Thứ Sáu, 07/08/2020, 16:46 (GMT+7)
.

Đề cương tuyên truyền 80 năm Ngày truyền thống Lực lượng vũ trang Tiền Giang

Tiền Giang là một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nằm trên tuyến đường giao thông huyết mạch nối liền các tỉnh miền Tây Nam Bộ với Thành phố Hồ Chí Minh, có vị trí chiến lược trọng yếu cả về kinh tế và quốc phòng - an ninh. Trong 2 cuộc kháng chiến (1945-1975), tỉnh Tiền Giang luôn là địa bàn mà thực dân Pháp và đế quốc Mỹ tập trung lực lượng đánh phá quyết liệt.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân và lực lượng vũ trang Tiền Giang đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vừa chiến đấu, vừa xây dựng, cùng với quân, dân cả nước giành thắng lợi trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ôn lại truyền thống của lực lượng vũ trang Tiền Giang là ôn lại chặng đường lịch sử vẻ vang, những chiến công oanh liệt của quân và dân trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Từ năm 1939, khi chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, nắm bắt thời cơ, Đảng đã chuyển hướng chiến lược cho cách mạng Việt Nam, đặt nhiệm vụ trọng tâm vào giải phóng dân tộc, tích cực chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

Khi bản “Đề cương chuẩn bị bạo động” của Xứ ủy Nam Kỳ ra đời, các làng đều hình thành các hội phản đế như Nông hội, Công hội, Hội phản chiến, Hội thanh niên phản đế, Phụ nữ giải phóng. Thông qua các các hội phản đế, Đảng tổ chức mít tinh tuyên truyền, diễn thuyết, vận động tổ chức quần chúng nhân dân đứng lên khởi nghĩa. Trên địa bàn tỉnh các đội tự vệ tiếp tục được xây dựng và phát triển.

Trước sự phát triển mạnh mẽ, rộng khắp của phong trào đấu tranh cách mạng, sự trưởng thành nhanh chóng của lực lượng tự vệ, để bảo đảm có một tổ chức chặt chẽ cho cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, ngày 12/8/1940, tại nhà ông Tư Tĩnh ở Xóm Vườn, ấp Miễu (ấp Long Bình B ngày nay), xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), Tỉnh ủy Mỹ Tho mở Hội nghị thành lập Ban Quân sự tỉnh gồm 7 đ/c do đồng chí Nguyễn Hữu Thường làm Trưởng ban.

Sau khi được thành lập, chỉ trong một thời gian ngắn, Ban Quân sự đã tổ chức xây dựng lực lượng tự vệ của tỉnh hơn 3.000 người, vũ khí trang bị thô sơ, nhưng tinh thần chiến đấu rất hăng hái.

Ngày 23/11/1940, cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra. Được sự hỗ trợ của lực lượng tự vệ, nhân dân nổi dậy làm chủ phần lớn vùng nông thôn, đánh chiếm 11 đồn, tiêu diệt 23 tên, thu 34 khẩu súng, phá hủy 20 cây cầu, bảo vệ chính quyền và bảo vệ các phiên Tòa xét xử bọn ác ôn...

Khi địch tăng cường thêm lực lượng và phương tiện chiến tranh đàn áp phong trào cách mạng, hệ thống tổ chức chính quyền cách mạng bị phá vỡ, nhưng lực lượng tự vệ vẫn với một lòng trung kiên cách mạng lui vào vùng Đồng Tháp Mười củng cố và bảo toàn  lực lượng. 

Giữa tháng 8/1945, tình hình chuyển biến có lợi cho phong trào cách mạng. Trước tình thế đó, ngày 17/8/1945, Tỉnh ủy Mỹ Tho tổ chức Hội nghị quyết định phát lệnh khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân. Ngày 18/8/1945, lực lượng vũ trang tỉnh Mỹ Tho được sự hỗ trợ của lực lượng nội ứng, dùng áp lực khống chế, buộc địch đầu hàng, giao các công sở cho quân khởi nghĩa.

