Thứ Năm, 20/01/2022, 10:00 (GMT+7)
.

Tự hào thủ lĩnh Đoàn Thanh niên Lê Quang Thành

“Điều gì đã làm nên một con người với nhân cách thật đáng kính trọng như ông? Tôi tự hỏi và đi tìm câu trả lời khi đọc lại từng trang hồi ký của ông. Rồi tôi cảm nhận một con người đáng được kính trọng không phải là người giàu nhất, nắm giữ những chức vụ quan trọng nhất, mà là một con người có nhân cách cao đẹp, với tấm lòng trong sáng, trung thực, không ngừng kiên trì, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức. Ông may mắn được hưởng một nền giáo dục gia đình với truyền thống trọng nhân nghĩa, với cốt cách, nghĩa khí Nam bộ: Ghét xu nịnh, xem trọng sự trung thực, nhân ái với đồng bào, đồng chí; cần cù lao động; đã dấn thân vào con đường cách mạng là hết mình…”. Đó là những lời tâm huyết của Nhà văn Trầm Hương dành cho đồng chí Lê Quang Thành, nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Việt Nam, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI, Bí thư Đặc khu Khu ủy Vũng Tàu - Côn Đảo.

Cựu học sinh Lê Quang Thành (đứng giữa) về tham dự Lễ kỷ niệm 140 năm Ngày thành lập Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu 17-3-1879 - 17-3-2019. Ảnh: DUY NHỰT
Cựu học sinh Lê Quang Thành (đứng giữa) về tham dự Lễ kỷ niệm 140 năm Ngày thành lập Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu 17-3-1879 - 17-3-2019. Ảnh: DUY NHỰT

Đồng chí Lê Quang Thành tên thật Đoàn Văn Tý, bí danh Đoàn Hồng Đoàn, sinh năm 1924, tại làng Trung Lương, tổng Thuận Trị, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc ấp 3, xã Trung An, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), trong một gia đình công nhân.

SỚM TRỞ THÀNH THỦ LĨNH ĐOÀN THANH NIÊN

Từ năm 1938 - 1942, đồng chí là học sinh Trường Collège de My Tho, thi đỗ Bằng Thành chung. Tháng 5-1945, hoạt động trong phong trào Thanh niên Tiền Phong của xã. Ngày 19-8-1946 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó được cử làm Bí thư Chi bộ, Thư ký Mặt trận Việt Minh và Bí thư Đoàn Thanh niên Cứu quốc xã Trung An. Tháng 10-1947, làm Tỉnh đoàn trưởng Đoàn Thanh niên Cứu quốc tỉnh Mỹ Tho. Tháng 1-1949 là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Mỹ Tho.

Tháng 1-1950, làm Bí thư, Thường trực Xứ Đoàn Thanh niên Cứu quốc Nam bộ. Tháng 5-1951, là cán bộ nội thành Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Tháng 6-1952, bị địch bắt. Tháng 9-1954, được trao trả tại miền Bắc.

Thời gian này, đồng chí viết một loạt bài về thực trạng thanh, thiếu niên miền Nam Việt Nam từ sau Đồng Khởi với bút danh Đoàn Hồng Đoàn, được Đài Tiếng nói Việt Nam phát nhiều lần và được người nghe đài khắp nơi trong nước tán thưởng.

Qua đó, Báo Tiền Phong đã mời tác giả Đoàn Hồng Đoàn làm cộng tác viên thường trực cho chuyên mục Thanh niên miền Nam, phản ánh các hoạt động, phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh miền Nam.

Do cái tên Đoàn Hồng Đoàn đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đã gây sự chú ý các cơ quan chức năng của chính quyền Sài Gòn, nên khi về Nam và được đưa vào Khu ủy miền Đông, đồng chí đã đổi tên Lê Quang Thành và được các đồng chí gọi thân mật là Tư Thành.

Tháng 7-1956, đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam. Tháng 1-1959, là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ, Bí thư Tỉnh đoàn Thanh niên Lao động, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Phú Thọ. Tháng 3-1961, là Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam.

Tháng 8-1961, được cử đi học Trường Đảng Cao cấp tại Liên Xô. Tháng 1-1965, là Bí thư Thanh vận Trung ương Cục, Bí thư Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Việt Nam. Tháng 4-1972, là Khu ủy viên Khu 8.

