộc theo phương hướng cách mạng vô sản chính là cơ sở để Đảng Cộng sản Việt Nam vừa ra đời đã nắm được ngọn cờ lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam, giải quyết được tình trạng khủng hoảng về đường lối cách mạng, về giai cấp lãnh đạo cách mạng diễn ra đầu thế kỷ XX, mở ra con đường và phương hướng phát triển mới cho đất nước Việt Nam.

ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ I

Vào những năm 30 của thế kỷ XX, Pháp thi hành chính sách đàn áp hòng dập tắt phong trào cách mạng và tiêu diệt Đảng Cộng sản Đông Dương. Các đảng viên còn lại vẫn dựa vào sự che chở, đùm bọc của quần chúng, bí mật hoạt động nhằm khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng, củng cố và phát triển phong trào quần chúng.

Tháng 6-1934, Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập, do đồng chí Lê Hồng Phong đứng đầu, làm chức năng của một Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng. Ban này có nhiệm vụ tập hợp các cơ sở đảng mới xây dựng lại ở trong nước thành hệ thống, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, chuẩn bị triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Đảng.

Từ ngày 27 đến 31-3-1935, Đại hội đại biểu lần thứ I của Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại nhà số 2, phố Quan Công, Ma Cao (Trung Quốc). Dự Đại hội có 13 đại biểu thuộc các đảng bộ trong nước và tổ chức Đảng ở ngoài nước.

Đại hội nhận định hệ thống tổ chức của Đảng được khôi phục. Các cuộc đấu tranh của quần chúng do Đảng lãnh đạo trong khoảng vài năm qua đều giành được thắng lợi ở mức độ khác nhau, làm cho quần chúng công nông thêm hăng hái đấu tranh. Song hệ thống tổ chức của Đảng chưa thật thống nhất, sự liên lạc giữa các cấp bộ chưa thật thông suốt, tổ chức cơ sở của Đảng chưa phát triển mạnh ở các vùng công nghiệp...

Đại hội nêu ra 3 nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của toàn Đảng. Một là,  củng cố và phát triển Đảng, tăng cường phát triển lực lượng đảng viên vào các xí nghiệp, đồn điền, hầm mỏ, đường giao thông quan trọng, biến mỗi xí nghiệp thành một thành lũy của Đảng. Phải chăm lo tăng cường đảng viên ưu tú xuất thân từ công nhân vào cơ quan lãnh đạo của Đảng. Để bảo đảm sự thống nhất về tư tưởng và hành động, các đảng bộ tăng cường phê bình và tự phê bình, đấu tranh trên cả 2 mặt chống “tả” khuynh và “hữu” khuynh, giữ vững kỷ luật của Đảng.

Hai là, đẩy mạnh cuộc vận động thu phục quần chúng: “Đảng mạnh là căn cứ vào ảnh hưởng và thế lực của Đảng trong quần chúng... Muốn đưa cao trào cách mạng mới lên trình độ cao tới toàn quốc vũ trang bạo động, đánh đổ đế quốc phong kiến, lập nên chính quyền Xô viết thì trước hết cần phải thâu phục quảng đại quần chúng. Thâu phục quảng đại quần chúng là một nhiệm vụ trung tâm căn bản cần kíp của Đảng hiện thời”. Ba là, mở rộng tuyên truyền chống đế quốc, chống chiến tranh, ủng hộ Liên Xô - thành trì của cách mạng thế giới và ủng hộ cách mạng Trung Quốc... 

Đại hội thông qua Nghị quyết chính trị của Đảng, các nghị quyết về vận động công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, binh lính, về Mặt trận Phản đế, đội tự vệ, về dân tộc ít người... và Điều lệ Đảng, điều lệ các tổ chức quần chúng của Đảng.

Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 13 ủy viên. Ban Chấp hành Trung ương cử đồng chí Nguyễn Ái Quốc làm đại diện của Đảng Cộng sản Đông Dương bên cạnh Quốc tế Cộng sản.

Đại hội đại biểu lần thứ I của Đảng là một sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu thắng lợi căn bản của cuộc đấu tranh gìn giữ và khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng từ cơ sở đến Trung ương. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa I là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, chịu trách nhiệm trước toàn Đảng vạch ra chủ trương, chính sách, lãnh đạo và tổ chức phong trào quần chúng, đưa cách mạng Đông Dương không ngừng tiến lên.

LÊ VĂN TÝ
(còn tiếp)

.
.
.