Cho đến ngày 25/8/1945, lần lượt tại các huyện Châu Thành, Chợ Gạo, Cai Lậy, Cái Bè, An Hóa, chính quyền đã thuộc về tay nhân dân. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Nhưng với dã tâm thôn tính nước ta, thực dân Pháp được sự hỗ trợ của quân Anh trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Để chống lại quân Pháp, lực lượng vũ trang cùng Nhân dân xây dựng các tuyến phòng thủ đánh địch. Nhưng với sức mạnh về quân sự, ngày 25/10/1945, Pháp đã chiếm thị xã Mỹ Tho, thị xã Gò Công.

Trước tình hình trên, tháng 11/1945, Tỉnh ủy Gò Công, Tỉnh ủy Mỹ Tho cho thành lập đơn vị bộ đội Trương Công Định, bộ đội Thủ Khoa Huân và tiếp tục hình thành các mặt trận bao vây ngăn chặn địch mở rộng vùng chiếm đóng.

Trong đó có mặt trận kênh Xáng (Kênh Nguyễn Tấn Thành) là mặt trận chính nhằm ngăn chặn địch mở rộng vùng chiếm đóng về phía tây địa bàn tỉnh, đồng thời bảo vệ bầu cử Quốc hội ngày 06/01/1946 ở vùng tự do của ta.

Sau cuộc bầu cử Quốc hội thành công, phần lớn bộ đội Thủ Khoa Huân nhận nhiệm vụ bảo vệ Xứ ủy, số còn lại bám trụ cùng với dân quân tự vệ địa phương xây dựng lực lượng và hoạt động đánh địch.

Tháng 3/1946, thực hiện chỉ thị của Xứ ủy, lực lượng tập trung của Mỹ Tho thành lập trung đội tự vệ chiến đấu, trung đội quốc vệ đội và Chi đội 17. Tháng 10/1946, tỉnh Gò Công thành lập Trung đội 9 và Trung đội tự vệ chiến đấu, Tiểu đội Quốc vệ đội. Chỉ một thời gian ngắn từ tháng 3 đến tháng 10/1946, bộ đội tập trung cùng lực lượng tự vệ hoạt động diệt tề, bài trừ trộm cướp, đã diệt được trên 100 tên địch, phá hủy 2 xe quân sự, thu 63 súng.

Đầu năm 1947, thực hiện lời kêu gọi ngày Toàn quốc kháng chiến (ngày 19/12/1946), lực lượng vũ trang Tiền Giang đã tổ chức 2 trận phục kích tại Cổ Cò (An Thái Đông, Cái Bè) và Giồng Dứa (Long Định, Châu Thành) tiêu diệt  Tiểu đoàn Lê – Ông và đoàn xe của Chính phủ bù nhìn Pháp ở Nam Bộ làm chấn động dư luận trong và ngoài nước.

Sau các trận đánh trên, phong trào chiến tranh du kích toàn tỉnh đã phát triển rộng khắp, Chi đội 17 tích lũy được nhiều kinh nghiệm chiến đấu, tháng 10/1947, Chi đội 17 được đổi phiên hiệu thành Trung đoàn 105. Tháng 02/1948, trên địa bàn Gò Công, Tiểu đoàn 305 được thành lập, làm nòng cốt cho phong trào du kích chiến tranh trên địa bàn. 

Giữa năm 1948, trên địa bàn  Mỹ Tho - Gò Công hệ thống chỉ huy từ Tỉnh đội xuống Xã đội được kiện toàn. Đồng chí Ủy viên quân sự tỉnh đảm nhiệm chức vụ  Tỉnh đội trưởng, cấp ủy địa phương đưa một cấp ủy viên sang làm chính trị viên.  Từ đây, phong trào chiến đấu du kích của tỉnh đã đi vào nền nếp và hình thành ba thứ quân: địa phương quân tỉnh, huyện; du kích liên xã - xã - ấp và dân quân tại nghiệp - hình thức người dân tự chiến đấu.