Tháng 5-1975, là Ủy viên Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai. Tháng 7-1979, là Bí thư Đặc khu ủy Vũng Tàu - Côn Đảo. Tháng 12-1986, là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Đặc Khu ủy Vũng Tàu - Côn Đảo. Đến  tháng 7 - 1992, đồng chí nghỉ hưu.

 “MỘT ĐỜI NGHĨA NẶNG TÌNH SÂU”

Đồng chí rất cảm động khi gặp lại người vợ yêu thương sau hơn 10 năm dài xa cách. Giây phút được gặp vợ con, ông xúc động nghẹn ngào: “Từ thuở ban đầu ra đi kháng chiến, giữa vợ chồng tôi có một sự đồng lòng tuyệt đối: Đã đi làm cách mạng thì phải đi đến cũng, phải tạm sống xa nhau, khi nào cách mạng thành công mới cùng nhau sum họp trở lại…

Từ đó, chúng tôi đã sống cùng tập thể, làm việc trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, cực kỳ gian khổ: Những cơn sốt rét kinh khủng, những trận bom B52, đạn, pháo bầy và những trận rải chất độc diệt cây cối, diệt môi trường sống do địch dội ào ạt xuống chiến khu...

Thế nhưng, như người đời thường nói: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, cuối cùng mọi khó khăn, nguy hiểm chúng tôi đều vượt qua, cho đến ngày 30-4-1975 cùng toàn quân chiến đấu trở về với tư thế những người chiến thắng…”.

Cuốn tự truyện Một đời nghĩa nặng tình sâu được đồng chí bắt đầu viết khi đã bước sang tuổi 93, với sự hỗ trợ của Nhà văn Trầm Hương.

Chia sẻ với đồng đội, đồng chí, bạn bè thân hữu cùng các cán bộ, đoàn viên và độc giả nhân buổi ra mắt cuốn tự truyện này, đồng chí Lê Quang Thành chia sẻ:  “Tôi viết cuốn sách này là để nhắc nhớ và tri ân những người đã giúp đỡ, đùm bọc tôi. Đặc biệt, tôi tri ân công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ từ lúc còn niên thiếu cho đến khi tham gia cách mạng. Ngoài ra, còn là dịp nhắc nhớ, tri ân những đồng chí, đồng đội và đồng bào ở những nơi tôi từng hoạt động cách mạng đã hết lòng giúp đỡ, cưu mang tôi. Tôi tâm nguyện, còn sống ngày nào thì sẽ cố gắng làm việc gì đó bằng chính bàn tay, khối óc của mình để đền đáp công ơn cao dày của cuộc đời này đối với tôi. Do đó, tên cuốn sách có ý nghĩa như vậy…”.

Đảm nhiệm nhiều chức trách quan trọng của tổ chức Đoàn, nên đồng chí rất quý trọng và biết ơn tổ chức Đoàn, đã nhắn gửi: “Thế hệ cán bộ, đoàn viên, thanh niên hiện nay hãy tìm hiểu công lao, sự nghiệp của các thế hệ tiền bối trong thời kỳ kháng chiến để dựng xây nền hòa bình, thống nhất cho dân tộc, cho đất nước.

Cho nên thế hệ trẻ phải sống sao cho xứng đáng để đền ơn đáp nghĩa những công lao cao dày đó. Thế hệ thanh niên hôm nay hãy tiếp tục góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh, hiện đại; ra sức tu dưỡng đạo đức, rèn luyện tác phong, học tập xuyên suốt để trở thành những người có đức, có tài và sẵn sàng nhận lãnh những nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang mà Đảng, đất nước giao phó…”.

Là người em gần gũi, thân thiết với đồng chí Lê Quang Thành, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bày tỏ sự trân trọng to lớn đối với con người và sự nghiệp của “anh Tư” Lê Quang Thành: “Thế hệ đi sau sẽ học tập đồng chí Lê Quang Thành ở tinh thần cách mạng triệt để, ý chí cách mạng kiên cường trong khó khăn, gian khổ, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc. Anh Tư còn là tấm gương về phẩm chất đạo đức, sự khiêm tốn, gần gũi với mọi người, luôn giữ được tình cảm quý trọng với anh em, bạn bè, đồng chí…

HỒNG LÊ (tổng hợp)
 

.
.
.