Thứ Tư, 25/08/2021, 09:05 (GMT+7)
.
KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP (25-8-1911 - 25-8-2021):

"Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó"

Một thầy giáo lịch sử với tình yêu nước thủy chung và sắt son, một vị tướng với sự nghiệp giải phóng dân tộc chấn động thế giới, một con người với nếp sống giản dị, chuẩn mực, chất nhân văn xuyên suốt một thế kỷ chiến tranh và hòa bình. Cái tên “Võ Nguyên Giáp” đã vượt qua giới hạn thời gian, ở lại mãi trong trái tim Việt Nam. Và những giá trị ấy sẽ mãi vững bền cùng mỗi bước đi của dân tộc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp có tên khai sinh Võ Giáp, bí danh là Văn, sinh ngày 25-8-1911 ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, trong một gia đình nhà nho nghèo, giàu lòng yêu nước. Võ Nguyên Giáp là vị tướng huyền thoại trong lòng người dân Việt Nam.

NGƯỜI HỌC TRÒ XUẤT SẮC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là những người con anh hùng của dân tộc Việt Nam. Lịch sử nước nhà mãi lưu danh 2 nhân vật vĩ đại: Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất và Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng huyền thoại, thiên tài quân sự, Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lịch sử đã đưa 2 con người xuất chúng ấy đến gần với nhau, trở thành 2 thầy trò, 2 người đồng chí, 2 người tri kỷ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Lễ duyệt binh trên Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2-9-1975.                      Ảnh: TTXVN
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Lễ duyệt binh trên Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2-9-1975. Ảnh: TTXVN

Tháng 6-1940, lần đầu tiên Đại tướng Võ Nguyên Giáp được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trên một con thuyền ở Thúy Hồ, Côn Minh, Trung Quốc. Kể từ đó, Đại tướng luôn có vinh dự được sống và chiến đấu bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Người dìu dắt. Đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thường trực trong trái tim, là người có ảnh hưởng to lớn trong cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng. Những thành công trong cuộc đời cầm binh đưa Võ Nguyên Giáp đến vị thế của một tướng lĩnh huyền thoại có dấu ấn sâu đậm của người Thầy vĩ đại Hồ Chí Minh.

Đại tướng từng bộc bạch: “Tôi được biết và ngưỡng mộ Người từ lúc mới giác ngộ cách mạng - từ lúc tôi 13 - 14 tuổi. Lúc đầu, được xem ảnh Bác, được đọc tác phẩm của Người; về sau tham gia các tổ chức cách mạng, lại được tiếp xúc với nhiều bài viết của Người. Lòng hâm mộ đối với Bác trong trái tim tôi lúc bấy giờ thật là không bờ bến. Và tôi hằng mơ ước có ngày được gặp nhà lãnh đạo nổi tiếng của cách mạng nước ta. Thế rồi, lần đầu tiên được gặp Bác, ấn tượng sâu sắc để lại trong tâm trí tôi là con người Bác sao mà giản dị thế. Bác gọi tôi là đồng chí, tôi gọi Bác là anh… Bác là một con người giản dị và vĩ đại, càng giản dị lại càng vĩ đại. Về sau, được sống và làm việc gần Bác, ấn tượng của buổi gặp mặt ban đầu ấy càng thêm sâu sắc, càng được khẳng định”.

Trong sự nghiệp, Tướng Giáp không bao giờ quên lời dạy sâu sắc của Bác: “Tình hình phức tạp phải nhớ: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Mục tiêu độc lập dân tộc, chủ quyền đất nước là bất biến, cần nắm vững, đó là nguyên tắc, đó là chiến lược. Trên cơ sở nguyên tắc ấy, sự bất biến ấy mà vận dụng sách lược, tùy tình hình cụ thể mà ứng phó. Suốt đời, tôi nhớ lời dặn của Bác, mỗi lần gặp khó khăn lại nhớ đến lời dặn ấy”.