Đây là thời kỳ địch bắt đầu đánh sâu vào Đồng Tháp Mười, Mỹ Tho trở thành đầu cầu tiến quân và rút quân của địch. Lực lượng vũ trang Mỹ Tho, Gò Công có điều kiện đánh địch nhiều hơn, các đại đội độc lập huyện cùng với Tiểu đoàn 309, Liên Trung đoàn 105 - 120, đánh địch những trận lớn trên địa bàn Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè.   

Tháng 5/1951, Trung ương Cục miền Nam và Bộ Tư lệnh Nam Bộ đề ra chủ trương “Chủ động kềm chế địch trên chiến trường Nam Bộ và tiến lên kịp với phong trào toàn quốc, nắm vững phương châm chiến lược du kích chiến là chính, học tập đánh vận động chiến, đẩy mạnh vận động chiến tiến tới”.

Thực hiện chủ trương này, Trung ương Cục miền Nam quyết định chia lại chiến trường, sắp xếp lại lực lượng. Nam Bộ được chia thành hai phân liên khu: Phân liên khu miền Đông và Phân liên khu miền Tây, lấy sông Tiền làm ranh giới và sát nhập tỉnh với mục đích tạo mỗi tỉnh thành một chiến trường vừa có chiều rộng, vừa có chiều sâu, có vùng căn cứ. Các Trung đoàn giải thể, mỗi phân liên khu có một tiểu đoàn chủ lực, mỗi tỉnh có một tiểu đoàn tập trung, mỗi huyện có một đại đội độc lập. 

Thực hiện chủ trương này, Tỉnh Mỹ Tho (mới) được thành lập còn gọi tỉnh Mỹ Tân Gò, bao gồm ba tỉnh Mỹ Tho, Tân An, Gò Công và một phần của tỉnh Đồng Tháp nhập lại; đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Chính trị viên Tỉnh đội. Tiểu đoàn chủ lực 309 của Quân khu đưa về làm tiểu đoàn tập trung của tỉnh Mỹ Tho.

Từ đây, cả nước chuyển sang giai đoạn “Tích cực cầm cự chuyển mạnh sang Tổng phản công”, lực lượng vũ trang Mỹ Tho đã góp phần chủ yếu vào những thắng lợi oanh liệt, liên tiếp với những chiến công như: diệt đồn Trãng Tranh tháng 4/1952, đồn Mỹ Thành tháng 5/1952, đồn Mỹ Long, đồn Quý Thạnh tháng 3/1953, đồn Cống Trâu tháng 8/1953, đồn Tham Rôn tháng 9/1953, đồn Phú An tháng 11/1953, đồn Chà Là tháng 12/1953.

Đặc biệt, trong trận chiến thắng đánh diệt hai đại đội thuộc tiểu đoàn chính quy ngụy tại kênh Bùi tháng 6/1953 của Tiểu đoàn 309 tạo nên bước ngoặt cho cuộc chiến đấu trên toàn vùng Bắc Đồng bằng sông Cửu Long.

Bước sang năm 1954, trước khi Pháp bị buộc phải ký kết hiệp định đình chiến tại Genève, trong lúc tiếng súng diệt địch nổ rộ khắp nơi trong tỉnh, lực lượng vũ trang Mỹ Tho gặt hái tiếp những chiến thắng vang dội như: Chà Là, Bang Dầy, Kênh 12, Tam Bình, Nhị Mỹ, Anh Thạnh Thủy, Kênh Chợ Gạo, Mỹ Tịnh An …

Hiệp định đình chiến được thực hiện, cán bộ chiến sĩ Mỹ Tho, Gò Công từ giã quê hương, tập kết ra miền Bắc. Ở miền Nam và trên địa bàn Tiền Giang, kẻ thù mới xuất hiện, tìm mọi cách phá hoại Hiệp định. Một lần nữa, hoàn cảnh đấu tranh mới của cách mạng lại sản sinh ra đội quân cách mạng mới.

