Thứ Hai, 21/03/2022, 09:02 (GMT+7)
.
KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ TÔ HIỆU (1912 - 2022)

"Tinh thần Tô Hiệu" sống mãi!

Cách đây 78 năm, trái tim người cộng sản trẻ tuổi Tô Hiệu (sinh năm 1912, tại thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) ngừng đập tại Nhà tù Sơn La. Với 32 tuổi đời, 18 năm hoạt động cách mạng bền bỉ, liên tục, trong đó một nửa thời gian hoạt động trong những hoàn cảnh rất đặc biệt, đồng chí Tô Hiệu đã tạo nên “tinh thần Tô Hiệu” sống mãi trong các thế hệ nối tiếp.

ĐỐI TƯỢNG “NGUY HIỂM”

Những năm 1925 - 1926, đồng chí theo học Trường Pháp - Việt tại TX. Hải Dương, tham gia phong trào đòi ân xá cụ Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Chu Trinh… nên bị đánh trượt trong kỳ thi tốt nghiệp ra trường. Năm 1927, đồng chí lên Hà Nội vừa học vừa kiếm tiền nuôi thân, vừa tham gia hoạt động yêu nước trong phong trào học sinh; sau đó được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1930, đồng chí bị chính quyền thực dân Pháp bắt, kết án 4 năm tù giam, đày đi Côn Đảo. Ra tù, đồng chí  bị bọn mật thám Pháp xếp vào loại “nguy hiểm”, bị quản thúc tại quê nhà.

Quang cảnh buổi Tọa đàm “Tô Hiệu - Người cộng sản kiên trung” vừa được Tỉnh ủy Sơn La tổ chức nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí.
Quang cảnh buổi Tọa đàm “Tô Hiệu - Người cộng sản kiên trung” vừa được Tỉnh ủy Sơn La tổ chức nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí.

Trong những năm tháng sống ở quê, đồng chí tìm mọi cách liên lạc với Đảng. Năm 1935, đồng chí được điều lên Thái Nguyên để xây dựng cơ sở cách mạng; sau đó chuyển về Hà Nội làm Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ, phụ trách tuyên huấn, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng ở Hà Nội, đưa phong trào đấu tranh của công nhân vùng mỏ phát triển mạnh.

Mùa thu năm 1938, đồng chí được Trung ương Đảng phân công phụ trách miền duyên hải Bắc kỳ, trực tiếp làm Bí thư Ban Cán sự đảng Hải Phòng. Các cuộc đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, đòi cải thiện đời sống của công nhân các nhà máy xi măng, máy điện, máy tơ, máy nước do đồng chí trực tiếp chỉ đạo được đẩy lên mạnh mẽ, điển hình là cuộc đấu tranh của 3.000 công nhân nhà máy tơ từ ngày 16 đến 22-4-1939; cuộc đấu tranh chống thuế đèn, thuế nước ngày 30-5-1939…

Trong cuốn sách “Tinh thần Tô Hiệu”, Ðại tướng Văn Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng viết: “…Chính sách khủng bố cực kỳ dã man của kẻ thù đế quốc chẳng những không đè bẹp được ý chí cách mạng của đồng chí Tô Hiệu, mà trái lại trở nên một thứ lửa thử vàng, hun đúc trở thành gang thép… Đồng chí là người thầy, người anh được mọi người tin yêu, cảm phục!”.

Cảnh sát Pháp đã bắt bớ, đàn áp dã man những người tham gia đấu tranh và truy lùng đồng chí, nhưng nhờ sự bảo vệ của anh em công nhân nên đồng chí trốn thoát. Thời gian này, đồng chí bị bệnh lao phổi nặng, sức khỏe giảm sút. Xứ ủy yêu cầu đồng chí nghỉ để chữa bệnh, nhưng đồng chí thiết tha xin tiếp tục công tác.

