Thứ Sáu, 10/07/2020, 22:17 (GMT+7)
.
Phiên giải trình tại Kỳ họp thứ 12- HĐND tỉnh khóa IX

Thảo luận sôi nổi vấn đề phân lô bán nền

Kỳ họp thứ 12 - HĐND tỉnh khóa IX đã dành nhiều thời gian để thực hiện việc giải trình vào sáng ngày 10-7. Phiên giải trình diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu chất vấn UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành về những vấn đề “nóng”, bức xúc. Đây cũng là một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của cử tri và nhân dân tỉnh nhà.

“NÓNG” VẤN ĐỀ PHÂN LÔ BÁN NỀN

Tại phiên giải trình, Kỳ họp thứ 12 - HĐND tỉnh diễn ra vào ngày 10-7, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đối với tình trạng phân lô bán nền trong thời gian qua. Đại biểu Lương Quốc Thọ cho rằng tỉnh đã có nhiều giải pháp xử lý tình trạng phân lô bán nền, song, qua xử lý đã phát sinh những bất cập. Cụ thể, các khu phân lô bán nền đã được xây dựng hợp pháp trước đây và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho từng nền lại bị hạn chế các quyền chuyển nhượng, xây dựng nhà ở, tặng cho. Đại biểu đề nghị lãnh đạo tỉnh cho biết nguyên nhân vì sao?

giám đốc Sở TN&MT Phạm Văn Trọng phát biểu tại buổi tiếp dân
Giám đốc Sở TN&MT Phạm Văn Trọng phát biểu thực trạng phân lô bán nền trên địa bàn tỉnh

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Văn Trọng đã thông tin đến đại biểu về kết quả xử lý tình trạng phân lô bán nền trong thời gian qua.

Tiếp đến, chủ toạ kỳ họp yêu cầu, Giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Hữu Quyền, làm rõ ý kiến đại biểu về việc hạn chế các quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất. Đồng chí Huỳnh Hữu Quyền cho biết: Việc phân lô bán nền liên quan đến Luật đất đai nếu xử lý không kỹ sẽ không đúng quy định pháp luật.

Mặt khác, các cá nhân, tổ chức có hành vi lợi dụng để “lách luật” tách thửa, phân lô, bán nền nhằm trốn thuế. Vì vậy nếu cơ quan nhà nước không xử lý triệt để dễ dẫn đến hình thành các khu nhà ở không đúng quy hoạch gây ô nhiễm môi trường, thất thoát nguồn thu cho ngân sách và tạo nên hàng loạt những hệ luỵ khác. Cho nên các ngành rất thận trọng trong việc xử lý.

Những vấn đề đại biểu ý kiến UBND tỉnh cũng như các ngành liên quan đã nhìn thấy và đang tập trung giải quyết. UBND tỉnh đã có kế hoạch sẽ tổ chức các đoàn khảo sát thực tế tại các địa phương và cho ý kiến chỉ đạo làm sao xử lý triệt để dứt điểm vấn đề này, theo hướng các khu nào phù hợp với quy hoạch thì cho bổ sung điều chỉnh hạ tầng kỹ thuật đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu, sau đó làm thủ tục cấp GCNQSDĐ cho người dân theo đúng quy định pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Văn Phước Cường phát biểu tại buổi thảo luận tổ
Đại biểu Nguyễn Văn Phước Cường phát biểu về những kiến nghị của cử tri đối với những bất cập trong xử lý việc phân lô bán nền.

Liên quan đến vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Danh, Chủ tịch HĐND tỉnh, phân tích: “Việc phân lô bán nền cũng góp phần giải quyết được một số vấn đề về nhà ở cho nhân dân nhưng cũng gây ra nhiều bất cập như phá vỡ quy hoạch, ô nhiễm môi trường...

