Thứ Hai, 08/10/2018, 10:46 (GMT+7)
.

Tiếc thương cố Tổng Bí thư Đỗ Mười

Trong ký ức và tình cảm của các cán bộ nguyên là lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã để lại dấu ấn sâu đậm về tài năng, đức độ, giản dị và gần gũi với đồng chí, đồng bào.

Đồng chí TRẦN THỊ KIM CÚC (nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang): Người lãnh đạo có phong cách quyết liệt, tư tưởng tiến công

Năm 1996, bác Đỗ Mười về thăm và làm việc tại Tiền Giang, tôi làm Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, nên vinh dự có mặt trong đoàn của tỉnh tiếp bác. Làm việc với tỉnh, bác lưu ý tỉnh cần phải đổi mới trong sản xuất nông nghiệp.

Bác vừa nói vừa nhấn mạnh: “Sản xuất gạo không chỉ đủ ăn mà còn phải ngon, phải xuất khẩu”. Trong công tác xây dựng Đảng, bác nhắc đi nhắc lại: “Phải xây dựng tình đoàn kết trong Đảng, đoàn kết là phải biết đấu tranh, xây dựng tình đồng chí, đồng đội”.

Đặc biệt, Tổng Bí thư nhấn mạnh lời dặn của Bác Hồ: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng ta và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Dù bác Mười về thăm Tiền Giang rất ngắn, nhưng đã để lại nhiều lời chỉ đạo sâu sắc, bác dặn “Cán bộ  phải rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, phải nêu gương”. Những lời khuyên rất ân cần, thẳng thắn của Tổng Bí thư giúp nhiều cho Đảng bộ Tiền Giang trong nhiệm kỳ VI.

Sau này, khi tôi đi dự các cuộc họp ở Thủ đô Hà Nội, có nhiều lần Tổng Bí thư dự và phát biểu. Tổng Bí thư Đỗ Mười là người lãnh đạo có phong cách quyết liệt, tư tưởng tiến công, chỉ đạo rất quyết đoán, cụ thể. Tổng Bí thư muốn cấp ủy các địa phương cũng phải quyết liệt như vậy.

Trong công tác xây dựng Đảng, bác Mười luôn căn dặn: “Đảng viên phải trong sạch, cán bộ  phải liêm khiết thì mới lãnh đạo được, thì dân mới tin”.

Giọng bác phát biểu lúc nào cũng cứng rắn và mạnh mẽ, nhấn mạnh từng ý, từng lời, tạo được sức thuyết phục, đi vào lòng người. Vì thế, khi bác phát biểu, đại biểu tập trung rất cao. Bản thân tôi rất quý bác Mười, một người lãnh đạo quyết liệt, vì Đảng, vì nhân dân.

Một điều tôi còn nhớ về bác Mười nữa là: Khi tôi dự Hội nghị chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XI, lúc này bác Mười đã nghỉ hưu, nhưng bác có gửi thư góp ý yêu cầu đồng chí Nông Đức Mạnh đọc cho đại biểu nghe.

Qua đó cho thấy, khi đã về nghỉ ngơi, bác Mười vẫn luôn đau đáu với sự nghiệp cách mạng - một người lãnh đạo tận tụy, có tư tưởng tiến công, nói là làm.

Sự ra đi của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười là điều rất đáng tiếc, đất nước, nhân dân Việt Nam mất đi một vị lãnh đạo tài năng, đức độ. Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng của bác Mười là tài sản vô giá của Đảng.

TRUNG TƯỚNG NGUYỄN VIỆT THÀNH (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an): Cán bộ lãnh đạo cấp cao trí tuệ, bản lĩnh, coi trọng dân chủ

Tôi không có nhiều cơ hội gặp và làm việc với cố Tổng Bí thư Đỗ Mười, nhưng đối với tôi, “Bác Mười” (tên gọi thân mật của Trung tướng với cố Tổng Bí thư) là vị lãnh đạo cấp cao trí tuệ, bản lĩnh, coi trọng dân chủ.

Tôi còn nhớ như in, năm bác Mười về thăm Tiền Giang, bác đi thăm một số nơi. Khi bác đi Gò Công, tôi có mặt trong đoàn cùng đi với bác, lúc này tôi làm Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang. Bác hỏi tôi: “Hồi chiến tranh cậu làm nghề gì, có làm tròn không?”.

Tôi trả lời bác: “Em phụ trách Đại đội Bảo vệ của Tỉnh ủy, em làm tròn”. Bác còn bảo: “Chỗ đó tuy nhỏ, nhưng rất quan trọng, tôi có lời khen cậu!”. Khi nghỉ trưa, bác bảo ghé Công an Gò Công nghỉ trưa. Bác nghỉ trên chiếc giường của chiến sĩ Công an Gò Công, cho thấy bác Mười là vị lãnh đạo rất giản dị, đời thường và gần gũi.

Khi làm việc với Ban Giám đốc Công an Tiền Giang, Tổng Bí thư Đỗ Mười nhấn mạnh: “Tôi nghe các đồng chí làm việc rất tốt, được lãnh đạo, nhân dân tin tưởng. các đồng chí phải ráng cố gắng giữ gìn truyền thống đó”.

Khoảng năm 2004, khi còn công tác ở Thủ đô Hà Nội, tôi cùng với anh Lê Thế Kiệm, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an đến thăm bác Mười ở nhà riêng, khi đó bác Mười bị bệnh. Dù tuổi cao, bệnh tật, nhưng bác rất sáng suốt, minh mẫn, nhắn nhủ nhiều điều với anh em chúng tôi. Khi nghe tin bác mất, tôi rất thương tiếc một người cán bộ lãnh đạo suốt đời vì Đảng, vì dân.

P. MAI (thực hiện)
 

.
.
.