.

Phiên giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 - HĐND tỉnh Tiền Giang Khóa X: Giải trình, làm rõ nhiều vấn đề cấp thiết

Cập nhật: 14:24, 08/07/2022 (GMT+7)

Trong Phiên giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 - Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh khóa X, các đại biểu thảo luận nhiều vấn đề “nóng” còn bức xúc trong nhân dân. Trong đó, vấn đề tiến độ giải quyết chế độ hỗ trợ cho người bị F0, F1; chăm lo chế độ, kinh phí cho các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã thu hút sự quan tâm của đại biểu và cử tri trong tỉnh.

Quang cảnh Phiên giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn.
Quang cảnh Phiên giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn.

KHẨN TRƯƠNG CHI HỖ TRỢ CHO F0, F1

Tại Phiên giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu HĐND tỉnh cho rằng, hiện nay, tiến độ giải quyết chế độ hỗ trợ cho người bị F0, F1 điều trị cách ly y tế tại nhà năm 2021 còn chậm so với quy định, các đối tượng đã hoàn tất hồ sơ đăng ký hỗ trợ từ cuối năm 2021 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ, gây bức xúc cho các đối tượng được thụ hưởng, đề nghị ngành Y tế cho biết nguyên nhân?

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Trần Thanh Thảo cho biết, tại Tiền Giang, UBND tỉnh giao Sở Y tế chịu trách nhiệm thẩm định hồ sơ trước khi trình Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định phê duyệt danh sách. Đến nay, trên cơ sở các hồ sơ của UBND các huyện, thành, thị gửi về, Sở Y tế đã thẩm định, trình UBND tỉnh 16 đợt và UBND tỉnh đã ký quyết định phê duyệt 16/16 đợt.

Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh trả lời các vấn đề đại biểu HĐND tỉnh đặt ra.
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh trả lời các vấn đề đại biểu HĐND tỉnh đặt ra.

Mặc dù chính quyền địa phương, Sở Y tế và UBND tỉnh rất cố gắng thẩm định và phê duyệt các hồ sơ trong thời gian sớm nhất, nhưng tiến độ còn chậm như cử tri và đại biểu HĐND tỉnh phản ánh. Từ ngày 28-10-2021 đến ngày 22-2-2022, UBND tỉnh đã phê duyệt xong 5 đợt và các địa phương đã tiến hành chi trả xong.

Tuy nhiên, hồ sơ dồn trước Tết Nguyên đán rất nhiều, phải mất nhiều thời gian để các địa phương và Sở Y tế thẩm định thông tin. Sau ngày 31-3-2022 (ngày hết hạn nhận hồ sơ) đến nay, UBND tỉnh đã xem xét, phê duyệt liên tiếp 11 đợt, trong đó có 3 đợt UBND tỉnh giao Sở Y tế rà soát lại các trường hợp thông tin chưa chính xác.

Thực tế, quy trình, thủ tục khá phức tạp, nhiều hồ sơ liên quan đến quá trình cách ly, điều trị nên cơ sở y tế và chính quyền địa phương phải mất nhiều thời gian mới lập đủ hồ sơ. Mặt khác, thời điểm để tính chi hỗ trợ theo Quyết định 23/2021 của Thủ tướng Chính phủ là đến hết ngày 31-12-2021, nhưng việc nhận hồ sơ kéo dài đến ngày 31-3-2022; đồng thời, UBND tỉnh đã xin chủ trương Ban Thường vụ Tỉnh ủy chấp thuận chi hỗ trợ thêm cho F0 điều trị tại cơ sở điều trị đến ngày 28-2-2022.

Do vậy, thời gian cho việc lập hồ sơ, rà soát số liệu, thẩm định, trình phê duyệt, chi hỗ trợ… khá lâu. Bên cạnh đó, rất nhiều hồ sơ khi chuyển về Sở Y tế, UBND tỉnh, qua thẩm định có nhiều sai sót phải hoàn trả cho cơ sở để hoàn chỉnh lại, đảm bảo tính chính xác.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh cho rằng, đây là quyền lợi chính đáng của người dân, UBND tỉnh rất chia sẻ và mong cử tri thông cảm về sự chậm trễ này. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo, đôn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện việc chi hỗ trợ theo các quyết định phê duyệt của UBND tỉnh trong thời gian sớm nhất.

NHANH CHÓNG RÀ SOÁT VIỆC CẤP KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG CHO HỘI NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM/DIOXIN

Đại biểu tiếp tục đặt vấn đề, thời gian qua, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở các ngành, các cấp thực hiện việc cấp kinh phí cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, nhưng đến nay còn khoảng 80/129 cơ sở Hội chưa được giải quyết. Đề nghị UBND tỉnh cho biết nguyên nhân và giải pháp giải quyết dứt điểm vấn đề này?