Trong ký ức của Tướng Giáp: “Vào tháng chạp năm 1944… trong hang đá lạnh lẽo, cùng nằm trên giường làm bằng cây rừng ghép lại, ánh lửa bập bùng, trò chuyện đã rất khuya, bỗng Bác nói: Làm cách mạng là phải “Dĩ công vi thượng”. Câu nói ngắn gọn ấy, tôi nhớ mãi đến bây giờ. Việc dân, việc Đảng đặt lên trên hết, không nghĩ đến cá nhân. Điều tâm đắc đó đã trở thành máu thịt trong tôi”.  Và cả cuộc đời của Đại tướng lấy câu nói “Dĩ công vi thượng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho mọi hành động. Đại tướng khẳng định “Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở các cán bộ lãnh đạo của Đảng ta là “dùng người như dùng gỗ” và “cán bộ là cái gốc của mọi việc”. Đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bác luôn thể hiện sự vững tin ở phẩm chất, bản lĩnh và tài năng của người học trò xuất sắc của mình.

NGƯỜI ANH CẢ CỦA QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng và trở thành vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đảm nhiệm trọng trách lớn lao khi tuổi đời còn khá trẻ (37 tuổi); song với sự học tập, rèn luyện, phấn đấu không ngừng nghỉ, Đại tướng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam. Với 30 năm là Tổng Tư lệnh Quân đội, Bí thư Quân ủy Trung ương, Đại tướng luôn tỏ rõ là nhà quân sự xuất chúng, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; được cán bộ, chiến sĩ Quân đội yêu mến, kính trọng, suy tôn là “Người anh Cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong lần trả lời phóng viên báo chí nước ngoài, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Quân đội nhân dân Việt Nam ở cả miền Bắc và miền Nam, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói là một quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng, có tinh thần quyết chiến rất cao, thông minh và sáng tạo. Còn vị tướng dù có công lao lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ. Các ngài gọi tôi là vị tướng thần thoại, nhưng tôi nghĩ tôi bình đẳng với những người lính của mình”…

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng có công lao, đóng góp to lớn trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam hùng mạnh, chính quy, tinh nhuệ, ngày càng hiện đại. Từ Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên chỉ với 34 chiến sĩ và vài chục khẩu súng trường, súng kíp thô sơ, rồi từng bước lớn lên thành những trung đoàn, đại đoàn thiện chiến, kiên cường chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược.

Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là minh chứng sinh động về sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội ta dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng, Bác Hồ kính yêu và sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lần đầu tiên trên thế giới, quân đội của một nước thuộc địa nhỏ ở châu Á đã đánh bại quân đội của một cường quốc châu Âu.

Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục giữ cương vị là người đứng đầu Quân đội, cùng với Bộ Chính trị hoạch định những quyết sách chiến lược. Đại tướng là người sớm có kiến nghị và có nhiều công lao trong việc khẩn trương xây dựng Quân đội nhân dân tiến lên chính quy, hiện đại, xây dựng các Quân chủng Phòng không - Không quân, Hải quân, Binh chủng Đặc công, xây dựng đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trên bộ và đường Hồ Chí Minh trên biển chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam và tiến thẳng đến dinh lũy của kẻ địch vào ngày toàn thắng.

Đặc biệt, gần cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề xuất ra việc khẩn trương thành lập các quân đoàn chủ lực (Quân đoàn 1, 2, 3 và 4) để nhân sức mạnh tổng hợp của các sư đoàn, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, thực hiện những trận đánh tiêu diệt lớn. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã chứng minh đề xuất trên của vị Tổng Tư lệnh là sáng tạo và chính xác, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn chiến trường, đáp ứng nhạy bén yêu cầu của sự phát triển Quân đội và quy luật phát triển của chiến tranh vào thời điểm đó.

Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta và Quân đội ta. Ở Đại tướng luôn sáng ngời những phẩm chất nhân cách của nhà văn hóa lớn, một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; đặc biệt là 6 đức tính cần phải có của các vị tướng do Bác Hồ chỉ ra “Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung” luôn được Đại tướng Võ Nguyên Giáp thực hiện đầy đủ, trọn vẹn.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.