Lực lượng vũ trang Tiền Giang được tái lập, kế thừa truyền thống chiến đấu anh hùng của những người cha, người anh trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ và trong cuộc kháng chiến chống Pháp, lực lượng vũ trang và nhân dân Tiền Giang đã góp phần to lớn, giành thắng lợi trong cuộc Đồng khởi năm 1960.

Ngày 15/02/1961, nhằm chỉ huy thống nhất các lực lượng vũ trang cách mạng ở miền Nam, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam được hình thành. Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam trao quân kỳ cho Quân Giải phóng mang dòng chữ: “Giải Phóng Quân Anh Dũng Chiến Thắng”. Hệ thống chỉ huy quân sự hình thành từ Miền đến xã.

Cùng thời gian này, Mỹ Tho thành lập Tiểu đoàn 514, bộ đội địa phương huyện và du kích xã cũng được phát triển. Mỗi huyện có một trung đội được trang bị vũ khí đầy đủ. Mỗi trung đội có một chi bộ từ 9 đến 10 đảng viên.

Mỗi xã có hai đội du kích, trang bị vài khẩu súng, còn lại là mã tấu, súng kíp, ngựa trời. Du kích được tổ chức thành năm loại: du kích xã, du kích ấp, du kích thoát ly (liên xã), du kích binh chủng và du kích mật.

Ngày 2/1/1963, tại Ấp Bắc, xã Tân Phú, huyện Cai Lậy nổ ra trận đánh quan trọng, tác động lớn đến mọi mặt của cuộc chiến tranh cách mang trong tỉnh Mỹ Tho và cả miền Nam. Đây là một trong những trân địch thua đau nhất, đã chứng tỏ con át chủ bài của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” đã bị vô hiệu hóa  bởi cuộc chiến tranh nhân dân, một báo hiệu cho sự thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” mà Mỹ và tay sai kỳ vọng.

Năm 1964, Ban Quân sự tỉnh, huyện đổi thành Ban Chỉ huy Tỉnh đội, Huyện đội có các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần hoàn chỉnh. Từ đây, lực lượng vũ trang Mỹ Tho từng bước trưởng thành, độc lập chiến đấu và phối hợp chặt chẽ với lực lượng cấp trên hoạt động trên địa bàn đã làm trọn vai trò đòn xeo cho các cuộc nổi dậy quần chúng ba mũi đánh địch mà Đảng bộ và Nhân dân giao cho.

Ngày 15/9/1967, trên rạch Ba Rài tại ấp 4 xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy đã diễn ra trận chiến đấu của tiểu đoàn bộ binh 263 quân khu 8 và quân dân tỉnh Mỹ Tho, chống lại cuộc hành quân càn quét của lữ đoàn 2 sư đoàn 9 quân Mỹ. Qua một ngày chiến đấu, quân và dân ta đã đánh bại cuộc hành quân “Cohart” của quân Mỹ, bước đầu làm phá sản chiến thuật “Lực lượng đột kích đường sông” bằng hạm đội nhỏ, nhằm thọc sâu vào vùng căn cứ cách mạng “tìm diệt” quân giải phóng.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 mở ra bước ngoặt lớn của chiến tranh, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đánh đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh.

Ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà. Trong niềm vui chung, các lực lượng vũ trang Tiền Giang không một ngày ngơi nghỉ, vừa phải làm nhiệm vụ quân quản, góp phần giải quyết hậu quả sau chiến tranh vừa phải làm nhiệm vụ truy quét tàn quân địch để bảo vệ cuộc sống bình yên cho Nhân dân, chống bọn vượt biên, vượt biển trái phép, đồng thời tham gia sản xuất để giải quyết một phần khó khăn của đất nước.

