Thứ Sáu, 13/11/2020, 16:15 (GMT+7)
.

Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành quyền sống và quyền làm chủ đất nước

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6, khóa I khẳng định: “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không còn con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả các ách ngoại xâm vô luận da trắng hay da vàng để tranh lấy giải phóng dân tộc”. Tư tưởng chiến lược lớn nhất của Hội nghị Trung ương lần này là làm “cách mạng giải phóng dân tộc” bằng hình thức bạo động cách mạng tấn công bạo lực phản cách mạng của thực dân, phát xít để giành lại độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Hội nghị chủ trương: “Đứng trên lập trường giải phóng dân tộc, lấy quyền lợi dân tộc làm tối cao, tất cả mọi vấn đề của cách mạng, tất cả mọi vấn đề điền địa cũng phải nhằm vào mục đích ấy mà giải quyết”.

CÁC TỔ CHỨC QUẦN CHÚNG PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ

Tháng 3-1940, Ban Thường vụ Xứ ủy Nam kỳ do đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư Xứ ủy, thảo ra Đề cương chuẩn bị bạo động. Từ tháng 7 đến tháng 10-1940, Ðảng bộ Nam kỳ liên tiếp tổ chức nhiều cuộc họp để bàn chủ trương và gấp rút lãnh đạo nhân dân chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, thông qua Đề cương; chủ trương thành lập Ban Chỉ huy và Ban Quân sự các cấp; xác định hình thức chính quyền, Quốc kỳ, khẩu hiệu; vạch ra các chính sách đối với nhân dân…

Nhà bà Năm Dẹm (Lê Thị Lợi) - nơi Xứ ủy Nam kỳ triệu tập Hội nghị mở rộng toàn xứ  tại xã Tân Hương (quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho).
Nhà bà Năm Dẹm (Lê Thị Lợi) - nơi Xứ ủy Nam kỳ triệu tập Hội nghị mở rộng toàn xứ tại xã Tân Hương (quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho).

Tháng 4-1940, tại Bến Lức, tỉnh Tân An (nay là tỉnh Long An), Ban Thường vụ Xứ ủy Nam kỳ tổ chức Hội nghị Xứ ủy để thông qua Đề cương chuẩn bị bạo động (khởi nghĩa), triển khai Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 6 và Đề cương chuẩn bị bạo động đến toàn xứ Nam kỳ. Từ đó, được sự lãnh đạo của các Tỉnh ủy, không khí chuẩn bị khởi nghĩa diễn ra khẩn trương, sôi nổi nhưng bí mật. Các tổ chức quần chúng phát triển nhanh chóng, nhất là Nông hội, Phụ nữ, Thanh niên... Ảnh hưỏng của Đảng Cộng sản Đông Dương ngày càng lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân Đông Dương.

Đầu năm 1940, Tỉnh ủy Mỹ Tho được củng cố. Đồng chí Phan Văn Khỏe, Xứ ủy viên Nam kỳ được Xứ ủy chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy. Tỉnh ủy Mỹ Tho tổ chức liên tiếp nhiều hội nghị để triển khai, quán triệt Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 6, các nghị quyết của Xứ ủy Nam kỳ đến cấp tỉnh, cấp quận, thị xã và cơ sở. Để tăng cường giáo dục nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, Đảng bộ tỉnh chỉ đạo sử dụng mọi phương tiện sẵn có, như phát hành báo, tổ chức mít tinh, rải truyền đơn…

Nhiều cuộc mít tinh, rải truyền đơn tổ chức ở nhiều quận nhân các ngày lễ, kỷ niệm để giải thích mục đích, tôn chỉ, ý nghĩa của Mặt trận Thống nhất Dân tộc Phản đế, kêu gọi nhân dân tham gia Mặt trận, phản đối thực dân Pháp khủng bố, bắt lính. Báo Tiến Lên, cơ quan ngôn luận của Mặt trận Thống nhất Dân tộc Phản đế Đông Dương tỉnh Mỹ Tho được các cơ quan chức năng xuất bản và phát hành rộng rãi trong tỉnh.