Đồng chí đã chỉ đạo Báo “Chiến đấu” bí mật lưu hành ở Hải Phòng, số đầu tiên ra ngày 7-11-1939 - số đặc biệt kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga. Ngày 1-12-1939, đồng chí bị địch bắt trên đường đi in tài liệu ở Hải Phòng, bị tra tấn rất dã man, vẫn luôn tỏ rõ khí phách hiên ngang của người cộng sản. Chính quyền thực dân đưa đồng chí ra xét xử ở tòa án Kiến An, kết án 5 năm tù. Năm 1940, đồng chí bị đày lên Sơn La.

Tại đây, đồng chí được bầu làm Bí thư Chi bộ Nhà tù Sơn La, đã lãnh đạo anh em kiên trì đấu tranh đòi cải thiện chế độ nhà tù, cùng một số đồng chí viết tài liệu, mở lớp chính trị, văn hóa giảng dạy cho bạn tù, “biến nhà tù thành trường học” đào tạo cán bộ cách mạng và tìm cách liên lạc với tổ chức Đảng ở bên ngoài.

Do cuộc sống khắc nghiệt của nhà tù và sự tra tấn tàn bạo của địch, sức khỏe đồng chí ngày một giảm sút nhưng vẫn luôn lạc quan, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng. Ngày 7-3-1944, trái tim người chiến sĩ cộng sản Tô Hiệu ngừng đập tại Nhà tù Sơn La.

Đánh giá về đồng chí Tô Hiệu, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã viết: “Cuộc đời đồng chí tuy ngắn ngủi, nhưng những cống hiến của đồng chí cho dân tộc và cho cách mạng thật là to lớn!..”.

“TINH THẦN TÔ HIỆU” LÀ TÀI SẢN VÔ GIÁ

Đồng chí Tô Hiệu đã để lại bài học to lớn về truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng vẻ vang. Trong chốn lao tù đế quốc với vô vàn thiếu thốn, gian khổ về vật chất, sự hành hạ về tinh thần và bệnh tật, đồng chí vẫn luôn động viên đồng chí, đồng đội của mình tin tưởng vào tương lai của cách mạng. Biết chắc chắn mình sẽ hy sinh vì bệnh lao phổi đã ở giai đoạn cuối, đồng chí càng hăng say viết tài liệu, viết báo tuyên truyền và lãnh đạo Chi bộ Nhà tù Sơn La.

Một số hình ảnh, tư liệu về quê hương, gia đình và dòng họ đồng chí Tô Hiệu được trưng bày ngay cạnh cây đào Tô Hiệu tại Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La nhân dịp kỷ niệm 110 năm  ngày sinh của đồng chí.
Một số hình ảnh, tư liệu về quê hương, gia đình và dòng họ đồng chí Tô Hiệu được trưng bày ngay cạnh cây đào Tô Hiệu tại Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí.

Đồng chí tâm sự: “Biết chắc chắn rằng mình sẽ chết sớm hơn người khác, vì vậy phải tranh thủ thời gian để chiến đấu, phục vụ cho Đảng” và “mình chỉ e chết sớm không làm hết những điều dự định”. Trước khi đi xa, đồng chí đã dặn các đồng chí của mình: “Ánh sáng ngày mai đã ló ở phía chân trời, hãy chuẩn bị đương đầu với những thử thách lớn nhất…”.

Cây đào do đồng chí Tô Hiệu trồng tại Nhà tù Sơn La đã trở thành biểu tượng không chỉ cho tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường của các chiến sĩ cộng sản tại nhà tù này. Hình tượng Tô Hiệu và cây đào Tô Hiệu đã trở thành hình tượng văn học, nghệ thuật quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và thế giới. Lịch sử ghi nhận những cống hiến to lớn của đồng chí Tô Hiệu.

Và một điều hiếm có, rất đặc biệt là còn mãi lưu truyền trong các thế hệ cách mạng tên gọi biểu tượng của đồng chí: “Tinh thần Tô Hiệu” là tài sản vô giá, sống mãi! - nguồn động lực cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cộng sản, góp phần đưa sự nghiệp cách mạng thành công.

Đến thăm nhà tù Sơn La, cây đào do đồng chí trồng vẫn luôn xanh tươi đầy sức sống; và nhiều đường phố, trường học, nông trường ở tỉnh Hưng Yên vinh dự mang tên Tô Hiệu.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.