Hòa bình lập lại, niềm vui chưa được trọn vẹn, cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang lại tiếp tục bước vào trận chiến mới. Các đơn vị LLVT đã cùng lực lượng công an phá rã 13 tổ chức phản động trên địa bàn bảo vệ cuộc sống bình yên cho Nhân dân.

Để tạo điều kiện cho Nhân dân khôi phục sản xuất, LLVT tỉnh đã rà phá và bóc gỡ trên 21 ngàn quả bom mìn các loại, cùng nhân dân khai hoang phục hóa 392 ha đất; tổ chức 3 tiểu đoàn (trong đó có 1 Tiểu đoàn Quản huấn) vào nông trường Mỹ Đông khai hoang phục hóa đất, gieo trồng và thu hoạch trên 120 tấn lương thực, thực phẩm các loại, đảm bảo được yêu cầu tự túc 4 tháng ăn cho bộ đội.

Công việc còn dang dở, thì một bộ phận lớn của lực lượng vũ trang Tiền Giang lại phải lên đường tham gia đánh địch bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế. Hơn 10 năm chiến đấu và công tác trên đất bạn Campuchia, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang Tiền Giang tiếp tục phát huy tốt chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống chiến đấu của cha anh năm xưa, đã để lại trong lòng nhân dân và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia những tình cảm tốt đẹp và tinh thần quốc tế thủy chung trong sáng.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc đã đạt được trong 2 cuộc kháng chiến, ngày 06/11/1978 LLVT tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) đã vinh dự được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Ngày 26/10/2001, Tư lệnh Quân khu 9 ban hành Quyết định số 304/QĐ-BTL công nhận ngày 12/8/1940 là Ngày truyền thống của lực lượng vũ trang Tiền Giang.

Được tôi luyện trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, ngày nay LLVT Tiền Giang luôn giữ vững vai trò là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh.

Trong những năm qua, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh luôn quán triệt quan điểm lấy xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị làm cơ sở để xây dựng các tổ chức vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn quán triệt sâu sắc đường lối, nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và triển khai thực hiện đạt kết quả tốt.

Đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ huyện, tỉnh ngày càng vững chắc.

Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh luôn coi trọng việc thường xuyên đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị; quan tâm, chăm lo giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ một cách toàn diện; trong đó chú trọng, biểu dương, giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong tình hình mới.

Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị cho sát với từng đối tượng, từng nhiệm vụ; trực tiếp góp phần xây dựng bản lĩnh chính trị bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn quan tâm xây dựng tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, gắn việc xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; xây dựng đội ngũ cấp ủy với đội ngũ cán bộ chủ trì, xây dựng đội ngũ đảng viên gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực lãnh đạo đơn vị thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất.

Thành tích nổi bật trong xây dựng công tác quân sự, quốc phòng trong những năm qua là: Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương trên địa bàn tỉnh.

Cấp ủy, chỉ huy các cấp đã kịp thời ra Nghị quyết lãnh đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng với nội dung, biện pháp cụ thể thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Quan tâm tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chỉ huy - tham mưu cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của các cơ quan, đơn vị; nghiệp vụ công tác Đảng, công tác chính trị cho đội ngũ cấp ủy viên cơ sở và cán bộ Ban CHQS xã, phường, thị trấn bảo đảm chặt chẽ, nghiêm túc.

Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị cho các đối tượng. Với những thành tích trên, nhiều năm liền Đảng bộ Quân sự tỉnh luôn đạt trong sạch vững mạnh, Bộ CHQS tỉnh luôn là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua Quyết thắng trong Quân khu.

Trong công tác giáo dục bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các đối tượng, công tác tuyển quân, tuyển sinh quân sự được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, có nền nếp; là tỉnh đầu tiên có nhiều cách làm mới, hiệu quả trong công tác tuyển quân đảm bảo quy trình các bước và trong từng giai đoạn đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo, đảm bảo giao nhận quân nhanh, gọn, luôn đạt và vượt chỉ tiêu trên giao.

