Thứ Tư, 04/05/2022, 13:52 (GMT+7)
.

Nhà giáo nổi tiếng của làng Vĩnh Kim xưa

Thuở xưa, vùng đất Vĩnh Kim (nay là xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) là địa danh có nhiều sự kiện nổi tiếng và từng được coi là mảnh đất địa linh nhân kiệt vì đã sản sinh ra nhiều nhân tài, trí thức yêu nước, như sáu ông “Lục Hiền”, là những nhà Nho danh giá, đạo đức, yêu nước và tiến bộ. Chợ Giữa - Vĩnh Kim đã từng được đón tiếp nhiều vị lão thành cách mạng tiền bối đến tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa cộng sản: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh), Chủ tịch Tôn Đức Thắng và các đồng chí Nguyễn An Ninh, Ngô Gia Tự, Lê Duẩn, Phạm Hùng…

1. Không chỉ là cái nôi của cách mạng trong thời kỳ đầu thành lập Đảng (nơi thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên tại Nam kỳ vào cuối năm 1929), Vĩnh Kim còn là cái nôi của bộ môn ca nhạc tài tử, từng có Ban nhạc Sầm Giang do “quái kiệt” Trần Văn Trạch (em ruột Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê) đứng ra thành lập; lại có Gánh hát Đồng Nữ Ban nổi tiếng một thời, từng biểu diễn khắp Nam kỳ lục tỉnh để khích lệ, truyền bá chủ nghĩa yêu nước trong nhân dân…

Thầy Huỳnh Văn Bộ  (bên phải) và Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê.
Thầy Huỳnh Văn Bộ (bên phải) và Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê.

Một trong những nhân vật nổi tiếng của làng Vĩnh Kim xưa được biết đến là thầy giáo Huỳnh Văn Bộ (Giáo Bộ). Thầy sinh năm 1903, tại ấp Mỹ Hòa, làng Song Thuận, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (có tài liệu ghi quê thầy ở xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho). Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con, nhưng thầy siêng học, rất sáng dạ, đặc biệt là giỏi môn Pháp văn…

Từ năm 1923 - 1925, quyển “Bản án chế độ thực dân Pháp” và Báo Người cùng khổ của Nguyễn Ái Quốc đã bí mật chuyển đến Mỹ Tho, được giới trí thức, học sinh của nhiều trường đón nhận nồng nhiệt. Cũng trong thời gian này, đồng chí Tôn Đức Thắng lãnh đạo “Công hội đỏ” ở Nam kỳ, đã đến làng Vĩnh Kim gặp gỡ những trí thức yêu nước, tiến bộ, có tên tuổi như: Mai Bạch Ngọc, Huỳnh Văn Bộ, Trần Năng Nhu… để xây dựng những hạt giống cách mạng cho phong trào giải phóng dân tộc theo học thuyết Mác-Lênin.

Thầy Huỳnh Văn Bộ bắt đầu dạy học từ năm 1923, tại Trường Tiểu học Vĩnh Kim, cùng thời với thầy giáo Trần Năng Nhu (Bảy Nhu, cậu vợ đồng chí Tôn Đức Thắng). Thầy Huỳnh Văn Bộ và thầy Trần Năng Nhu đã đứng ra tổ chức phong trào đấu tranh của học sinh đòi thả cụ Phan Bội Châu vào năm 1925 và phong trào để tang cụ Phan Châu Trinh tại Vĩnh Kim vào năm 1926. Cuộc mít tinh và lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh được tổ chức tại Chợ Giữa, ngoài học sinh còn có hàng trăm đồng bào tham dự. Thầy Huỳnh Văn Bộ đã đọc điếu văn, diễn thuyết về thân thế, sự nghiệp và tinh thần đấu tranh của cụ Phan Châu Trinh.

