Thứ Tư, 10/05/2017, 21:20 (GMT+7)
.

Kiên quyết chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"

Trong Văn kiện Đại hội XI (năm 2011), lần đầu tiên Đảng ta nhận định: “Trong nội bộ, những biểu hiện xa rời mục tiêu chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có những diễn biến phức tạp”. Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, Đảng ta đánh giá thêm: “Các thế lực thù địch thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đại hội XII (năm 2016) đã chỉ rõ địa chỉ của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhưng Đại hội cũng chưa chỉ ra biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đến Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, bằng luận cứ khoa học, Đảng ta đã nêu rõ 9 biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

“Tự diễn biến” là quá trình biến đổi bên trong tư tưởng mỗi người, mỗi tổ chức, từ tích cực sang tiêu cực, từ tiến bộ sang phản tiến bộ. Biểu hiện rõ nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. “Tự chuyển hóa” là sự thay đổi về chất của tư tưởng chính trị làm cho người cán bộ đánh mất mình, đánh mất vai trò tiên phong, gương mẫu, dẫn đến tha hóa, có khi trở thành kẻ cơ hội, phản bội, chống lại Đảng, chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có mối quan hệ biện chứng, trong đó tự diễn biến là cơ sở để tự chuyển hóa, diễn biến càng nhanh chuyển hóa càng mạnh, và ngược lại chuyển hóa càng sâu sắc thì diễn biến càng phức tạp, khó lường...

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không chỉ là do nhân tố nội sinh, mà còn chịu sự tác động và chi phối của cả nhân tố bên ngoài, trong đó nhân tố nội sinh bao giờ cũng quyết định. V.I. Lê-nin, lãnh tụ vĩ đại của cách mạng vô sản từng nói: “Không có ai đánh đổ được chúng ta, trừ chúng ta”. Bài học về sự đổ vỡ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu là một ví dụ điển hình về sự mơ hồ, thiếu kiên quyết trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ lúc bấy giờ. Nhưng sẽ nguy hại hơn khi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” lại được thúc đẩy âm thầm từ bên ngoài thông qua chiến lược “diễn biến hòa bình” kết hợp với cách mạng “màu” như: “Cách mạng hoa hồng” ở Gru-di-a năm 2003, “cách mạng cam” ở U-crai-na năm 2004, “cách mạng tuy-líp vàng” ở Cư-rơ-gư-xtan năm 2005… làm sụp đổ cả một chế độ.

Ở Việt Nam, thời gian qua, việc thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được các thế lực thù địch đặc biệt quan tâm, coi đó là một chiến lược chống phá lâu dài cách mạng nước ta. Mặc dù sau 30 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đất nước ổn định, kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng - an ninh được tăng cường, đời sống nhân dân được nâng cao hơn bao giờ hết. Nhưng vẫn còn đó một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đưc, lối sống, thậm chí dao động, giảm sút sức chiến đấu, phai nhạt niềm tin vào vai trò lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội..., bị các thế lực thù địch tận dụng triệt để yếu tố nội sinh này để gia tăng các hoạt động tác động, chuyển hóa, làm cho nội bộ “tự mục ruỗng” từ bên trong, dẫn tới chệch hướng và suy sụp.

Nhận rõ tính cấp bách này, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII nhấn mạnh; “Phải kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, với trọng tâm là đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Trung ương đưa ra 4 nhóm giải pháp khắc phục triệt để, với quan điểm “Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật. Kết hợp giữa “xây” và “chống”; “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách”. Trong phạm vi bài viết này, xin nêu ra một số biện pháp chính để chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”:

Một là, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, thực hiện đúng phương châm “trên trước, dưới sau; trong trước, ngoài sau, học đi đôi với làm, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tiêu cực, tham nhũng; nâng cao tinh thần trách nhiệm, nói đi đôi với làm”. Gắn chặt việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW với thực hiện Quy định 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”.

Hai là, thường xuyên chăm lo xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, lấy xây là chính, “lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu”, tự phê bình và phê bình một cách thẳng thắn, cầu thị.

Ba là, công tác tư tưởng phải đi đầu trên mặt trận chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, giải đáp kịp thời và khoa học những vấn đề lý luận, thực tiễn đặt ra, củng cố niềm tin vào Đảng, vào chế độ. Cán bộ, đảng viên phải thường xuyên được vũ trang lý luận cách mạng, đủ sức đề kháng và miễn dịch, tiến công hiệu quả với những âm mưu, thủ đoạn nham hiểm của các thế lực thù địch chống phá Đảng ta về mặt tư tưởng, văn hóa, giữ vững trận địa xã hội chủ nghĩa.

Bốn là, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” phải kết hợp chặt chẽ với chống chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Nhận thức rõ đối tác, đối tượng, xử lý kịp thời các đối tượng phản động, không để hình thành các tổ chức “đối lập”, kiên quyết không để các thế lực thù địch lợi dụng để tác động “tự diễn biến”, đẩy lùi nguy cơ “tự chuyển hóa” từ trong nội bộ.

Năm là, dựa vào dân để phòng và chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Dựa vào dân nhưng không được ỷ lại vào dân, mà phải kiên quyết chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong mỗi bản thân, tổ chức mình. Sức mạnh của Đảng là sự đồng tâm nhất trí trong nội bộ Đảng, là sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng nhân dân.

Tin tưởng rằng, với truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, ý thức tự giác, tính tiên phong, gương mẫu của từng cán bộ, đảng viên, sự đồng tâm hiệp lực của cả dân tộc, Đảng ta sẽ mãi mãi trường tồn.

VĂN ĐẠO

.
.
.