Thứ Tư, 12/08/2020, 10:18 (GMT+7)
.

Mốc son lịch sử

 

Đầu năm 1940, Tỉnh ủy Mỹ Tho được củng cố. Đồng chí Phan Văn Khỏe, Xứ ủy viên Nam kỳ được Xứ ủy chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho. Tỉnh ủy Mỹ Tho triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng và các nghị quyết của Xứ ủy đến tận làng xã. Tiếp thu Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng và các nghị quyết của Xứ ủy Nam kỳ, Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho tổ chức 3 cuộc họp vào các tháng 8, 10 và tháng 11-1940 bàn các biện pháp cụ thể chuẩn bị khởi nghĩa ở địa phương.

RA ĐỜI LỰC LƯỢNG VŨ TRANG (LLVT) CÁCH MẠNG

Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, quân Pháp nhảy vào vòng chiến, kéo theo nhân dân lao động Pháp và nhân dân các nước thuộc địa vào cảnh nước sôi lửa bỏng. Ở tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), thực dân Pháp tiến hành phát xít hóa bộ máy cai trị từ tỉnh xuống cơ sở. Chính quyền thực dân ra lệnh thủ tiêu các quyền dân sinh, dân chủ mà quần chúng nhân dân đấu tranh giành được trong thời kỳ Đông Dương Đại hội.

Trong hoàn cảnh đó, Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho quyết tâm lãnh đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mít tinh vạch tội thực dân Pháp đàn áp, bóc lột nhân dân ta, kêu gọi chống bắt thanh niên làm bia đỡ đạn cho bọn thực dân đế quốc; chuẩn bị lực lượng và truyền đơn cổ động cho cuộc khởi nghĩa; thành lập LLVT cách mạng trên phạm vi toàn tỉnh; mua sắm và rèn luyện vũ khí; xây dựng khu Ba-U thuộc xã Long Định và Tam Hiệp, quận Châu Thành làm căn cứ của tỉnh.

Từ tháng 3-1940, Xứ ủy Nam kỳ ban hành “Đề cương chuẩn bị bạo động”, nội dung chính là xây dựng LLVT đánh đổ thực dân Pháp giành chính quyền về tay nhân dân, lập chính phủ lâm thời. Tại tỉnh Mỹ Tho, sau nhiều tháng triển khai “Đề cương chuẩn bị bạo động”, ngày 12-8-1940, tại nhà ông Tư Tĩnh ở xóm Vườn, ấp Miễu, xã Long Hưng, quận Châu Thành, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị bàn công tác tổ chức LLVT, mua sắm và chế tạo vũ khí, dự trữ lương thực, thuốc men, may cờ, in tài liệu, luyện tập quân sự chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, do đồng chí Phan Văn Khỏe chủ trì. Tỉnh ủy Mỹ Tho quyết định thành lập Ban Quân sự tỉnh Mỹ Tho, gồm 7 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Hữu Thường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Chỉ huy trưởng; Ban Tham mưu gồm các đồng chí: Nguyễn Hữu Thường (Tham mưu trưởng), Huỳnh Văn Chín và Lê Văn Quới làm Ủy viên; Ban Quân nhu do đồng chí Tân phụ trách; Ban Quân báo do đồng chí Trần Bá Thọ phụ trách; Ban Phá hoại do đồng chí Nguyễn Văn Ghè và đồng chí Lê Văn Quới phụ trách.

Sau khi được thành lập, chỉ trong một thời gian ngắn, Ban Quân sự tổ chức xây dựng lực lượng tự vệ của tỉnh hơn 3.000 người, vũ khí trang bị thô sơ, nhưng tinh thần chiến đấu rất dũng cảm, hăng hái. Ngày 23-11-1940, cuộc khởi nghĩa ở tỉnh Mỹ Tho bùng nổ. Được sự hỗ trợ của LLVT tự vệ, nhân dân nổi dậy làm chủ phần lớn vùng nông thôn, đánh chiếm 11 đồn, tiêu diệt 23 tên, thu 34 khẩu súng, phá hủy 20 cây cầu, bảo vệ chính quyền và bảo vệ các phiên tòa xét xử bọn ác ôn. Khi địch tăng cường lực lượng đàn áp phong trào cách mạng, hệ thống tổ chức chính quyền cách mạng bị phá vỡ, nhưng LLVT tự vệ vẫn một lòng trung kiên cách mạng, lui vào vùng Đồng Tháp Mười củng cố và bảo toàn  lực lượng. 

Ngày 12-8-1940 là mốc son lịch sử của LLVT tỉnh Tiền Giang - Ngày truyền thống LLVT tỉnh Tiền Giang theo Quyết định 304 ngày 26-10-2001 của Bộ Tư lệnh Quân khu IX. Tự hào truyền thống vẻ vang 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Tiền Giang tiếp tục phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng, ra sức học tập, rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là lực lượng trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Trong suốt Cuộc khởi nghĩa tháng 11-1940, LLVT nhân dân tỉnh Mỹ Tho đã ra sức bảo vệ chính quyền cách mạng của tỉnh, để chính quyền thực hiện thiết chế dân chủ cộng hòa đầu tiên trên cả nước; bảo vệ an toàn Tòa án Nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho để tòa án an tâm xét xử nghiêm khắc, công tâm bọn tay sai bán nước hại dân; bảo vệ Quốc hiệu Việt Nam Dân chủ cộng hòa, bảo vệ cờ đỏ sao vàng tung bay trên ngọn cây bàng hơn 40 ngày đêm hào hùng và kiêu hãnh…

GẮN BÓ MÁU THỊT VỚI NHÂN DÂN

Suốt 80 năm qua (1940 - 2020), LLVT tỉnh Tiền Giang trải qua chặng đường đầy khó khăn, gian khổ nhưng vô cùng anh dũng và vẻ vang; trong đó có 35 năm đấu tranh giành độc lập, tự do cho nhân dân và 45 năm tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, LLVT của tỉnh đã phục vụ bảo vệ biên giới của Tổ quốc, thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, đối phó với thiên tai, luôn quyết tâm giữ vững quốc phòng và an ninh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Qua thời gian, LLVT tỉnh Tiền Giang luôn vững vàng về chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, sẵn sàng tham gia chiến đấu bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc và nhân dân trong mọi tình huống.

Sức mạnh của LLVT tỉnh nhà là ở sự gắn bó máu thịt với nhân dân. Để lực LLVT ngày càng vững mạnh, phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng bộ, chăm lo xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh về mọi mặt trên nền tảng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc. Duy trì nghiêm công tác sẵn sàng chiến đấu, kịp thời tham mưu đề xuất xử lý tốt các tình huống, không để bị động bất ngờ.

Công tác xây dựng lực lượng, huấn luyện, diễn tập, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh, tuyển quân, tuyển sinh quân sự nghiêm túc. Hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị triển khai toàn diện; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy được tăng cường. Công tác hậu cần, tài chính, kỹ thuật thực hiện chặt chẽ. Quan tâm thực hiện công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội. Đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, chất lượng và khả năng sẵn sàng chiến đấu đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

LÊ VĂN TÝ

.
.
.