Chủ Nhật, 21/06/2020, 21:13 (GMT+7)
.
Kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2020):

Nhớ điều Bác Hồ truyền dạy cho người làm báo

Ngay từ khi bí mật trở về nước lãnh đạo phong trào cách mạng (năm 1941, tại Pác Bó, Cao Bằng), một trong những công việc được đồng chí Nguyễn Ái Quốc thực hiện ngay, đó là cho ra đời tờ báo Việt Nam độc lập năm 1941 và tờ báo Cứu quốc năm 1942. 
 
Hai tờ báo ban đầu phục vụ độc giả là đồng bào vùng kháng chiến, trong đó phần đông là đồng bào các dân tộc thiểu số; sau đó mở rộng đến nhân dân vùng tự do và vùng vẫn bị địch chiếm đóng. Những lời dạy của Người về nội dung, đối tượng, mục đích và phương pháp tuyên truyền: “Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào?” từ thuở ấy vẫn là bài học kinh nghiệm quý giá cho người làm báo hôm nay.
 
Tuyên truyền để dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm
 
Trong bài Người tuyên truyền và cách tuyên truyền đăng trên báo Sự thật số 79 (từ ngày 26-6-1947 đến ngày 9-7-1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”. Muốn vậy, phải nắm vững đối tượng được tuyên truyền. Nếu người tuyên truyền không điều tra, không phân tích, không nghiên cứu, không hiểu biết quần chúng, chỉ gặp sao nói vậy, bạ gì viết nấy, nhất định thất bại. Người cũng lưu ý rằng, dân chúng không nhất luận như nhau. Đối với mỗi tầng lớp đối tượng, Người yêu cầu phải có phương thức tuyên truyền thích hợp và phải chú trọng ưu tiên cho lớp đối tượng có trình độ nhận thức, văn hóa thấp. Bởi vì đối tượng này hiểu được thì các đối tượng khác cũng nắm bắt dễ dàng.
 
a
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và nói chuyện với Đại hội III Hội Nhà báo Việt Nam (1962). Ảnh: TƯ LIỆU
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người làm công tác tuyên truyền phải có cách tuyên truyền phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh. Cách nói, cách viết phải ngắn gọn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra phương pháp tuyên truyền sao cho đạt hiệu quả “Người tuyên truyền bao giờ cũng phải tự hỏi: Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe? Nếu không vậy, thì cũng như cố ý không muốn cho người ta nghe, không muốn cho người ta xem” (sách Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia 2002).
 
Người cho rằng, tuyên truyền cho đồng bào miền núi khác, đồng bào miền xuôi khác, thậm chí có khi cùng là tỉnh miền núi nhưng “một tỉnh có đồng bào Thái, đồng bào Mèo, thì tuyên truyền… phải có sự thay đổi cho thích hợp”.
 
Riêng với đồng bào miền núi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh yếu tố ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo, một là gì, hai là gì, rồi ba, bốn, năm là gì? làm như thế nào và “… không nên nói trên trời dưới đất, nào là khách quan, chủ quan, nào là tích cực và tiêu cực, không đâu vào đâu cả”.
 
Cán bộ tuyên truyền đi làm việc chỗ nào cần học tiếng ở đấy, để nói chuyện cho đồng bào hiểu, để hòa mình với đời sống đồng bào. Có gần gũi như thế mới được đồng bào tin cậy, mến phục, mới gây được mối thiện cảm bền lâu: “…Ví dụ các chú đi tuyên truyền ở nơi đồng bào Mèo, mà phải có một người phiên dịch thì không ăn thua. Bởi vì người phiên dịch ấy chưa chắc đã phiên dịch hết ý của chú, có khi phiên dịch lại sai đi nữa là khác. Cứ làm như thế cũng không gây được tình cảm thân thiết giữa cán bộ với quần chúng”. Cán bộ tuyên truyền còn phải gương mẫu, miệng nói tay làm để làm gương cho nhân dân vì nói hay mà không làm thì vô ích.
 
