Thứ Hai, 28/03/2022, 09:24 (GMT+7)
.
KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ LÊ VĂN LƯƠNG (28-3-1912 – 28-3-2022)

Học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đồng chí Lê Văn Lương tên thật Nguyễn Công Miều, sinh ngày 28-3-1912, trong một gia đình nhà Nho tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí luôn thể hiện là một người cộng sản chân chính, vì nước, vì dân, vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Trải qua nhiều trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, trên cương vị nào đồng chí cũng luôn nêu gương sáng về lòng tận tụy, trung thành, cần, kiệm, liêm, chính, luôn đặt lợi ích của cách mạng lên trước hết và trên hết; là nhà lãnh đạo có nhân cách cao đẹp, trong sáng, sống có tình, có nghĩa với đồng chí, đồng bào, là người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Với gần 70 năm hoạt động và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, đồng chí Lê Văn Lương được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều Huân chương, Huy chương cao quý khác. Đồng chí từ trần ngày 25-4-1995 tại Bệnh viện Quân y 108 Hà Nội, thọ 83 tuổi.

NHÀ LÃNH ĐẠO TIỀN BỐI TIÊU BIỂU

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình dòng dõi khoa bảng yêu nước ở miền đất văn hiến Hưng Yên, khi mới 15 tuổi (năm 1927) đồng chí đã được các hội viên của tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên Trường Bưởi tuyên truyền, giác ngộ và kết nạp. Tháng 6-1929, đồng chí gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng, sau đó trở thành đảng viên lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đồng chí Lê Văn Lương (thứ 2 từ phải sang) đến thăm một đơn vị pháo cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa năm 1968. Ảnh tư liệu của TTXVN
Đồng chí Lê Văn Lương (thứ 2 từ phải sang) đến thăm một đơn vị pháo cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa năm 1968. Ảnh tư liệu của TTXVN

Tháng 3-1931, đồng chí bị thực dân Pháp bắt khi đang trực tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh của hơn 400 công nhân Hãng dầu Socony và bị giam tại Khám lớn Sài Gòn. Năm 1933, đồng chí bị tòa án thực dân kết án tử hình. Do nhân dân Pháp đấu tranh đòi bỏ án tử hình và trả tự do cho tù chính trị ở Đông Dương, đồng chí Lê Văn Lương được giảm xuống án chung thân và bị đày ra Côn Đảo.

Ở chốn “địa ngục trần gian”, đồng chí đã thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất trước kẻ thù, biến nhà tù đế quốc thành “trường học cách mạng”. Đồng chí Lê Văn Lương cùng các đồng chí Phạm Hùng, Tôn Đức Thắng, Ngô Gia Tự… là những hạt nhân trong lãnh đạo phong trào đấu tranh của tù nhân. Với vai trò cây bút chủ lực trong “Chi bộ đặc biệt”, đồng chí Lê Văn Lương đã viết bài cho tờ Tiến Lên và Ý Kiến Chung định hướng tư tưởng cho các chiến sĩ cách mạng trong tù.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí Lê Văn Lương cùng nhiều đồng chí từ Côn Đảo trở về đất liền bắt tay ngay vào công việc của Đảng đang hết sức bộn bề. Tháng 1-1946, đồng chí được điều ra Bắc giúp Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ đạo Báo Sự Thật và Nhà Xuất bản Sự Thật.

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, cơ quan Trung ương và Chính phủ chuyển lên căn cứ Việt Bắc, đồng chí Lê Văn Lương được giao nhiều nhiệm vụ: Bí thư Văn phòng Thường vụ Trung ương, Giám đốc Trường Đảng Trung ương Nguyễn Ái Quốc và Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Hòa bình lập lại, đồng chí được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa; sau đó, được phân công làm Bí thư Khu ủy Tả ngạn, rồi trở lại làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng. Đất nước thống nhất, đồng chí được phân công làm Bí thư Thành ủy Hà Nội cho đến khi về hưu năm 1986.

Trong quyển sách Lê Văn Lương - Trọn đời vì sự nghiệp của Đảng của Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự Thật, viết về đồng chí Lê Văn Lương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết những dòng khái quát, cô đọng và chân tình: “Nói đến đồng chí Lê Văn Lương, tôi nghĩ, ngoài vấn đề công tác của anh trên nhiều trọng trách mà Đảng đã giao phó, cần nhấn mạnh đến con người Lê Văn Lương, đến đạo đức cách mạng, chí công vô tư, không hề có chút cá nhân chủ nghĩa; đến lối sống khiêm tốn, trong sáng, giản dị, một lòng vì nước, vì dân, vì Đảng; phấn đấu sống và làm việc như một người cộng sản mẫu mực…”.

