Thứ Bảy, 21/12/2019, 20:22 (GMT+7)
.

Khi "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới"

Đại tá Cao Văn Mĩa tặng quà cho gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn trong hoạt động “Tết Quân - Dân” năm 2019.  	Ảnh: THANH LÂM
Đại tá Cao Văn Mĩa tặng quà cho gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn trong hoạt động “Tết Quân - Dân” năm 2019. Ảnh: Thanh Lâm

Những năm qua, không chỉ làm tốt vai trò tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc và xây dựng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân tỉnh nhà vững mạnh toàn diện, LLVT tỉnh Tiền Giang còn làm tốt phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, được Quân khu tặng 3 Bằng khen.

Phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận lòng dân ngày càng vững chắc, thể hiện rõ chức năng đội quân công tác luôn gần gũi, gắn bó với nhân dân, góp phần tô đậm thêm phẩm chất, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân.

TỪ QUYẾT TÂM CHÍNH TRỊ

Trước hết, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt thông suốt cho cấp ủy, chỉ huy các cấp và cán bộ, chiến sĩ (CB-CS) nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào bằng nhiều hình thức, biện pháp, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của CB-CS trong từng cơ quan, đơn vị. Đồng thời, đề cao vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên các cấp; nêu cao tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ.

Trên cơ sở 19 tiêu chí quốc gia, 11 nội dung, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và 5 nhóm tiêu chí của Tổng cục Chính trị xác định, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã cụ thể hóa kế hoạch, chương trình hoạt động trong từng giai đoạn và từng năm, xác định đơn vị điểm để rút kinh nghiệm. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xác định địa bàn, xây dựng kế hoạch phối hợp hoạt động theo đúng hướng dẫn (giai đoạn đầu có 13 đơn vị ký kết với 23 xã; giai đoạn 2 ký kết thêm 8 xã).

Để có sự thống nhất trong việc xác định tham gia theo 5 nhóm tiêu chí, Ban Chỉ đạo LLVT tỉnh đã chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành, thị xác định địa bàn, ưu tiên ký kết với các xã trọng điểm về quốc phòng, an ninh (QP-AN) thuộc vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng kinh tế còn nhiều khó khăn và các xã được chọn làm điểm, tổ chức ra mắt trước. Sau khi tổ chức ký kết, tiến hành xây dựng kế hoạch cụ thể, có lộ trình, thời gian thực hiện từng công việc và triển khai thực hiện theo kế hoạch đã xác định. Trước từng đợt hoạt động, khi tổ chức lực lượng cùng địa phương thực hiện các nội dung đã ký kết, các đơn vị báo cáo kế hoạch cụ thể về cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Bộ CHQS tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.

ĐẾN HIỆU QUẢ PHONG TRÀO

Mặc dù còn gặp khó khăn về nhiều mặt, nhưng với tinh thần trách nhiệm và sự thống nhất, quyết tâm cao, LLVT tỉnh đã có nhiều hình thức, phương pháp và cách làm phù hợp, gắn kết chặt chẽ công tác vận động quần chúng, các phong trào, cuộc vận động khác với phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, chủ động phối hợp triển khai thực hiện các bước chặt chẽ, hiệu quả. Kết quả, đã huy động 12.587 lượt CB-CS, lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên tham gia đóng góp hơn 46.700 ngày công lao động, cùng với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân địa phương phát quang mở rộng tầm nhìn, sửa chữa, nâng cấp và làm mới đường giao thông nông thôn; nạo vét, khai thông dòng chảy kinh nội đồng; gia cố, sửa chữa đê bao chống lũ và đắp đê ngăn mặn; vận chuyển vật tư xây dựng; tham gia khắc phục hậu quả thiên tai…

