Thứ Tư, 21/07/2021, 15:28 (GMT+7)
.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Tiền Giang về phòng, chống dịch Covid-19

(ABO) Sáng 21-7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dẫn đầu Đoàn công tác Trung ương làm việc tại tỉnh Tiền Giang về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đi cùng Phó Thủ tướng có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn; lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương.

Đón tiếp Đoàn công tác có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh; một số sở, ngành tỉnh…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc.

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh, cho biết: Tính đến ngày 20-7, toàn tỉnh có 120 ổ dịch (trong đó có 2 ổ dịch mới: Thị trấn Vĩnh Bình (huyện Gò Công Tây), xã Tân Phú (huyện Tân Phú Đông), với tổng số 1.390 bệnh nhân, 4.276 F1. Trong đó, có 717 bệnh nhân được Bộ Y tế công bố mã số, các bệnh nhân còn lại đang chờ Bộ Y tế cấp mã số; điều trị khỏi 94 bệnh nhân; chuyển lên tuyến trên 1 bệnh nhân; đã tử vong 21 bệnh nhân.

Tiền Giang hiện có 4 khu công nghiệp (KCN), 5 cụm công nghiệp (CCN) với 110.000  lao động, trong đó có 1.500 lao động nước ngoài. Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã thực hiện phương án “3 tại chỗ” đối với 71 doanh nghiệp (DN), chiếm 38,17% tổng số DN trong khu, CCN. Có 60 DN ngoài khu, CCN, với 6.198 người lao động đã thực hiện phương án “3 tại chỗ”; đã xét nghiệm và cho kết quả âm tính 4.132 lao động tham gia phương án.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp do Tiền Giang là tỉnh có mật độ dân số đông, địa bàn khá rộng và đang thực hiện một số dự án lớn của Trung ương như: Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Dự án Điện gió Tân Phú Đông, Dự án Cầu Mỹ Thuận 2..., thu hút một lượng lớn cán bộ, công nhân kỹ thuật và hàng chục ngàn công nhân, lao động từ mọi miền đất nước đến lao động, công tác.

Đồng thời, tỉnh cũng có các khu, CCN lớn, số lượng công nhân và người lao động nhiều. Tỉnh cũng có nhiều người dân đến làm ăn, sinh sống, học tập, công tác tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ nên có sự tương tác, giao lưu, giao thương... với nhiều địa phương, nên khó kiểm soát tốt được các nguồn lây nhiễm. Việc quản lý công nhân và người từ địa phương khác vào địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, do di chuyển chủ yếu bằng phương tiện cá nhân, khó kiểm soát.

Thứ trưởng Bộ Công An Lê Quốc Hùng phát biểu tại buổi làm việc
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng phát biểu tại buổi làm việc.

Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, vấn đề tỉnh quan tâm nhất hiện nay là điều trị các ca bệnh nặng, hiện tỉnh đã đầu tư thêm một số trang thiết bị y tế, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Trong thời gian tới, các ca F0 sẽ tiếp tục gia tăng có khả năng dẫn đến các khu cách ly quá tải.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Bộ Y tế chi viện gấp cho Tiền Giang y, bác sĩ hồi sức và tăng cường trang thiết bị như máy thở cho tỉnh để điều trị các ca bệnh nặng, hạn chế thấp nhất ca tử vong.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, thời gian thực hiện Chỉ thị 16 là thời điểm vàng để tỉnh kiểm soát dịch. Vì vậy, tỉnh phải làm quyết liệt, kiểm soát nghiêm ngặt người dân từ vùng dịch về.

Bên cạnh các chốt cứng thì phải có các chốt chặn mềm, đề nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo ngay cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập các chốt mềm, quản lý, kiểm soát chặt chẽ người đến từ vùng khác. Bên cạnh đó, phải giám sát tốt các khu, CCN, hằng ngày phải kiểm tra mức độ an toàn ở các DN.

Một số nơi đông người như chợ là nơi dễ lây lan nguồn bệnh, phải có biện pháp chặt chẽ, có hàng rào ngăn cách giữa người mua và người bán. Năng lực xét nghiệm phải tập trung, làm test nhanh các khu cách ly để bóc các F0 ra càng nhanh càng tốt.

