Thứ Tư, 08/06/2022, 22:01 (GMT+7)
.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

(ABO) Chiều 8-6, Quốc hội tiếp tục chương trình kỳ họp với Phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang tiếp tục có câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Liên quan đến vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp (DN), tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn, ĐBQH tỉnh Tiền Giang chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Nghị quyết số 82/2019/QH14 đối với DN cổ phần hóa đã nêu rõ DN sau cổ phần hóa phải thực hiện đúng phương án sử dụng đất đã được phê duyệt trong phương án cổ phần hóa DN.

Việc chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện sắp xếp, xử lý nhà đất của các DN cổ phần hóa phải tuân thủ quy định, bảo đảm điều kiện, trình tự, thủ tục theo quy định. Tuy nhiên, Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng nội dung này chưa đồng bộ với quy định tại các Điều 6, 52, 57 và Điều 58 Luật Đất đai. Xin Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo rõ hơn vướng mắc, khó khăn (nếu có), đề xuất phương án xử lý.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến tại hội trường
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu chất vấn tại hội trường.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giải trình: Chúng ta đưa ra là không chuyển mục đích sử dụng đất mà phải thực hiện theo mục đích sử dụng đất phương án đã được phê duyệt. Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc này trái với quy định của Luật Đất đai. Vừa rồi chúng ta thất thoát rất nhiều thông qua việc cổ phần hóa về DN nhà nước, mà chủ yếu từ đất, chẳng hạn Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn hay Tổng công ty Công nghiệp Tân Thuận...

Các vụ án xảy ra chủ yếu liên quan đến đất đai, mà liên quan đến đất đai thì cốt lõi ở vấn đề chuyển mục đích sử dụng đất. Khi UBND tỉnh phê duyệt thì đất đấy là đất thuê, tuy nhiên DN sẽ nộp tiền một lần thuê đất là 50 năm.

Sau khi chuyển qua DN cổ phần thì DN cổ phần đấy lại xin UBND cấp tỉnh hoặc cấp thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt chuyển mục đích sử dụng đất. Khi chuyển mục đích sử dụng đất thì lại tính giá đất để chuyển mục đích sử dụng đất, như vậy tính không sát giá thị trường, tạo ra thất thoát và từ thất thoát đấy thì rõ ràng liên quan đến tài sản của Nhà nước chuyển qua tài khoản của tư nhân. Cho nên đây cũng là một vấn đề, là một nút thắt.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình một số nội dung ĐBQH nêu.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớt thông tin thêm đến ĐBQH, vừa rồi Bộ đã tổ chức hội thảo và có nhiều chuyên gia có ý kiến, nếu ĐBQH thấy đúng thì chúng ta sẽ quay sửa lại để đảm bảo cho việc phát triển một cách bền vững và lâu dài. DN nhà nước cũng như DN cổ phần đều sử dụng đất, đất đai là của toàn dân, do Nhà nước đại diện, cho nên khi DN nhà nước đất thuê với mục đích sản xuất, kinh doanh thì khi chuyển qua DN cổ phần hay là DN tư nhân thì cùng thực hiện đúng mục đích đấy để sản xuất, kinh doanh theo đúng mục tiêu được phê duyệt trong phương án sử dụng đất.

Nếu không có nhu cầu sử dụng thì trả lại cho Nhà nước, Nhà nước sẽ thanh toán tiền tài sản trên đất cho DN đấy và tổ chức đấu giá để thu về ngân sách. Điều đấy có nghĩa là địa tô chênh lệch sẽ không rơi vào túi của DN mà do Nhà nước điều tiết.

Việc này sẽ có lợi là sẽ thúc đẩy được năng lực của nền kinh tế. Tức là DN cổ phần hóa để nâng cao năng lực sản xuất của DN đấy, chứ không phải sau cổ phần hóa để giải tán DN, để bán máy móc, thiết bị và lấy khu đất này để bán, lấy địa tô chênh lệch chuyển qua đất ở hay là loại đất khác. Chúng tôi cho rằng nếu chúng ta làm được điều đấy thì chắc chắn năng lực của nền kinh tế, đặc biệt là sức mạnh của DN sẽ nâng lên. Như vậy cũng không khuyến khích DN nhìn những khu đất có lợi thế thương mại để cổ phần hóa.

Quang cảnh phiên chất vấn
Quang cảnh phiên chất vấn.

Ngoài ra, liên quan đến vấn đề quản lý chứng khoán, đại biểu Nguyễn Minh Sơn, ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang chất vấn Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Chúng ta ký kết hợp đồng dịch vụ gói thầu công nghệ thông tin KRX đã "treo" hơn 10 năm, tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa hoàn thành, đề nghị cho biết tiến độ đến nay ra sao, thời điểm có thể vận hành hệ thống này để đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhà đầu tư và góp phần quan trọng trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Gói thầu này có tên "Thiết kế, giải pháp, cung cấp lắp đặt và chuyển giao hệ thống công nghệ thông tin" (gọi tắt là gói thầu KRX) trị giá hơn 600 tỷ đồng (khoảng 28,6 triệu USD) được HOSE ký kết với Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) từ năm 2012 (thời hạn 5 năm).

Đây là dự án đầu tư hệ thống công nghệ thông tin. Dự án này không phải 10 năm mà 22 năm, hiện nay vẫn chưa xong. Hiện nay vẫn chưa xong và chúng tôi cũng đang tích cực thúc đẩy việc này. Bộ cũng có giải pháp mạnh yêu cầu nhà thầu phải sang hoàn thiện với thời gian sớm nhất. Tuy nhiên khi dự án này chưa hoàn thành thì Bộ đã xây dựng dự án dùng công nghệ của sàn HX Hà Nội đưa vào trong HOSE.

“Chúng tôi đã nới zoom từ 1 triệu lần/1 ngày lên 3 triệu và hiện nay giao dịch chúng ta là 2,5 triệu. Đồng thời tiếp tục đưa các chuyên gia để nâng zoom lên khoảng độ 5 triệu, đảm bảo cho hệ thống công nghệ thông tin của sàn HOSE sẽ không bị nghẽn mạch như thời gian vừa qua. Thời gian vừa qua (tháng 4, tháng 5 năm 2021) đã bị nghẽn và 100 ngày giải cứu cho việc này, nhờ các chuyên gia giỏi, sự đóng góp của các công ty công nghệ trong nước như FPT,Viettel nên đã thực hiện thành công" - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.

MINH TRÍ - THU HOÀI

.
.
.