Năm 1928, thầy Huỳnh Văn Bộ cùng thầy giáo Nhu chủ trương thành lập Hội Khuyến học và tham gia vào tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Từ đây, thầy Huỳnh Văn Bộ vừa dạy học, vừa hoạt động cách mạng, tham gia vận động nhân dân đấu tranh chống sưu cao thuế nặng, chống bắt lính bắt phu, chống đi canh gác ban đêm (canh hờ) và vận động các hương chức không ra làm tề cho giặc. Vì vậy, Vĩnh Kim là làng duy nhất trong quận Châu Thành 3 năm liền (1928 - 1930) không có tề làng, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân nổi lên mạnh mẽ.

2. Năm 1936, thầy Huỳnh Văn Bộ vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong cao trào cách mạng 1936 - 1939, phong trào học sinh ở Mỹ Tho - Gò Công lại nổi lên rầm rộ, đòi quyền dân sinh, dân chủ, chống lối giáo dục nhồi sọ của chính quyền thực dân.

Lúc bấy giờ, đồng chí Nguyễn An Ninh, đang trú ngụ tại Mỹ Tho, đã có tác động không nhỏ đến tinh thần yêu nước và đấu tranh của giới trí thức và học sinh thông qua nhiều hình thức đấu tranh phong phú. Do nghi ngờ thầy hoạt động cách mạng, xúi giục dân chúng đấu tranh, thực dân Pháp quyết định khẩn cấp đổi thầy về dạy tại Trường Cái Bát, tỉnh Cà Mau, trong khi thầy đang được tổ chức phân công chuẩn bị kế hoạch cho Cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 ở Vĩnh Kim.

Khi còn sống, Giáo sư Trần Văn Khê từng chia sẻ: Thầy giáo Bộ còn là một nhà hoạt động cách mạng. Ảnh hưởng của thầy giáo Bộ đối với tôi rất lớn, bởi ông là người thầy đầu tiên dạy tôi từ lớp 1 đến lớp 3. Nhờ có sự giáo dục của thầy giáo Bộ mà tôi sớm giác ngộ cách mạng, từng tham gia phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên…

Năm 1942, thầy vận động xin được đổi về dạy học tại Mỹ Tho và làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Thạnh, quận An Hóa. Tháng 3-1945, thầy móc nối trở về hoạt động tại Vĩnh Kim, tham gia xây dựng lực lượng Thanh niên Tiền phong và được bầu làm thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong tổng Thuận Bình, quận Châu Thành.

Tháng 8-1945, thầy trực tiếp tham gia lãnh đạo lực lượng Thanh niên Tiền phong giành chính quyền về tay nhân dân tại các làng: Vĩnh Kim, Song Thuận, Long Hưng, Bàn Long, Phú Phong, Bình Trưng, Kim Sơn. Sau khi giành được chính quyền, thầy được chỉ định làm làm Chủ tịch Ủy ban Dân chúng xã Vĩnh Kim, sau đó là Ủy ban Kháng chiến - Hành chính và được tổ chức phân công làm Phó Bí thư Huyện ủy lâm thời Châu Thành.

Năm 1946, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai, thầy bị lộ và bị địch bắt giam tại khám đường Mỹ Tho. Sau khi ra tù, thầy tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng, từng giữ các chức vụ: Ủy viên Ủy ban Kháng chiến - Hành chính huyện Châu Thành, phụ trách công tác xã hội; cán bộ Ban Tu thư, Ty Giáo dục Mỹ Tho; Hiệu trưởng Trường Tiểu học Công Nông Mỹ Tho. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (tháng 7-1954) thầy được phân công ở lại hoạt động bí mật, tiếp tục vận động nhân dân đấu tranh đòi Hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

Thầy Huỳnh Văn Bộ không chỉ là một trí thức yêu nước, mà còn là một nhà hoạt động cách mạng, có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và có 58 năm tham gia trong ngành Giáo dục, chỉ thôi dạy học khi ở tuổi 78 (nghỉ hưu năm 1981). Thầy mất tháng 11-1989, tại xã Song Thuận, huyện Châu Thành, thọ 86 tuổi.

LINH CHI (tổng hợp)

.
.
Liên kết hữu ích
.