Thứ Sáu, 27/10/2017, 21:25 (GMT+7)
.

Tiền Giang góp ý 8 vấn đề vào dự án Luật Bảo vệ rừng

Ngày 24-10, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi). Tham gia đóng góp ý kiến, đại biểu Lê Quang Trí (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) góp ý 8 vấn đề sau:

Một là, tại khoản 2, Điều 4, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung cụm từ “và hoạt động nông nghiệp kết hợp” vào cuối khoản này, vì sản xuất nông nghiệp ở rừng mới trồng và nuôi thủy sản ở rừng ngập nước của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cũng cần được Nhà nước bảo vệ để tăng thu nhập cho người dân cũng như góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững.

Hai là, tại khoản 1, Điều 10, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung cụm từ “phù hợp với quy hoạch sử dụng đất” vào trước cụm từ “quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội...” để quy định được đầy đủ, chặt chẽ và phù hợp với quy định tại khoản 1, Điều 16 về điều chỉnh quy hoạch lâm nghiệp, vì việc quy hoạch lâm nghiệp có liên quan đến hiện trạng và quy hoạch đất đai của quốc gia cũng như của địa phương.

Ba là, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thay cụm từ “đơn vị cơ sở” tại khoản 2, Điều 40 để quy định của điều luật được rõ và chặt chẽ hơn về xác định lô rừng được theo dõi diễn biến hằng năm.
Bốn là, đề nghị dẫn chiếu khoản 2, Điều 79 đến Điều 40 của luật này nhằm đảm bảo tính thống nhất chung các quy định của luật về theo dõi diễn biến rừng.

Năm là, tại Điều 93, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung quy định của luật về nghĩa vụ chủ rừng, đó là nghiên cứu chống suy thoái, thực hiện phục tráng các giống cây rừng chủ lực để quy định được đầy đủ, chặt chẽ góp phần chống suy thoái rừng.

Sáu là, để đảm bảo phát triển lâm nghiệp bền vững, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung một khoản vào Điều 101 về nghiên cứu và triển khai các mô hình sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp để làm tăng giá trị rừng, đảm bảo cho người dân có thu nhập khá trên diện tích rừng được giao; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo vệ rừng, phát hiện lâm tặc, phát hiện sinh vật gây hại rừng cũng như cảnh báo nguy cơ cháy rừng”.

Bảy là, khoản 1, Điều 102 quy định Nhà nước có cơ chế, chính sách nghiên cứu khoa học, công nghệ phù hợp chu kỳ sinh trưởng, phát triển của rừng. Quy định như vậy chưa rõ, còn rất chung chung, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, viết lại quy định này để làm cơ sở pháp lý nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong lâm nghiệp. Ngoài ra, trong khoản 3, điều này, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung cụm từ “và tạo điều kiện” vào sau cụm từ “Nhà nước khuyến khích”, nhằm thể hiện rõ chính sách của Nhà nước khuyến khích các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tham gia thực hiện các hoạt động khoa học, công nghệ trong phân loại rừng, phân định ranh giới rừng, sở hữu rừng, hoạt động khoa học và công nghệ về lâm nghiệp được quy định tại luật này.

Tám là, tại Điều 112, đề nghị bỏ từ “bị” được nêu tại điểm b, khoản 3, vì việc xảy ra thương tật hoặc hy sinh đối với cán bộ kiểm lâm trong khi thi hành công vụ là hành động rất đáng trân trọng, do đó không thể ghi là bị thương hay bị hy sinh.

ĐĂNG HIẾU

(tổng hợp)

.
.
.