CÓ NHIỀU CỐNG HIẾN QUAN TRỌNG TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG

Đồng chí Lê Văn Lương đã từng nhiều năm được Đảng phân công phụ trách công tác tổ chức của Trung ương Đảng, đã có nhiều cống hiến quan trọng trong công tác xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo cách mạng trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta.

Ngày 26-3-2022, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Hưng Yên tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ: “Đồng chí Lê Văn Lương, người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam” nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương. Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: Đồng chí Lê Văn Lương đã có những cống hiến to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta tấm gương mẫu mực của người cộng sản chân chính. Đồng chí là tấm gương sáng về lòng yêu nước, thương dân, suốt đời phấn đấu hy sinh phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Năm 1948, khi được bầu bổ sung làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được chỉ định làm Chánh Văn phòng Trung ương, đồng chí làm việc bên cạnh Bác Hồ và các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng giúp Tổng Bí thư Trường Chinh giải quyết các công việc hằng ngày của Đảng. Khi các Ban Đảng lần lượt ra đời: Đảng vụ (Tổ chức), Kiểm tra, Dân vận, Tài chính, với cương vị Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, đồng chí đã trực tiếp tổ chức xây dựng Văn phòng Trung ương thật sự trở thành cơ quan tham mưu đắc lực của Đảng.

Trên cương vị Giám đốc Trường Đảng Trung ương Nguyễn Ái Quốc, đồng chí  đã góp phần giúp Trung ương Đảng tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc lần thứ Nhất về công tác huấn luyện và học tập. Bám sát nhiệm vụ chính trị, đường lối cách mạng Việt Nam, quán triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí luôn coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Khi đảm nhiệm vai trò Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, đồng chí đã có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp xây dựng Đảng ta ngày càng lớn mạnh.

LÀM ỦY VIÊN DỰ KHUYẾT XỨ ỦY NAM BỘ

Tuy thời gian đồng chí Lê Văn Lương hoạt động tại Nam bộ không nhiều, nhưng đã có những cống hiến quan trọng đối với phong trào cách mạng của nhân dân Nam bộ. 11 năm bị giam cầm ở Côn Đảo, đồng chí Lê Văn Lương không chỉ liên tục tham gia trong chi ủy nhà tù, mà còn đóng góp trí tuệ quý báu cho việc xây dựng, củng cố tổ chức Đảng và giữ vững ngọn lửa đấu tranh nơi gông xiềng tàn bạo nhất của đế quốc Pháp ở Đông Dương.

Sau khi về đến Nam bộ, đồng chí tham gia ngay vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Nam bộ. Ngày 15-10-1945, đồng chí tham gia Hội nghị cán bộ toàn Xứ, họp tại Cầu Vĩ, Mỹ Tho (nay thuộc TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) bàn việc thống nhất Đảng và thống nhất Việt Minh, nhằm củng cố Đảng vững mạnh để lãnh đạo phong trào kháng chiến.

Tại Hội nghị, đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam bộ. Ngày 25-10-1945, đồng chí  tham gia Hội nghị cán bộ Xứ ủy Nam bộ, họp tại Thiên Hộ, Cái Bè, Mỹ Tho để thảo luận kế hoạch và biện pháp tổ chức lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam bộ. Những vấn đề được thảo luận và quyết định tại hội nghị ở Thiên Hộ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với phong trào kháng chiến của nhân dân Nam bộ: Lực lượng lãnh đạo được tăng cường, củng cố không chỉ về mặt tổ chức; mà quan trọng hơn, hội nghị đã tạo ra sự thống nhất về tư tưởng, về phương hướng chỉ đạo kháng chiến.

Thành công đó có phần đóng góp quan trọng của các chiến sĩ cộng sản từ Côn Đảo trở về, trong đó có đồng chí Lê Văn Lương. Trong khi đang cùng Xứ ủy Nam bộ tổ chức triển khai nghị quyết Xứ ủy, tháng 1-1946, đồng chí Lê Văn Lương được Trung ương điều động ra công tác tại căn cứ địa Việt Bắc.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.