Đồng chí Trần Thanh Thảo trả lời các vấn đề đại biểu HĐND tỉnh đặt ra.
Đồng chí Trần Thanh Thảo trả lời các vấn đề đại biểu HĐND tỉnh đặt ra.

Trả lời vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, thời gian qua, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện các văn bản của Đảng và Nhà nước đối với các Hội (cả đặc thù và không đặc thù).

Đối với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, tỉnh luôn quan tâm triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương đối với việc tổ chức và quản lý Hội. Theo đó, UBND tỉnh, các sở, ngành có liên quan, UBND cấp huyện đã ban hành trên 40 văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện.

Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh khẳng định, về kinh phí hỗ trợ cho hoạt động các hội cả đặc thù và không đặc thù đều được xem xét, bố trí phù hợp quy định, tỉnh không thiếu nguồn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện một số nơi chưa thực hiện đúng, đầy đủ hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên. Để có cơ sở ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí, Sở Tài chính đã có Văn bản 11 ngày 5-1-2021 hướng dẫn trình tự, thủ tục để các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thực hiện theo đúng quy định để được cấp kinh phí.

Trong 2 ngày làm việc tiếp theo (ngày 6 và 7-7) của Kỳ họp thứ 5 - HĐND tỉnh khóa X, UBND tỉnh và các Ban của HĐND tỉnh trình các báo cáo, tờ trình kèm theo dự thảo nghị quyết; các Tổ đại biểu HĐND tỉnh thảo luận các nội dung trình ra kỳ họp; giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn.
Hôm nay (8-7), kỳ họp sẽ miễn nhiệm, bầu bổ sung các chức danh thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh, thông qua nghị quyết và bế mạc kỳ họp.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ khảo sát thực tế tại 13 đơn vị cấp xã (6 xã, 4 phường, 3 thị trấn); Phòng Nội vụ khảo sát các xã còn lại.

Qua kết quả khảo sát của Sở Nội vụ tại 13 đơn vị cấp xã không nhận được kinh phí hỗ trợ, có 5 đơn vị chưa xây dựng kế hoạch nhận nhiệm vụ Nhà nước, 8 đơn vị có xây dựng kế hoạch nhưng nhiệm vụ không phù hợp nên cũng không nhận được kinh phí.

Còn theo khảo sát của Phòng Nội vụ cấp huyện, trong 161 đơn vị Hội cấp xã thì chỉ có 56 đơn vị nhận được kinh phí hỗ trợ, kể cả thù lao cho cán bộ Hội (do thời kỳ trước đã được công nhận “hội đặc thù”), còn 105 đơn vị dù xã đã dự toán nhưng vì Hội không lập kế hoạch, không có chứng từ quyết toán nên không nhận được hỗ trợ chi cho các hoạt động.

Tóm lại, chỉ có 56/173 đơn vị (33%) nhận được hỗ trợ. Ngoài ra, qua khảo sát, hoạt động Hội còn một số bất cập như: 7/13 đơn vị chưa có Điều lệ Hội, 8/13 đơn vị không tổ chức họp Ban Chấp hành định kỳ, 4/13 đơn vị chưa có con dấu Hội…

Như vậy, nguyên nhân của việc chưa nhận được hỗ trợ là do chưa có sự thống nhất về nghiệp vụ lập kế hoạch và dự toán nhận nhiệm vụ Nhà nước, mỗi Hội tự làm theo cách riêng nên chưa chuẩn, chưa đúng quy định; một số nơi chưa quan tâm đến việc lập dự toán, chưa cung cấp đủ hồ sơ để quyết toán kinh phí….

Bên cạnh đó, một số địa phương hiểu không đúng đối tượng hưởng tiền lương, tiền công từ ngân sách nhà nước (theo Văn bản 11 của Sở Tài chính) nên không chi trả cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ấp, khu phố khi họ làm thêm nhiệm vụ cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (việc này chưa đúng hướng dẫn của Sở Tài chính vì người hoạt động không chuyên trách đang hưởng phụ cấp chứ không phải tiền lương, tiền công từ ngân sách).

Về hướng giải quyết trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì phối hợp Sở Nội vụ, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xem xét các đơn vị chưa được giải quyết kinh phí để có hướng giải quyết phù hợp với quy định.

Đồng thời, chỉ đạo rà soát lại hoạt động của 161 Hội cấp xã đảm bảo hoạt động theo đúng quy định pháp luật; chỉ đạo các cơ quan có liên quan tổ chức tập huấn nghiệp vụ, đặc biệt là tập huấn trong thực hiện các bước trình tự, thủ tục để Hội nhận được kinh phí hỗ trợ từ ngân sách…

THU HOÀI - VĂN THẢO

.
.
.