Thứ Tư, 16/08/2017, 21:07 (GMT+7)
.

Sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam

Ngày 16-8-1945, Quốc dân Đại hội chính thức khai mạc, tượng trưng cho ý chí, nguyện vọng và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thông qua đề nghị tổng khởi nghĩa của Mặt trận Việt Minh. Đại hội đã nhất trí tán thành quyết định Tổng khởi nghĩa, thông qua 10 chính sách của Việt Minh, lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Ngay sau đó, Hồ Chủ tịch đã gửi thư tới đồng bào cả nước kêu gọi nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền’’...Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta... Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”.

Giành chính quyền ở Sài Gòn.
Giành chính quyền ở Sài Gòn.

Ngày 15-8-1945, phát xít Nhật đầu hàng Liên Xô và Đồng minh. Sáng 19-8-1945, hơn 10 vạn đồng bào Hà Nội đã xuống đường tuần hành thị uy. Cuộc mít tinh lớn ở Quảng trường Nhà hát Lớn đã chuyển thành khởi nghĩa giành chính quyền. Lực lượng quần chúng nhanh chóng chiếm Phủ Khâm sai, Tòa thị chính thành phố, Trại bảo an và các công sở quan trọng khác. Cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi nhanh chóng. Cuộc khởi nghĩa nổ ra và giành thắng lợi ở Hà Nội đã góp phần làm tan rã nhanh chóng toàn bộ hệ thống bộ máy chính quyền tay sai của Nhật trong cả nước.

Đánh chiếm Bắc bộ phủ.
Đánh chiếm Bắc bộ phủ.

Từ ngày 14 đến 18-8, nhiều xã, huyện thuộc các tỉnh từ Bắc vào Nam đã nối tiếp nhau nổi dậy giành chính quyền. Ngày 23-8, Huế - thành lũy hàng trăm năm của triều Nguyễn và là thủ phủ của chính quyền bù nhìn trung ương đã nhanh chóng lọt vào tay nhân dân. Ngày 25-8, Việt Minh tổ chức biểu tình và giành chính quyền tại Sài Gòn. Thắng lợi của các cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám trong phạm vi cả nước.

Tại Mỹ Tho, ngày 17-8-1945, Tỉnh ủy Mỹ Tho triệu tập hội nghị khẩn cấp bàn việc khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị nhất trí nhận định thời cơ cách mạng đã chín muồi và quyết định phát lệnh khởi nghĩa, với phương châm: Nơi nào có lực lượng ta mạnh, địch yếu thì khởi nghĩa trước, nơi nào lực lượng ta còn yếu thì khởi nghĩa sau và quyết giành cho được chính quyền về tay nhân dân. Tỉnh ủy Mỹ Tho quyết định chọn thị xã Mỹ Tho là nơi khởi nghĩa trước để lấy đà và tạo điều kiện thuận lợi cho các quận khởi nghĩa. Tỉnh ủy chỉ đạo khởi nghĩa ở Mỹ Tho, lấy lực lượng của Trường Quân sự tỉnh ở cầu Bến Chùa, xã Long An làm chủ công. Nhiệm vụ của lực lượng này là phối hợp với lực lượng nội ô đánh chiếm các cơ sở trọng yếu trong thị xã. 4 giờ ngày 18-8-1945, lực lượng chủ công tiến vào thị xã Mỹ Tho. Đến Boulevard Bourdais (nay là đường Hùng Vương) thì tách làm 2 cánh. Một cánh do đồng chí Phan Lương Trực chỉ huy, tiến chiếm trại lính người Việt. Một cánh do đồng chí Hàng Nhật Nguyên chỉ huy, tiến chiếm Sở Mật thám và Sở Cảnh sát. Các cánh quân đều được sự tiếp ứng của lực lượng tại chỗ và sự hướng dẫn của lực lượng nội ứng đã nhanh chóng chiếm các mục tiêu.

Mít tinh tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Mít tinh tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Trưa 18-8-1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Mỹ Tho đã hoàn thành. Sau đó, Tỉnh ủy Mỹ Tho tiến hành thành lập Ủy ban nhân dân tỉnh và chuẩn bị tổ chức mít tinh chào mừng cách mạng thành công. Cùng lúc, chính quyền địch ở Gò Công trở nên bất lực. Ngày 18-8-1945, Tỉnh ủy lâm thời họp bầu Tỉnh ủy chính thức và thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng lâm thời để “danh chính ngôn thuận” kêu gọi toàn dân khởi nghĩa.

Ngày 21-8-1945, nhân dân xã An Thạnh Thủy (Chợ Gạo) biểu tình kéo xuống làng Thạnh Nhựt (tổng Hòa Đồng Thượng) lấy mộc của làng, tước súng của hương quản. Tỉnh trưởng Gò Công phải mời đồng chí Nguyễn Văn Côn - đại diện Việt Minh đến gặp và khẩn thiết nhờ giải quyết. Ngày 22-8, đại diện Ủy ban Dân tộc giải phóng, ông Lê Văn Philíp đến dinh tỉnh trưởng, thuyết phục Trần Hưng Ký từ chức và giao chính quyền cho Ủy ban Dân tộc giải phóng. 14 giờ ngày 22-8-1945, Tỉnh trưởng Trần Hưng Ký mời đồng chí Nguyễn Văn Côn và ông Lê Văn Philíp tới dinh tỉnh trưởng để giao lại chính quyền tỉnh Gò Công.
Cách mạng Tháng Tám ở tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công thành công nhanh chóng là do toàn dân đoàn kết, đồng lòng vùng dậy khởi nghĩa giành lại chính quyền về tay nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Qua cuộc khởi nghĩa, chúng ta thấy trong hàng ngũ cách mạng không những có công nhân, nông dân, mà có cả địa chủ, tư sản, trí thức, các vị chức sắc của các tôn giáo, nhân dân từ thành thị đến nông thôn đều tích cực tham gia khởi nghĩa. Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công thi hành các chủ trương của Đảng, thành lập và ra mắt chính quyền cách mạng, trấn áp bọn phản động, thực thi các chính sách về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân Việt Nam đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp trong gần một thế kỷ tại Việt Nam; đồng thời lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại ngót ngàn năm, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đảng Cộng sản Việt Nam từ chỗ hoạt động bí mật, bất hợp pháp đã trở thành một đảng cầm quyền và hoạt động công khai. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng các dân tộc thuộc địa, một Đảng Cộng sản vừa tròn 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công và nắm chính quyền trong cả nước.

72 năm kể từ ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, cách mạng Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn, nhiều bước ngoặt và vượt qua nhiều thử thách lớn, giành thắng lợi vĩ đại, đưa đất nước ngày càng phát triển.

HỒNG LÊ

.
.
.