Thứ Tư, 13/07/2022, 20:22 (GMT+7)
.

Làm việc tận tụy, tận tâm cống hiến vì sự nghiệp cách mạng

Được gặp gỡ, trò chuyện với Trung tướng Phạm Tuân, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, chúng tôi ấn tượng với phong cách nói chuyện giản dị, sâu sắc của ông. Là người Việt Nam 3 lần được phong tặng danh hiệu anh hùng (Anh hùng LLVT nhân dân năm 1973, Anh hùng Lao động năm 1980, Anh hùng Liên Xô năm 1980) vì lập những chiến công đặc biệt xuất sắc, Trung tướng Phạm Tuân khẳng định: "Tôi rất tâm đắc với các nội dung được đề cập trong Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương, nhất là tinh thần, phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ “sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”.

Phóng viên (PV): Với hơn 40 năm công tác trong quân đội, từ một chiến sĩ trở thành vị tướng, chắc hẳn đồng chí có những cảm nhận sâu sắc về phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ?

Trung tướng Phạm Tuân: Quân đội ta là quân đội nhân dân. Bộ đội được mang tên Bộ đội Cụ Hồ. Đó là niềm vinh dự thiêng liêng đối với cán bộ, chiến sĩ trong quân đội. Tại sao bộ đội lại có niềm vinh dự đó? Theo tôi, đó là từ truyền thống của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ cùng xây đắp nên. Truyền thống đó được biểu hiện sinh động thông qua hành động cụ thể của mỗi quân nhân. Trong đó, tinh thần tận tâm cống hiến, không sợ hy sinh, gian khổ, vì nhân dân chiến đấu là một trong những phẩm chất rất đáng quý, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp để Quân đội ta “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
 

a
Trung tướng Phạm Tuân.

PV: Từ thực tiễn chiến đấu, công tác, đồng chí có suy nghĩ gì về phẩm chất tận tâm cống hiến, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Bộ đội Cụ Hồ?

Trung tướng Phạm Tuân:
Tôi nhập ngũ năm 18 tuổi, cũng như bao thanh niên ở địa phương khi đất nước có chiến tranh là lên đường chiến đấu. Chính điều kiện khi đó đòi hỏi mình hành động như vậy chứ lúc bấy giờ ở nông thôn đâu có được học tập lý luận chính trị. Vào quân đội, tôi được chọn đi học thợ máy ở Liên Xô, sau đó chuyển sang đào tạo phi công. Tốt nghiệp về nước, bay thêm mấy tháng nữa là vào trực ban chiến đấu. Thực ra, việc học tập tu dưỡng chưa nhiều nhưng trong không khí thi đua “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, chúng tôi bước vào cuộc chiến đấu rất hăng hái, tự tin.

Thực tế chiến tranh thì vô cùng ác liệt, không tránh được hy sinh mất mát. Biết là có hy sinh nhưng không sợ hy sinh, vì Tổ quốc, vì chiến thắng, chúng tôi sẵn sàng chiến đấu. Với tinh thần lạc quan, luôn tin là mình sẽ chiến thắng nên anh em phi công xung phong bay ngày bay đêm, thi đua bắn hạ máy bay địch. Khi đó, ai cũng mong muốn góp sức vì nhiệm vụ chung, không suy nghĩ lợi ích cá nhân, tính toán thiệt hơn. Tôi thấy rằng, một khi đã khơi dậy được tinh thần tận tâm cống hiến thì bộ đội sẽ tự nguyện, tự giác thực hiện mà không hề băn khoăn, do dự bất cứ nhiệm vụ gì. Mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh đều có thể vượt qua.

PV: Là người từng được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, quân đội, theo đồng chí, khi mỗi quân nhân luôn có tinh thần tận tâm cống hiến, hết mình vì việc chung thì sẽ được cấp trên và tập thể ghi nhận?

Trung tướng Phạm Tuân: Khi tôi thực hiện nhiệm vụ xuất kích đánh máy bay B-52 cũng như bay vào vũ trụ, chẳng bao giờ nghĩ để được phong tặng danh hiệu anh hùng. Trước đây, anh em đi chiến đấu cũng vậy, không ai nghĩ khi về được khen thưởng, vinh danh gì đâu. Chúng tôi cứ có nhiệm vụ là thực hiện, mà đã thực hiện là hết lòng hết sức, vô tư trong sáng. Tôi nghĩ trong thực hiện bất cứ nhiệm vụ gì, đừng chăm chăm để lấy thành tích nọ, thành tích kia. Có lần, tôi đến một đơn vị, thấy khẩu hiệu: “Phấn đấu trở thành đơn vị anh hùng”. Tôi nói có lẽ nên sửa là phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, còn việc ghi nhận, tặng thưởng như thế nào là do cấp trên đánh giá, chứ đừng làm chỉ để được nhận danh hiệu.

PV: Thoái thác nhiệm vụ, không nỗ lực vì nhiệm vụ chung là một trong những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, hoàn toàn trái ngược với tinh thần sẵn sàng cống hiến, phục vụ. Biểu hiện suy thoái đó ảnh hưởng thế nào đối với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, thưa đồng chí?