Bộ Y tế đã có hướng dẫn, nếu đảm bảo điều kiện cho F1 cách ly tại nhà, tỉnh Tiền Giang có thể áp dụng để giảm tải các khu cách ly tập trung. Bộ Y tế ghi nhận và sẽ sắp xếp, bố trí trang thiết bị và nhân lực bác sĩ hồi sức cho tỉnh. Trước mắt, tỉnh phải tổ chức tập huấn cho lực lượng ngành Y tế tỉnh sử dụng máy thở để đảm bảo công tác điều trị tại các bệnh viện dã chiến...

Thứ trưởng Bộ Giao Thông Vận tải Lê Đình Thọ phát biểu tại buổi làm việc
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ phát biểu tại buổi làm việc.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng biểu dương tỉnh Tiền Giang đã khởi tố những vụ án ý thức kém gây lây lan dịch bệnh vừa qua. Tỉnh cơ bản thực hiện tốt công tác truy vết, tình hình dịch Covid-19 còn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, tỉnh làm chưa đồng bộ, những ngày tới số F0 sẽ còn tăng lên, cần tăng cường phối hợp rất chặt chẽ, tập trung mọi lực lượng để truy vết.

Thứ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo thành lập ngay Đội truy vết nhanh của tỉnh, để truy vết ngay các F. Công an Tiền Giang tập trung rà soát, điều tra những thông tin sai sự thật, nhất là trên mạng xã hội, xử lý nghiêm, tránh ảnh hưởng đến công tác chống dịch của tỉnh.

Đối với các KCN, CCN, Tiền Giang có hơn 100.000 công nhân cho nên nguy cơ rất lớn. Vì vậy, tỉnh nên học tập Bắc Giang, tổ chức làm việc với các DN và thống nhất phương án xử lý để tránh tình trạng mất kiểm soát, hỗn loạn khi có xảy ra F0.

Lực lượng Công an là tuyến đầu có nhiệm vụ quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19, vì vậy phải tăng cường các biện pháp phòng vệ, phải có khu cách ly tập trung riêng cho lực lượng Công an, áp dụng các khuyến cáo của Bộ Y tế; các ngành quan trọng như Y tế, Công an phải xây dựng phương án cách ly F1 tại đơn vị để đảm bảo bộ máy vẫn hoạt động.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh, báo cáo tại buổi làm việc
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh báo cáo tại buổi làm việc.

Đối với vấn đề giao thông, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho rằng, do Tiền Giang là cửa ngõ đi các tỉnh, đa số các ca nhiễm bệnh từ địa phương khác đến. Vì vậy, tỉnh phải siết chặt kiểm soát các phương tiện giao thông, giao thương. Các chủ DN, người điều khiển phương tiện khi đến địa bàn Tiền Giang bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính.

Thực tế cho thấy, tỷ lệ dương tính trong tài xế đường dài là rất lớn, cho nên ngành Công an tỉnh phải tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ban hành Bộ phù hiệu của tỉnh để dán lên xe tài xế khi đến địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng tình với những giải pháp của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng và đề nghị tỉnh Tiền Giang nhanh chóng tiếp thu và triển khai thực hiện. Đồng thời, cho rằng những ngày qua Tiền Giang ghi nhận số ca mắc ngày càng tăng, vì vậy việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 rất quan trọng, để ngăn chặn chuỗi lây nhiễm cũng như nhanh chóng bóc F0 ra khỏi cộng đồng.

Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh chỉ đạo nghiêm việc đi từng ngõ, gõ từng nhà, phải nắm chắc người từ địa phương khác đến tỉnh; phải xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên nếu để gia đình xảy ra dịch bệnh hay làm lây lan nguồn bệnh. Chủ trương chung là hạn chế tối thiểu ca nhiễm, nếu đã nhiễm rồi thì phải tập trung kiểm soát để tránh lây lan; tăng cường xét nghiệm mẫu gộp theo từng khu vực có nguy cơ cao.

Về đề xuất của tỉnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Y tế căn cứ trên nhu cầu, đề nghị của tỉnh để điều phối nhân lực, vật lực hỗ trợ kịp thời, nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

THU HOÀI

.
.
.