Nội dung cụ thể, thiết thực, cách nói, viết ngắn gọn, trong sáng
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực” để quần chúng hiểu đúng đường lối chính sách của Đảng, của Chính phủ, từ đó tự giác tham gia công việc cách mạng. Để làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ cho quần chúng hiểu thì tuyên truyền phải có tính chất quần chúng, không nên lúc nào cũng trích Các Mác, Lênin, làm cho đồng bào khó hiểu. Nói thế nào cho đồng bào hiểu được, đồng bào làm được… Nói thiết thực, nói đúng lúc, đúng chỗ. Nếu nói hay mà không hiểu thì cũng không bằng nói dễ hiểu, thiết thực.
 
Mục đích nói và viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là làm cho lý luận trở nên gần gũi, dễ hiểu với tất cả mọi người. Người dùng cách nói, cách viết giản dị, cụ thể, thiết thực và phê phán thói “ba hoa”, kiểu “thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta”. Người dạy: “Nêu cái hay, cái tốt, thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy”.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường viết rất ngắn gọn nhưng có ý nghĩa khái quát cao. Thí dụ: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”, chỉ 9 chữ mà khái quát được cả 3 giai đoạn đầy biến động của đất nước. Nhiều câu được cô đúc lại như châm ngôn: “Nước lấy dân làm gốc”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”… Chính vì vậy, những tư tưởng lớn của Người trở nên dễ thuộc, dễ nhớ, nhanh chóng đi vào quần chúng, hướng dẫn họ hành động.
 
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng viết: “Suốt đời, Hồ Chí Minh là người cầm bút chiến đấu trên mặt trận văn hóa, báo chí với văn phong đa dạng nhiều sắc thái mà điểm nổi bật là tính quần chúng, cách suy nghĩ và diễn đạt dân gian, dễ hiểu, đi sâu vang vọng trong lòng người, gợi mở những tư tưởng lớn lao, thúc đẩy những việc tốt đẹp, bằng những lời lẽ giàu hình tượng, nói lên được những điều lớn bằng những chữ nhỏ” .
 
Để giải thích cuộc kháng chiến ngắn hay dài, Bác cầm một cái gậy và hỏi dài hay ngắn. Có người bảo dài, có người bảo ngắn. Bác nói dài hay ngắn là tùy từng người. Cuộc kháng chiến dài hay ngắn tùy thuộc nhân dân ta, ở tất cả mọi người. Nhân dân đoàn kết, cán bộ gương mẫu, gần dân, hướng dẫn nhân dân kháng chiến thì kháng chiến sẽ không dài. Những câu chuyện của Bác hài hòa giữa lý luận và thực tiễn. Lý luận thì ngắn gọn, cô đọng, còn thực tiễn thì sinh động, dễ hiểu nên đồng bào dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo.
 
Riêng với báo chí dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Bác Hồ gọi là “báo chữ to”, nghĩa là chữ phải to; tranh, ảnh phải lớn, đẹp, rõ ràng, nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ thì đồng bào mới dễ tiếp thu, đón nhận.
 
Thời kỳ đầu, tỷ lệ không biết chữ trong đồng bào còn cao, nên “báo chữ to” chủ yếu là tranh, ảnh minh họa về những con người và sự việc cụ thể để đồng bào xem rồi kể cho nhau nghe, truyền lại cho nhau biết, từ đó nhân rộng điển hình thành những phong trào cách mạng. 
 
Muốn nâng cao hiệu quả truyền thông thì người truyền thông phải là người hiểu biết rộng, đặc biệt là nhận thức sâu việc mình tuyên truyền. Không những có đủ kiến thức lý luận mà phải có vốn sống phong phú; không những giỏi về nghiệp vụ chuyên môn mà còn phải có trình độ văn hóa cao. Người tuyên truyền giỏi phải là người biết tổ chức quần chúng, người thức tỉnh và tập hợp quần chúng… Những bài học về nghề của Bác vẫn còn nguyên giá trị cho những người làm báo hôm nay.
 
(Theo sggp.org.vn)
.
.
.