Đảng bộ tỉnh chỉ đạo lập Ủy ban vận động lập Mặt trận Thống nhất Dân tộc Phản đế để tuyên truyền, phổ biến mục đích, tôn chỉ, cương lĩnh đấu tranh của Mặt trận và tiến hành thành lập Mặt trận từ cấp xã đến quận, tỉnh. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, trong thời gian ngắn, tổ chức Mặt trận ở cơ sở và các quận lần lượt ra đời. Mặt trận Thống nhất Dân tộc Phản đế tập hợp quần chúng dưới nhiều hình thức, như Thanh niên Phản đế, Phụ nữ Phản đế, Nông hội Phản đế, Phụ lão Phản đế…

Với sự chỉ đạo sát sao, các tổ chức quần chúng phát triển mạnh mẽ, nhất là ở các quận Châu Thành, Cai Lậy, Chợ Gạo. Số quần chúng hăng hái trung kiên, có tinh thần yêu nước, có cảm tình với Đảng là thành viên của Mặt trận Dân chủ làm đơn tự nguyện tham gia Mặt trận Thống nhất Dân tộc Phản đế. Từ thực tiễn đấu tranh, quần chúng tích cực được lựa chọn đưa vào Mặt trận, và sau đó tiếp tục phấn đấu để được kết nạp vào Đảng Cộng sản.

Sự chỉ đạo của các cấp ủy đã thúc đẩy phong trào đấu tranh với các yêu sách dân sinh, dân chủ dần bớt đi, nhường chỗ cho các cuộc đấu tranh kết hợp giữa đòi quyền lợi về kinh tế với các yêu sách về chính trị phù hợp tình hình mới.

PHÁT ĐỘNG NỔI DẬY GIÀNH CHÍNH QUYỀN VỀ TAY NHÂN DÂN

Từ ngày 21 đến 27-7-1940, Xứ ủy triệu tập hội nghị mở rộng toàn xứ tại xã Tân Hương (quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho). Đến dự hội nghị có 24 đại biểu của 19 trong số 21 tỉnh ở Nam kỳ. Đồng chí Phan Đăng Lưu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến dự, chỉ đạo hội nghị.

Tỉnh Mỹ Tho do đồng chí Phan Văn Khỏe, Bí thư Tỉnh ủy tham dự. Hội nghị quyết định chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa; tiến tới thành lập Chính phủ lâm thời nhân dân, chọn lá cờ đỏ sao vàng do Tỉnh ủy Mỹ Tho thông qua làm cờ Mặt trận và cờ Chính phủ. Hội nghị bầu đồng chí Tạ Uyên làm Bí thư Xứ ủy và bầu 2 đồng chí Phan Văn Khỏe, Lê Văn Khương vào Thường vụ Xứ ủy Nam kỳ.

Tỉnh ủy Mỹ Tho chỉ đạo xây dựng căn cứ khởi nghĩa ở khu vực giáp ranh giữa các xã Long Định, Thân Cửu Nghĩa, Tân Lý Đông (quận Châu Thành). Đến tháng 10-1940, Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho có 70 chi bộ (hoặc liên chi bộ), tăng gần 7 lần so với tháng 2-1939, với 456 đảng viên (tăng gấp 8 lần so với tháng 2-1939). Nhìn chung, mọi cơ sở, mọi lực lượng đều được tập trung thống nhất chỉ huy, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho.

Ðến giữa tháng 11-1940, trước tinh thần đấu tranh của quần chúng, đặc biệt là tinh thần phản chiến của binh lính Việt Nam trong quân đội Pháp, Xứ ủy Nam kỳ quyết định phát động toàn Nam kỳ nổi dậy đánh đổ chính quyền thuộc địa và tay sai thực dân Pháp, giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 21-11-1940, Thường vụ Xứ ủy ra thông báo cho các cấp ủy nhất loạt lãnh đạo nhân dân nổi dậy nửa đêm ngày 22-11-1940. Thời điểm hành động thống nhất ở các tỉnh Nam kỳ là lúc 0 giờ ngày 23-11-1940.

Trong những điều kiện như vậy, cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ở tỉnh Mỹ Tho nổ ra mạnh mẽ, quyết liệt, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho và tinh thần chiến đấu kiên cường, anh dũng của các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh.

LÊ VĂN TÝ
 

.
.
.