Thứ Sáu, 25/12/2020, 10:50 (GMT+7)
.

"Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" - Bản tráng ca gây chấn động thế giới

Cách đây 48 năm, Mỹ mở cuộc tập kích chiến lược bằng không quân vào Hà Nội và các thành phố lớn ở miền Bắc, hòng xoay chuyển tình thế trên bàn đàm phán Paris. Với ý chí quyết chiến quyết thắng, trong 12 ngày đêm, quân và dân miền Bắc đã đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược, làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, buộc chính quyền Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom đánh phá miền Bắc và ký Hiệp định Paris.

12 ngày đêm khói lửa trong trận chiến “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” với chiến thắng vang dội bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B52, đập tan âm mưu của đế quốc Mỹ đưa Hà Nội về thời kỳ “đồ đá” đã viết nên bản tráng ca bất tử gây chấn động thế giới.

Xác máy bay B-52 bị bắn rơi ngày 21-12-1972. Ảnh tư liệu: TTXVN.
Xác máy bay B-52 bị bắn rơi ngày 21-12-1972. Ảnh tư liệu: TTXVN.

TIÊN LƯỢNG SỚM CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Bằng sự mẫn cảm của một nhà chiến lược quân sự thiên tài, với tầm nhìn xa, nắm vững tình hình địch, ta, lường trước thủ đoạn của kẻ thù, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những tiên lượng từ rất sớm, khoa học và chính xác về âm mưu sử dụng máy bay chiến lược B52 đánh phá miền Bắc nước ta của kẻ thù.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, trong một chuyến sang Liên Xô, Bác Hồ đã trực tiếp đề nghị Thống chế Xta-lin giúp Việt Nam một đơn vị pháo bắn máy bay. Lúc ấy, không quân Pháp làm chủ bầu trời Đông Dương, còn bộ đội ta thì chỉ có những khẩu súng trường, súng máy tầm thấp. Nhờ Liên Xô trang bị vũ khí và Trung Quốc giúp huấn luyện, một trung đoàn pháo cao xạ 37 ly đầu tiên của Quân đội ta được thành lập, mang tên Trung đoàn B67, đã lập công xuất sắc, bắn rơi nhiều máy bay địch (52 chiếc trên tổng số 62 chiếc bị bắn rơi), góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.

Bước sang thời kỳ đánh Mỹ, bộ đội phòng không chỉ mới có pháo cao xạ và ra-da, chính Bác Hồ lại đặt vấn đề với Liên Xô chi viện cho Việt Nam vũ khí tên lửa phòng không. Và một trung đoàn tên lửa SAM2 đầu tiên của Việt Nam ra đời, mang phiên hiệu Trung đoàn H36.

Ngày 18-6-1965, đế quốc Mỹ cho 30 chiếc B52 từ đảo Gu-am Thái Bình Dương bay vào “rải thảm” khu căn cứ Long Nguyên của nước ta ở huyện Bến Cát. Đây là lần đầu tiên B52 được sử dụng ở Việt Nam. Nhưng chỉ 1 tháng sau, ngày 19-7, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt nhân dân Việt Nam đã lên tiếng trả lời bọn xâm lược: “Dù đế quốc Mỹ lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B57, B52 hay “bê” gì đi nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ, chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh. Mà đã đánh là nhất định thắng!”. Ngày 24-7, Trung đoàn tên lửa H361 ra quân đánh thắng trận đầu, bắn rơi tại chỗ 1 chiếc F4C Mỹ trên bầu trời Hà Tây. Hôm sau lại hạ tại chỗ thêm 1 máy bay trinh sát không người lái BQM34A ở độ cao 19 km. Bộ Tư lệnh Quân chủng hết sức vui mừng, vì đây là 2 chiến công đầu xuất sắc của bộ đội tên lửa Việt Nam. Ngoài ra, nó còn mang ý nghĩa đặc biệt: Khả năng tên lửa Việt Nam trị được B52 Mỹ đã ở trong tầm tay.

Năm 1966, khi máy bay B52 đánh Quảng Bình, Bác Hồ chỉ thị cho Quân chủng Phòng không - Không quân phải tìm cách đánh cho được B52. Quân chủng Phòng không - Không quân đã đưa Trung đoàn Tên lửa 238 vào Vĩnh Linh để tìm cách đánh B52. Sau một thời gian dày công nghiên cứu nhận dạng máy bay B52, ngày 17-9-1967, Tiểu đoàn 84, Trung đoàn Tên lửa 238 đã bắn rơi 2 chiếc B52 trên vùng trời sông Bến Hải. Đây là kíp chiến đấu đầu tiên của bộ đội tên lửa bắn rơi B52 của không quân Mỹ trên chiến trường miền Bắc.