Các cơ quan, đơn vị còn chủ động trong việc huy động các nguồn lực từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, doanh nhân ngoài tỉnh để tham gia cùng với các địa phương thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư hỗ trợ cho 250 gia đình chính sách về cây, con giống, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật canh tác, chăn nuôi, từng bước góp phần cải thiện đời sống, tăng thu nhập, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Điển hình như Chương trình hỗ trợ cây, con giống cho các gia đình chính sách, hộ dân nghèo của Bộ CHQS tỉnh; công trình “Ánh sáng nông thôn” của Ban CHQS huyện Cái Bè; hỗ trợ máy tính cho các xã để nâng cao hiệu suất, chất lượng công việc của Ban CHQS TX. Gò Công…

Bằng nguồn quỹ sản xuất của đơn vị và các công ty, doanh nghiệp hỗ trợ, LLVT tỉnh đã tặng sách vở, dụng cụ học tập cho hơn 600 học sinh nghèo; phối hợp với Bệnh viện Quân y 120 (Quân khu 9), Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng), Bệnh viện Quân y Quân đoàn 4 (Bộ Quốc phòng) và Bệnh viện Thống nhất (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà cho hơn 5.500 gia đình chính sách, hộ nghèo và các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở các địa phương trong tỉnh, với số tiền trên 1 tỷ đồng; tổ chức xây dựng và bàn giao 95 nhà tình nghĩa, nhà đồng đội, nhà tình đồng đội, nhà đại đoàn kết, với tổng số tiền trên 5 tỷ đồng. Giúp các xã tích cực lập hồ sơ, xét duyệt, đề nghị giải quyết chính sách cho các đối tượng theo các Quyết định 290, 142, 62, 49 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay được trên 16.000 hồ sơ, với số tiền 55 tỷ đồng; quy tập 71 hài cốt liệt sĩ; lập thủ tục đề nghị hưởng chế độ bệnh binh cho 70 trường hợp; tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo và CB-CS nhân các ngày lễ, tết, với số tiền trên 5,8 tỷ đồng…

Với kết quả đạt được qua 5 năm thực hiện, từ năm 2014 đến nay đã có 25/31 xã (LLVT tỉnh ký kết) được công nhận và ra mắt xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, LLVT tỉnh nhiều năm liền được Bộ Quốc phòng, Quân khu tặng Cờ thi đua trong phong trào thi đua Quyết thắng; được Quân khu tặng 3 Bằng khen trong thực hiện phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2013 - 2014, năm 2016 và giữa giai đoạn 2016 - 2020.

VÀ KẾ HOẠCH TƯƠNG LAI

Để phong trào thi đua “Quân đội  chung sức xây dựng nông thôn mới” tiếp tục được thực hiện đạt hiệu quả cao hơn, LLVT tỉnh cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:  

Một là, luôn quán triệt và nắm vững chủ trương của trên, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và điều kiện của từng địa phương; có kế hoạch phối hợp cụ thể, chặt chẽ, xác định phần việc trọng tâm, trọng điểm, chủ động tạo cầu nối giữa địa phương với đơn vị, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và nhân dân cùng chung sức. 

Hai là, cán bộ chủ trì các cấp, nhất là những người trực tiếp chỉ đạo thực hiện phải thực sự tâm huyết, sáng tạo; nắm chắc nhu cầu của địa phương và nguyện vọng của nhân dân để phối hợp tiến hành đúng nội dung, đúng thời điểm, huy động được nhiều nguồn lực, làm có trọng tâm, trọng điểm.

Ba là, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, kịp thời phổ biến nhân rộng những cách làm hay, mô hình mới; khơi dậy và phát huy tính tích cực của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện phong trào, đặc biệt là khai thác mọi nguồn lực trong nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra của Ban Chỉ đạo các cấp, duy trì nền nếp chế độ sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm và biểu dương, khen thưởng kịp thời trong từng giai đoạn và từng nhiệm vụ.

Xây dựng nông thôn mới không chỉ đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, mà còn góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại tá CAO VĂN MĨA
Tỉnh ủy viên, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang

.
.
Liên kết hữu ích
.