Trước thực trạng này, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 40/2019/NQ-HĐND ngày 6-12-2019 về kết quả giám sát cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đối với hộ gia đình, cá nhân. Theo đó, trong nghị quyết này có đoạn yêu cầu UBND tỉnh có giải pháp kịp thời xử lý và quản lý tình trạng phân lô bán nền “tự phát”, đảm bảo quy hoạch và không làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất.

Thời gian qua, tỉnh đã làm tốt vấn đề đảm bảo quy hoạch nhưng vấn đề không làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất thì chưa thực hiện tốt. Đề nghị UBND tỉnh sớm chỉ đạo các ngành liên quan khẩn trương giải quyết dứt điểm vấn đề này. Phải phân định rõ trường hợp nào là hợp pháp và trường hợp nào là không hợp pháp để có biện pháp xử lý cho hợp pháp. Vấn đề này không dễ, thậm chí liên quan đến công tác cán bộ, vì vậy các đồng chí phải bình tĩnh, thận trọng, nghiên cứu xem xét và sớm giải quyết dứt điểm để không làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất”.

Liên quan đến vấn đề này, đồng chí Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh đã nhận trách nhiệm trước đại biểu và cử tri tỉnh nhà vì đã để tình trạng phân lô bán nền diễn biến phức tạp. Đồng thời cũng nhấn mạnh: UBND tỉnh đã thấy vấn đề này và đã có kế hoạch rà soát lại các khu phân lô bán nền. Dự kiến trong tháng 7 sẽ tổ chức 4 đoàn công tác, các đồng chí trong Thường trực UBND tỉnh sẽ phụ trách đoàn để xuống huyện, thị, thành nghe lãnh đạo địa phương báo cáo và có ý chỉ đạo cụ thể đối với từng địa phương.

CẦN KHAI THÁC HIỆU QUẢ CÁC HỒ BƠI TRÁNH LÃNH PHÍ

Tại phiên giải trình, các đại biểu đặt vấn đề liên quan đến hiệu quả của việc khai thác các hồ bơi tại các trường học. Các đại biểu cho rằng, theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT, hiện còn lại 14 hồ bơi cố định có quy mô lớn do các trường Trung học phổ thông (THPT) quản lý gặp khó khăn về kinh phí và nhân sự nên hầu hết các hồ bơi này không hoạt động, gây lãnh phí. Đề nghị UBND tỉnh cho biết giải pháp trong thời gian tới để phát huy hiệu quả sau đầu tư?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Dũng giải trình về việc khai thác hồ bơi ở các trường học
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Dũng giải trình về việc khai thác hồ bơi ở các trường học tại phiên giải trình tại hội trường.

Giải trình về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Dũng, cho biết: Trên cơ sở thực hiện các văn bản pháp lý của bộ, ngành trung ương và căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành GD&ĐT kêu gọi xã hội hóa và đầu tư ngân sách tỉnh để xây dựng hồ bơi tại các trường trên địa bàn tỉnh.

Kết quả, kêu gọi xã hội hóa xây dựng được 47 hồ bơi có quy mô nhỏ trong các trường Mầm non, Tiểu học, THCS với mục tiêu phổ cập bơi, phòng chống đuối nước cho các em học sinh tại trường. Đồng thời, UBND tỉnh đã tập trung đầu tư kinh phí xây dựng 14 hồ bơi có quy mô lớn tại các trường THPT với mục tiêu phổ cập bơi, phòng chống đuối nước cho học sinh trên địa bàn huyện.

Đối với tình hình hoạt động của các hồ bơi, đồng chí Trần Văn Dũng cho biết, các hồ bơi nhỏ tại các trường Mầm non, Tiểu học, THCS được tổ chức hoạt động tương đối tốt do chi phí hoạt động tương đối ít, các trường có thể tự cân đối được. 

giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Hồng Oanh
Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Hồng Oanh giải thích thêm về nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trong khai thác sử dụng các hồ bơi tại các trường học.

Đối với 14 hồ bơi lớn tại các trường THPT, còn gặp một vài khó khăn trong sử dụng do chi phí hoạt động lớn và chưa khai thác hết công năng của các hồ bơi.

