Thứ Tư, 31/08/2022, 20:59 (GMT+7)
.

Huyện Châu Thành cần khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để phát triển

(ABO) Chiều 31-8, Đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang do đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Châu Thành về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022 và kế hoạch năm 2023. 

Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Danh chỉ đạo tại Hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh chỉ đạo tại hội nghị.

Tham gia cùng Đoàn công tác có đồng chí Nguyễn Văn Nhã, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Ngọc Trầm, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Văn Mười, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; đồng chí Trần Văn Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; cùng lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh. 

Bí thư Huyện uỷ Châu Thành đề xuất những kiến nghị.
Bí thư Huyện ủy Châu Thành Trương Minh Tới đề xuất, kiến nghị tại buổi làm việc.

Trong 9 tháng đầu năm, giá trị sản xuất trên địa bàn huyện Châu Thành tăng 6,32 %, công nghiệp - xây dựng tăng 7,95%, thương mại - dịch vụ tăng 5,04%; thu ngân sách địa phương 177 tỷ đồng (đạt 108,25%).

Về công tác xây dựng nông thôn mới, có 20/22 xã đạt chuẩn, huyện đạt 4/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Trong xây dựng cơ bản, tổng vốn đầu tư 225,849 tỷ đồng, hoàn thành 54/106 công trình.

Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Huỳnh Văn Bé Hai đề xuất các vấn đề liên quan đầu tư công.
Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Huỳnh Văn Bé Hai đề xuất các vấn đề liên quan đầu tư công.

Bên cạnh những thuận lợi, huyện còn một số công trình, dự án mang tính đột phá về phát triển đô thị, kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực thương mại - dịch vụ từ nguồn vốn xã hội hóa thực hiện còn chậm, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của huyện rất lớn, trong khi ngân sách còn gặp nhiều khó khăn và vốn ngân sách cấp trên hỗ trợ còn hạn chế đã phần nào ảnh hưởng đến việc phát triển theo quy hoạch.

Đồng chí Trần Văn Dũng đóng góp nhiều ý kiến liên quan huyện Châu Thành.
Đồng chí Trần Văn Dũng góp ý nhiều vấn đề liên quan đến huyện Châu Thành.

 

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và đầu tư gỡ khó một nguồn ngân sách của huyện.
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh gỡ khó cho nguồn ngân sách của huyện.

Ngoài ra, các làng nghề truyền thống hiện nay hoạt động ở mức trung bình, còn gặp nhiều khó khăn do mẫu mã chưa phong phú, thị trường tiêu thụ còn hạn chế; thu nhập người lao động thấp nên gặp khó khăn trong hoạt động và phát triển. Đặc biệt, huyện có 20/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng qua đối chiếu với Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì có 20/20 xã không duy trì đạt 19/19 tiêu chí.

Lãnh đạo Sở tài chính đóng góp nhiều vấn đề xoay quanh tự chủ tài chính.
Lãnh đạo Sở Tài chính đóng góp nhiều vấn đề xoay quanh tự chủ tài chính.

Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá những mặt đạt được, cũng như những mặt khó khăn, còn tồn tại để có giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới, nhất là vấn đề đầu tư công, vấn đề về nợ bảo hiểm y tế, nguồn ngân sách đầu tư hỗ trợ để huyện đạt chuẩn nông thôn mới, hoạt động các làng nghề trong thời gian tới…

Lãnh đạo Sở GTVT tỉnh gỡ khó và đề xuất điểm đầu tư trên địa bàn huyện.
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải gỡ khó và đề xuất điểm đầu tư trên địa bàn huyện.
Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Danh đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy trong thời gian tới cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm:

Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ huyện; sự đều tay của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ và Thường trực Huyện ủy; phải có sự thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ lẫn nhau của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực hiện công việc được giao, vì mục đích chung là chăm lo cho nhân dân được tốt hơn và vì sự phát triển của huyện; cán bộ chủ chốt của huyện cần có sự đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, cách thực hiện, có tư duy, tầm nhìn sâu hơn, rộng hơn để ngang tầm với nhiệm vụ và với yêu cầu phát triển của huyện; tích cực đấu tranh có hiệu quả với các biểu hiện quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, xa rời quần chúng, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ và các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; chấn chỉnh ngay việc buông lỏng quy chế làm việc, chấp hành không nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo, phân công, giao việc của tổ chức, của cơ quan, đơn vị (Nếu có); nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, sự đoàn kết, sự thống nhất về ý thức, về nhận thức và hành động.

Chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh về chính trị tư tưởng, về đạo đức, về tổ chức và cán bộ, xem đây là nhiệm vụ then chốt, quyết định cho sự phát triển của huyện. Muốn làm được việc này cần phải đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở theo hướng nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả; đề cao tính chủ động, linh hoạt trong giải quyết công việc theo chương trình, kế hoạch và những vấn đề bức xúc, cấp bách mới phát sinh, kết hợp với thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Tranh thủ sự hỗ trợ, phối hợp, giúp đỡ của UBND, các sở, ngành tỉnh và các địa phương trong Vùng kinh tế - đô thị Trung tâm, vùng lân cận để phát triển; cần có những buổi lao lưu, học tập kinh nghiệm với các huyện bạn để có thêm cách nghĩ, cách làm mới cho việc phát triển của huyện trong giai đoạn hiện nay và trong thời gian tới được tốt hơn.

Khẩn trương triển khai thực hiện việc rà soát, bổ sung quy hoạch cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý của huyện đảm bảo đúng quy định, đúng chuẩn, đúng người, đúng việc, gắn với khẩn trương thực hiện quy trình bổ sung cấp ủy, cán bộ lãnh đạo cấp huyện, cấp xã còn khuyết; tăng cường luân chuyển, điều động, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ cho những đơn vị, cơ sở còn khó khăn, hụt hẫng cán bộ, tạo sự đồng đều trong đội ngũ cán bộ (chú ý vấn đề vị trí việc làm của cán bộ). Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xem đây là động lực quan trọng để thu hút các nhà đầu tư, đẩy nhanh quá trình phát triển; nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Nâng chất hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội thật sự vững mạnh, hướng mạnh về cơ sở, về địa bàn dân cư.

Huy động tối đa các nguồn lực, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để phát triển; khẩn trương lập, trình quyệt quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 của huyện, phục vụ nhu cầu phát triển; đẩy mạnh việc phát triển đô thị, thương mại - dịch vụ, xúc tiến nhanh đầu tư Cụm công nghiệp Tân Lý Đông và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tiếp tục mời gọi và tạo điều kiện để phát triển doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai các thủ tục đầu tư công trình, dự án từ nguồn vốn xã hội hóa; tăng cường kiểm tra tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình và phối hợp tốt với các đơn vị liên quan tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch. Chú trọng việc mở rộng và đa dạng hóa các loại hình hợp tác - liên kết sản xuất - kinh doanh - tiêu thụ, chế biến sản phẩm, nhất là sản phẩm từ nông nghiệp. Có kế hoạch, lộ trình cụ thể để giữ vững và hoàn thiện các xã đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí mới; hoàn thành việc xây dựng xã Điềm Hy, xã Bình Đức đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2022 để đáp ứng mục tiêu ra mắt huyện nông thôn mới vào năm 2023. 

Tiếp tục quan tâm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo bền vững, công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm, công tác bảo trợ xã hội; chú trọng việc quản lý các hoạt động văn hóa, tạo môi trường lành mạnh, xây dựng nếp sống văn minh, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Tăng cường công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tạo sự bình yên, sự an tâm cho người dân, mặt khác phải nâng cao chất lượng, hiệu quả đấu tranh, phòng, chống tội phạm, xử lý kiên quyết, triệt để các hành vi chống đối, xem thường pháp luật, tội phạm ma túy, tội phạm công nghệ cao và các tệ nạn xã hội; chú trọng hơn nữa việc giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, thực hiện tốt công tác phối hợp quản lý, giáo dục các đối tượng có nguy cơ phạm tội cao ngay tại địa bàn các xã, thị trấn, ngay ở ấp, khu phố; phát huy mạnh mẽ vai trò của Công an cấp xã, dân quân tự vệ và tổ chức quần chúng trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, gắn với các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, trật tự hành lang giao thông.

Nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của cấp ủy, chính quyền, của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, trước hết là ở cấp huyện; vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành của Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy, Thường trực UBND huyện; chế độ hội họp, hội ý của Thường trực Huyện ủy, UBND huyện; sự nêu gương, tập trung công việc, chia sẻ khó khăn, quyết tâm vượt khó, sự đoàn kết thống nhất từ nhận thức đến việc làm của Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của huyện cần phải xây dựng cho được phong cách làm việc khoa học, khách quan, dân chủ, gần dân, trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn, nói đi đôi với làm và dám chịu trách nhiệm trước lời nói, việc làm của mình; đề cao danh dự, lòng tự trọng của bản thân, phân định rõ vai trò của tập thể, trách nhiệm của cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường đi công tác cơ sở, nắm chắc tình hình địa bàn, lĩnh vực được phân công theo dõi, phụ trách để qua đó tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, thiếu sót ngay từ đầu và ngay tại cơ sở, gắn với đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện nghị quyết, chỉ thị và tổng kết thực tiễn, gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với đảng viên và với nhân dân.

TUẤN LÂM

 

.
.
.