Trung tướng Phạm Tuân: Thời nào cũng vậy, nhiệm vụ của quân đội rất nặng nề, đòi hỏi bộ đội phải vượt qua mọi khó khăn, gian khổ mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ. Nhưng hiện nay có những quân nhân nhận thức chưa đúng đắn về chức trách, nhiệm vụ được giao, có những suy nghĩ, tính toán thiệt hơn. Đó là việc chỉ lo cho lợi ích của riêng mình mà quên đi trách nhiệm đối với tập thể.

Việc gì có lợi cho bản thân thì làm, còn nhiệm vụ chung thì sao nhãng, làm không hết trách nhiệm, có thái độ bình quân chủ nghĩa, không có chí tiến thủ, phấn đấu. Khi được giao nhiệm vụ thì không hoàn thành, thậm chí tìm cách thoái thác, chống chế. Ở đơn vị có những cá nhân như vậy thì công việc không trôi chảy, thậm chí thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra sai phạm, làm mất danh dự bản thân, giảm uy tín của đơn vị, tạo ra dư luận không tốt trong tập thể quân nhân, sâu xa hơn là ảnh hưởng đến phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân.

a
Lữ đoàn 918 (Quân chủng Phòng không-Không quân) giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới. Ảnh: ĐỨC NAM

PV: Theo đồng chí, nguyên nhân nào dẫn đến một số quân nhân, trong đó có cả một số cán bộ lãnh đạo, chỉ huy đơn vị chưa thật sự chú tâm, hết lòng, hết sức vì nhiệm vụ chung?

Trung tướng Phạm Tuân: Theo tôi, vấn đề cơ bản ở đây là lợi ích, gồm có cả lợi ích vật chất và tinh thần. Chủ nghĩa cá nhân cũng từ lợi ích mà ra. Ai cũng chỉ lo vun vén cho lợi ích cá nhân thì ắt sẽ quên nhiệm vụ chung, không dám hy sinh, cống hiến. Trước đây, chúng tôi đi chiến đấu chẳng nghĩ gì đến hy sinh mất mát, tự nguyện xả thân vì nhiệm vụ, thế nên có đồng chí sẵn sàng là "quả tên lửa thứ ba" để lao vào máy bay địch. Trong khi đó, hậu phương cũng rất khó khăn nhưng chúng tôi cũng đâu có điều kiện chăm lo, chẳng có cái gì mà vun vén riêng cho gia đình. Nhưng bây giờ thì khác, điều kiện vật chất được nâng lên, môi trường xã hội thay đổi, tác động không nhỏ đến nhận thức, suy nghĩ và hành động của bộ đội. Thêm vào đó, một số cán bộ thiếu gương mẫu, chỉ lo cho lợi ích cá nhân dẫn đến suy thoái, sai phạm. Khi cấp trên đã không gương mẫu thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tư tưởng tâm lý của bộ đội, làm mất lòng tin vào chỉ huy, nảy sinh thái độ bàng quan, không vì nhiệm vụ chung.

PV: Để khơi dậy tinh thần cống hiến, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ, theo đồng chí, mỗi quân nhân cần phải quan tâm đến những vấn đề gì?

Trung tướng Phạm Tuân: Quân đội ta rất quan tâm đến giáo dục chính trị tư tưởng. Trong thời chiến, khó khăn như thế nhưng bộ đội hăng hái thực hiện nhiệm vụ là nhờ giáo dục đúng đắn, định hướng tốt. Hiện nay, để làm tốt công tác giáo dục, xây dựng bản lĩnh, ý chí quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cho bộ đội, theo tôi cần đổi mới nội dung, hình thức giáo dục gắn sát với điều kiện thực tế, thông qua công việc cụ thể, con người cụ thể để hình thành cho mỗi quân nhân ý thức trách nhiệm đối với nhiệm vụ đơn vị, danh dự bản thân.

Việc bố trí, sắp xếp con người cho phù hợp với nhiệm vụ, công việc cũng rất quan trọng. Đó phải là những người có tâm huyết, mẫu mực về phẩm chất đạo đức, có kiến thức, năng lực chuyên môn vững vàng. Bản thân cán bộ được lựa chọn vào các vị trí phải thực sự phát huy vai trò nêu gương theo đúng tinh thần “trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”. Có chính sách động viên, khuyến khích bộ đội kịp thời, quan tâm, chăm lo về vật chất, tinh thần để mỗi quân nhân tự giác, tự nguyện đóng góp công sức vào nhiệm vụ chung. Thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện những khuyết điểm, sai phạm để chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh, góp phần tạo ra sự công bằng trong tập thể quân nhân.

Một vấn đề rất quan trọng là phải phát huy tốt dân chủ trong đơn vị. Quân đội ta vốn có truyền thống về phát huy dân chủ trên từng mặt công tác thì nay, vấn đề đó cần có cơ chế để phát huy dân chủ một cách thực sự, có chiều sâu. Phát huy dân chủ sẽ tạo ra bầu không khí cởi mở, môi trường làm việc lành mạnh, từ đó khơi dậy được trí tuệ, tạo động lực để bộ đội tiếp tục cống hiến, sáng tạo, nỗ lực quyết tâm xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(Theo qdnd.vn)

.
.
.