Cụ thể: Có 2 hồ bơi đang xây dựng tại Trường THPT Nguyễn Văn Côn, Trường THCS-THPT Phú Thạnh; Có 8 hồ bơi mới xây dựng xong tại Trường THPT Cái Bè, Phạm Thành Trung, Đốc Binh Kiều, Lưu Tấn Phát, Vĩnh Kim, Tân Phước, Tân Hiệp, Thủ Khoa Huân; 3 hồ bơi tại Trường THPT Chuyên Tiền Giang, Vĩnh Bình, Trương Định: chỉ mới thực hiện mục tiêu dạy bơi cho học sinh của trường, chưa thực hiện được việc phổ cập bơi cho học sinh trên địa bàn huyện. Trong đó hồ bơi Trường THPT Trương Định đang thông báo đấu giá để tìm nhà đầu tư vào vận hành, khai thác. Riêng hồ bơi của Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu vừa mới lựa chọn được nhà đầu tư để khai thác hồ bơi.

Theo Điều 6 của Thông tư 03/2018/TT-BVHTTDL ngày 19-1-2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn bơi lặn. Nếu Trường tự quản lý và khai thác các hồ bơi thì không đủ biên chế giáo viên hướng dẫn tập luyện và cứu hộ, đồng thời về tài chính các trường không đủ kinh phí thay nước và mua hóa chất xử lý nước.

Vì vậy, để khắc phục khó khăn nêu trên, nhằm sớm đưa các hồ bơi thực hiện nhiệm vụ phổ cập bơi cho học sinh, tạo nguồn thu cho các trường, tránh lãng phí trong việc đầu tư không khai thác và để sử dụng có hiệu quả các hồ bơi, UBND tỉnh sẽ khẩn trương chỉ đạo Sở GD&ĐT trong thời gian sớm nhất chỉ đạo các trường. Cụ thể:

Bên cạnh những hồ bơi được khai thác hiệu quả thì vẫn còn không ít hồ bơi chưa được khai thác sử dụng hiệu quả
Bên cạnh những hồ bơi được khai thác hiệu quả thì vẫn còn không ít hồ bơi chưa được khai thác sử dụng hiệu quả.

Đối với các trường đã được UBND tỉnh phê duyệt đề án khai thác hồ bơi khẩn trương thực hiện đấu giá để tìm nhà đầu tư vào vận hành, khai thác. Đối với các trường chưa xây dựng đề án khai thác hồ bơi khẩn trương lập đề án để gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.

Trường hợp không tìm được nhà đầu tư vào vận hành, khai thác các hồ bơi, UBND tỉnh sẽ cân nhắc đến giải pháp chỉ đạo ngành Giáo dục nghiên cứu bố trí nhân viên y tế, giáo viên thể chất của các trường để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Bộ GD&ĐT và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đồng thời để khắc phục tình trạng thiếu kinh phí hoạt động và trả tiền hỗ trợ thêm giờ làm việc cho các vị trí nêu trên, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức thu phí để quản lý, khai thác và sử dụng hồ bơi trong các trường phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh.

Được biết, hiện nay, HĐND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND ngày 4-6-2020 quy định mức hỗ trợ kinh phí và mức thu tiền quản lý, khai thác và sử dụng hồ bơi trong các trường phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh (mức thu đối với hồ bơi trong các trường tiểu học, trung học cơ sở là 20.000 đồng/người/lần, đối với hồ bơi trong các trường trung học phổ thông là 30.000 đồng/người/ lần và miễn phí cho đối tượng khó khăn, gia đình chính sách theo quy định).

Việc ban hành Nghị quyết sẽ góp phần khai thác và xã hội hóa hoạt động của các hồ bơi trong trường học trên địa bàn tỉnh, đáp ứng mục tiêu đề ra trong thời gian tới.

THU HOÀI - PHƯƠNG MAI - CAO THẮNG

.
.
.