Một bản kế hoạch mang tên “Phương án đánh trả cuộc tập kích chiến lược đường không bằng B52 của Mỹ, bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng” của Quân chủng Phòng không - Không quân được hình thành vào tháng 2-1968, tuy còn đơn sơ nhưng đã chứa đựng những nội dung rất cơ bản. Rồi từ những kinh nghiệm của các chiến trường, bản kế hoạch đầu tiên ấy liên tục được sửa chữa, bổ sung, để đến năm 1972 Quân chủng có phương án cuối cùng là “Phương án tháng 11”, bản kế hoạch đánh B52 hoàn chỉnh nhất, đã được Tư lệnh Lê Văn Tri mang lên báo cáo trực tiếp với Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp vào cuối tháng 9-1972. “Phương án tháng 11” được Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng ký duyệt ngày
24-11-1972. Trên cơ sở bản kế hoạch đó, Quân chủng Phòng không - Không quân cùng cả miền Bắc lao vào một cuộc chuẩn bị hết sức khẩn trương, để đến tối 18-12, bước vào trận chiến đấu một cách chủ động - một sự chủ động tuyệt vời bắt nguồn từ tầm nhìn thông tuệ và sự chỉ đạo sáng suốt, minh mẫn của cấp chiến lược, của Bộ Chính trị, trước hết là của Bác Hồ kính yêu.

CHIẾN THẮNG “ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG”

Vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 17-12-1972, ngay khi Tổng thống Mỹ Nixon ra lệnh mở cuộc tiến công bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã trên miền Bắc, quân và dân toàn miền Bắc đã vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu, quyết tâm đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ. Suốt đêm 18 đến rạng ngày 19-12, quân Mỹ huy động 90 lần chiếc B52 ném 3 đợt bom xuống thủ đô Hà Nội. Xen kẽ các đợt đánh phá của B52 có 8 lần chiếc F.111 và 127 lần máy bay cường kích bắn phá các khu vực nội, ngoại thành. Trong đêm đầu tiên Mỹ đã ném khoảng 6.600 quả bom xuống 135 địa điểm thuộc thủ đô Hà Nội, 85 khu vực dân cư bị trúng bom. Quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, bắn rơi 6 máy bay các loại, trong đó có 2 máy bay B52 rơi tại chỗ.

Người dân Thủ đô chăm chú theo dõi tin chiến thắng qua báo chí hằng ngày và các bảng thông tin trong những ngày Mỹ đánh phá ác liệt cuối tháng 12-1972. Ảnh tư liệu: TTXVN
Người dân Thủ đô chăm chú theo dõi tin chiến thắng qua báo chí hằng ngày và các bảng thông tin trong những ngày Mỹ đánh phá ác liệt cuối tháng 12-1972. Ảnh tư liệu: TTXVN

Ngày 26-12 là trận đánh then chốt: Địch đã sử dụng 105 lần chiếc máy bay B52 và 110 lần chiếc máy bay chiến thuật hộ tống, đánh ồ ạt, liên tục từ nhiều hướng và tập trung một đợt vào nhiều mục tiêu ở 3 khu vực Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyên. Lực lượng phòng không ba thứ quân của Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyên đã đánh một trận tiêu diệt lớn, bắn rơi 8 máy bay B52 và 10 máy bay chiến thuật khác. Trong trận này, lần đầu tiên Quân khu Việt Bắc (Trung đoàn 256) bắn rơi 1 chiếc B52 chỉ bằng pháo cao xạ 100 mm. Đây là trận đánh then chốt, quyết định nhất, bắn rơi nhiều máy bay B.52 nhất trong 9 ngày chiến đấu. Chiến thắng này đã làm suy sụp hẳn tinh thần và ý chí của giới cầm quyền và giặc lái Mỹ.

Do bị tổn thất nặng nề trong 11 ngày liên tiếp, đến 29-12 máy bay B.52 của địch chỉ đánh một số địa phương vòng ngoài: Nhà máy điện Cao Ngạn, Đồng Hỷ và khu vực cây số 4 Bắc Thái Nguyên, khu gang thép Thái Nguyên, khu Trại Cau, Đồng Mỏ (Lạng Sơn), Kim Anh (Vĩnh Phúc), không dám tập trung lực lượng ở “tọa độ lửa” Hà Nội nữa. Về phía ta, các Tiểu đoàn 72, 78, 79 bố trí ở vòng ngoài tham gia đánh B.52, đã bắn rơi 2 máy bay. Đây là trận đánh kết thúc thắng lợi 12 ngày đêm bảo vệ thủ đô Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung cuối tháng 12-1972.

Trước sự thất bại lớn và liên tiếp trong 12 ngày đêm đánh phá miền Bắc, 7 giờ ngày 30-12, Tổng thống Mỹ Nixon buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận họp lại Hội nghị Paris về Việt Nam. Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về “chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.