Tỷ lệ cử, tuyển đảng viên tham gia xây dựng Quân đội và số lượng thí sinh thi đậu vào các trường Quân đội luôn đảm bảo theo yêu cầu về số lượng và chất lượng năm sau cao hơn năm trước.

Cùng với nhiệm vụ trên, LLVT tỉnh thường xuyên quan tâm chú trọng đến việc xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; gắn xây dựng đội ngũ cấp ủy với xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì; xây dựng đội ngũ đảng viên với xây dựng đội ngũ cán bộ.

Từ đó không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, các tổ chức đảng và chất lượng của đội ngũ cán bộ đảng viên. Tập trung xây dựng lực lượng bộ đội thường trực theo hướng“Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở.

Công tác chính sách đối với quân đội, chính sách hậu phương quân đội và phong trào đền ơn đáp nghĩa, chính sách người có công cách mạng được tiến hành thường xuyên, liên tục. Trong các ngày lễ, tết, các cơ quan, đơn vị thuộc LLVT tỉnh thăm tặng quà gia đình chính sách, cán bộ hưu và hỗ trợ chi tiêu tết cho cán bộ, chiến sỹ tại chức mỗi năm gần 5 tỷ đồng.

Công tác dân vận đã đẩy mạnh hoạt động liên tịch với các đoàn thể; quán triệt, tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua “LLVT Tiền Giang chung sức xây dựng nông thôn mới” và phong trào thi đua “LLVT Tiền Giang chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”; cùng với địa phương tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng hệ thống chính trị; tham gia xây dựng các công trình phúc lợi, giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh hàng ngàn ngày công lao động… qua đó góp phần xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, củng cố thế trận lòng dân; góp phần tô đậm hình ảnh, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới.

Phong trào thi đua “Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” và Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông” được triển khai thực hiện có hiệu quả, luôn đạt và vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, bảo đảm phục vụ tốt cho hoạt động thường xuyên và sẵn sàng chiến đấu của LLVT.

Các công trình xây dựng cơ bản đã hoàn thành đúng tiến độ; đã đầu tư nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới doanh trại Bộ CHQS tỉnh và tất cả các đầu mối cơ quan, đơn vị, địa phương; xây dựng mới được 127/172 trụ sở Ban CHQS xã, phường, thị trấn theo mẫu thống nhất, với tổng số tiền gần 500 tỷ đồng. Các cơ quan, đơn vị LLVT đã tập trung chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội, đảm bảo đủ sức hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ trong bất luận hoàn cảnh nào.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trên, một lần nữa, LLVT Tiền Giang đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký quyết định phong tặng Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân trong thời kỳ đổi mới ngày 27/5/2013.

Tự hào về truyền thống vẻ vang 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, thế hệ cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang Tiền Giang hôm nay nguyện sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, ra sức học tập, rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức của người quân cách mạng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

CÁC HÌNH THỨC ĐÃ ĐƯỢC KHEN THƯỞNG TỪ NĂM 2000 ĐẾN NAY

02 Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân (Ngày 06/11/1978 và 27/5/2013).

01 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.

01 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì.

04 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba.

01 Huân chương Chiến công hạng Ba.

01 Huân chương Lao động hạng Ba.

01 Cờ thi đua của Chính phủ.

09 Cờ thi đua của Bộ Quốc phòng.

02 Huy chương vàng của Tổng cục Chính trị.

02 Cờ của Tỉnh ủy Tiền Giang.

11 Cờ thi đua của UBND tỉnh Tiền Giang.

08 Cờ của Bộ Tư lệnh Quân khu 9.

01 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

16 Bằng khen của Bộ Quốc phòng.

28 Bằng khen của Bộ Tư lệnh Quân khu 9.

05 Bằng khen của Tỉnh ủy Tiền Giang.

19 Bằng khen của UBND tỉnh Tiền Giang.

 

                                      BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ TỈNH TIỀN GIANG

.
.
.