Thứ Bảy, 12/12/2020, 09:07 (GMT+7)
.
XÃ TÂN ĐÔNG:

Anh hùng năm xưa, đi đầu hôm nay

Phát huy truyền thống cách mạng trong kháng chiến, sau giải phóng xã Tân Đông (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đã gặt hái được nhiều thành tích quan trọng. Nổi bật là tháng 10-2020 vừa qua, Tân Đông là xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

QUÁ KHỨ HÀO HÙNG

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Tân Đông là xã cửa ngõ, đóng vai trò quan trọng, chịu trách nhiệm “chốt chặn, cản trở” các cuộc hành quân càn quét của địch vào khu căn cứ cách mạng phía bắc của huyện. Do địa bàn đặc biệt quan trọng trong án ngữ và tạo thế kiểm soát toàn vùng, nên nơi đây được địch xây dựng và bố trí dày đặc các đồn bót; sân bay dã chiến, kho vũ khí, quân trang quân dụng quy mô lớn...

Dù vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân và lực lượng vũ trang xã vẫn kiên cường bám trụ, duy trì hoạt động của các lực lượng cán bộ nòng cốt, đẩy mạnh phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân và phong trào chiến tranh du kích trên địa bàn xã. Cùng thời điểm đó, các cơ quan, đơn vị cũng được xây dựng, bố trí hoạt động tại xã Tân Đông như Mặt trận Việt Minh và Cơ quan Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Gò Công, Đội Biệt động Gò Công, Ban Quân báo tỉnh Gò Công...

Lễ công bố Tân Đông đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.
Lễ công bố Tân Đông đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.

Trong kháng chiến chống Pháp, lực lượng du kích xã đã tổ chức nhiều trận đánh tạo tiếng vang lớn, gây cho địch rất nhiều thiệt hại như: Trận phục kích đánh tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch đi thu gom lúa gạo của dân từ Tân Niên Tây về. Tiếp đó là trận phục kích tiêu diệt gọn lực lượng Bảo an quân Gò Công hành quân từ trung tâm Gò Công xuống Tân Tây, Kiểng Phước, Vàm Láng của lực lượng du kích xã Tân Đông phối hợp Đại đội 913 (Tiểu đoàn 305) tại ấp Gò Lức, xã Tân Đông. Qua đó, đã góp phần xoay chuyển cục diện tình hình có lợi cho cách mạng và chiến trường Gò Công lúc bấy giờ.

Cánh đồng ấp Gò Lức, nơi diễn ra trận đánh ngày 9-9-1963.
Cánh đồng ấp Gò Lức, nơi diễn ra trận đánh ngày 9-9-1963.

Trong kháng chiến chống Mỹ, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Tân Đông đã tổ chức chiến đấu và phối hợp chiến đấu trên 230 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 700 tên địch, tiêu diệt trên 550 tên địch, thu 525 súng các loại; 26 máy truyền tin, hàng chục ngàn viên đạn cùng nhiều phương tiện chiến tranh khác; trực tiếp hỗ trợ các đơn vị bạn tiêu diệt 297 tên; bắn hỏng và bắn cháy 10 xe M.113, phá hủy 26 đồn bót địch, góp phần bẻ gãy ý đồ “dồn dân lập ấp” và kế hoạch bình định nông thôn của địch.

Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Tân Đông còn tổ chức và tham gia gần 100 cuộc biểu tình, đấu tranh chính trị với hơn 7.000 lượt người tham gia; vận động làm rã ngũ 85 binh sĩ, giao nộp 200 súng, hàng trăm tấn đạn dược các loại; bảo vệ an toàn cho 25 cơ sở cách mạng, 71 hầm nuôi chứa cán bộ...

Nhân dân và lực lượng vũ trang xã còn tham gia vận chuyển hơn 300 tấn vũ khí; đưa hơn 615 lượt thanh niên tham gia bộ đội và du kích địa phương, trên 400 lượt người tham gia dân công hỏa tuyến, góp trên 100 tấn lương thực, khoảng 500 chỉ vàng và nhiều tiền mặt, thực phẩm, thuốc men, vải… phục vụ cho cách mạng.

ĐỔI THAY HÔM NAY

Phát huy truyền thống cách mạng trong kháng chiến, sau giải phóng xã Tân Đông bắt tay ngay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế. Qua hơn 45 năm cần cù sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân xã Tân Đông đã gặt hái được nhiều thành tích quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.

Cụ thể, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng cao; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 10% - 15%/năm (từ 20 triệu đồng/người vào năm 2011 tăng lên 43,5 triệu đồng/người vào năm 2018), hộ nghèo giảm còn 2,7% (năm 2011 là 7,04%). Cơ sở vật chất trường lớp cho các cấp học được đầu tư khang trang; trong đó có 3 trường đạt chuẩn Quốc gia... Trạm y tế xã cũng đã đạt chuẩn Quốc gia đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân

Song song đó, xã chú trọng ứng dụng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nâng diện tích sản xuất và năng suất canh tác rau màu từ 4 tấn/ha/vụ lên 6 đến 8 tấn/ha/vụ; phát triển kinh tế vườn, với chủ yếu là cây sơ ri. Hiện nay, xã cũng thành lập Hợp tác xã Rau an toàn ấp Bờ Kinh, Hợp tác xã Sơ ri Gò Công Đông. Trên địa bàn xã hiện có 3 công ty, 9 doanh nghiệp, 280 cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ trên địa bàn, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Sau ngày miền Nam giải phóng, toàn xã có 25 mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 178 liệt sĩ, 26 thương binh, 6 bệnh binh, 14 cán bộ lão thành cách mạng, 226 gia đình được Nhà nước tặng danh hiệu gia đình có công với  cách mạng, 28 cán bộ tù đày ở Côn Đảo. Bên cạnh đó, xã còn có những người con đã trưởng thành và trở thành cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quân đội như: Đồng chí Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và nhiều đồng chí khác.

Bí thư Đảng ủy xã Đoàn Minh Hương cho biết, phát huy truyền thống anh hùng, Đảng bộ cùng chính quyền xã đã lãnh đạo và quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà cấp trên giao. Đặc biệt, xã thực hiện hoàn thành 18 chỉ tiêu xã nông thôn mới nâng cao. Trên đà phát triển đó, trong nhiệm kỳ này xã phấn đấu ra mắt nông thôn mới kiểu mẫu.

“Trong thời gian tới, Ban Chấp hành Đảng bộ xã quyết tâm phát triển kinh tế, văn hóa tạo cho xã ngày càng phát triển. Đặc biệt là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, từ đó góp phần cho Tân Đông giữ vững xã nông thôn mới nâng cao tiến tới xã nông thôn mới kiểu mẫu” - đồng chí Đoàn Minh Hương cho biết.

LÝ OANH

.
.
.