Thứ Năm, 15/09/2022, 09:23 (GMT+7)
.

Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Tiền Giang: Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát

Giám sát là một trong những hoạt động quan trọng thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND. Hoạt động giám sát có tác động tích cực đến việc thực thi chính sách, pháp luật của các tổ chức và cá nhân ở địa phương. Thời gian qua, Ban Văn hóa - Xã hội (VH-XH), HĐND tỉnh Tiền Giang đã không ngừng cải tiến, tăng cường giám sát, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát.

TĂNG CƯỜNG GIÁM SÁT

Điều 76, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định hoạt động giám sát của các Ban của HĐND tỉnh gồm: Thẩm tra các báo cáo do HĐND, Thường trực HĐND phân công; giám sát quyết định của UBND cùng cấp, nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp; giám sát chuyên đề; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.

Thời gian qua, các hoạt động giám sát này được Ban VH-XH, HĐND tỉnh thực hiện thường xuyên, liên tục, định kỳ 6 tháng và cuối năm theo sự phân công của Thường trực HĐND tỉnh. Riêng nội dung giám sát chuyên đề của Ban được lựa chọn và thực hiện trên cơ sở đề nghị của các thành viên trong Ban hoặc ý kiến, kiến nghị của cử tri và được đưa vào chương trình công tác của Ban.

Đoàn giám sát Ban VH-XH, HĐND tỉnh giám sát hiệu quả hoạt động của các công trình sử dụng vốn đầu tư công thuộc lĩnh vực VH-XH tại Trung tâm Y tế TX. Gò Công.
Đoàn giám sát Ban VH-XH, HĐND tỉnh giám sát hiệu quả hoạt động của các công trình sử dụng vốn đầu tư công thuộc lĩnh vực VH-XH tại Trung tâm Y tế TX. Gò Công.

Từ nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, ngoài thẩm tra các báo cáo trình kỳ họp và thẩm tra, giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri thuộc lĩnh vực VH-XH do Thường trực HĐND phân công, Ban VH-XH, HĐND tỉnh đã tổ chức 8 cuộc giám sát các nội dung: Về đời sống của người dân trong các cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố; việc thực hiện quy trình xét hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều; xét hỗ trợ và xây dựng nhà ở cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện quản lý nhà nước đối với công tác gia đình và trẻ em; việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến công tác thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho người tham gia bảo hiểm y tế; việc thực hiện Nghị quyết 79 của HĐND tỉnh quy định mức thù lao đối với đội công tác xã hội tình nguyện tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; công tác đầu tư và hiệu quả hoạt động của các công trình sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh thuộc lĩnh vực VH-XH.

Bên cạnh đó, Ban VH-XH tham mưu HĐND, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức 3 cuộc giám sát chuyên đề; thực hiện giám sát 3 nội dung theo yêu cầu của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (Quốc hội khóa XIV). Ngoài ra, Ban còn tổ chức khảo sát về công tác quản lý, sử dụng công trình vệ sinh, nước sạch trong trường học; về tình hình hoạt động của các hồ bơi trong các trường học; về hiệu quả hoạt động của trung tâm văn hóa - thể thao, nhà văn hóa cấp xã trên địa bàn tỉnh… để có cơ sở thẩm tra, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch đầu tư phát triển lĩnh vực VH-XH trên địa bàn tỉnh.

Thông qua giám sát, Ban có nhiều kiến nghị phù hợp, sát thực tiễn đối với các cơ quan Trung ương và tỉnh để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành, địa phương. Đặc biệt, đối với giám sát kết quả giải quyết kiến nghị cử tri, qua giám sát, Ban đã có nhiều kiến nghị, giải pháp khả thi giúp đơn vị được giám sát và các ngành liên quan tháo gỡ khó khăn; đồng thời đề nghị, đôn đốc cơ quan Trung ương (thông qua Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh) xem xét, giải quyết chế độ, chính sách cho người có công với cách mạng; có ý kiến với UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, kịp thời đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho giáo dục, y tế của địa phương… 

Ban VH-XH, HĐND tỉnh vừa tổ chức Hội thảo giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Ban, ghi nhận nhiều ý kiến hay từ các đại biểu.
Ban VH-XH, HĐND tỉnh vừa tổ chức Hội thảo giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Ban, ghi nhận nhiều ý kiến hay từ các đại biểu.

Trưởng Ban VH-XH, HĐND tỉnh Nguyễn Thị Tuyết Vân cho biết: “Nhìn chung, hoạt động giám sát của Ban VH-XH, HĐND tỉnh trong thời gian qua đảm bảo đúng quy định pháp luật và mang lại hiệu quả thiết thực. Nhiều kiến nghị của Ban đã được UBND tỉnh và ngành chức năng quan tâm, thực hiện khá tốt. Bên cạnh đó, thông qua kết quả giám sát của Ban làm cơ sở để đại biểu HĐND tỉnh thảo luận, xem xét quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, nhất là việc ban hành các nghị quyết, chính sách nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế thì hiệu quả giám sát của Ban vẫn còn một số hạn chế nhất định, đặc biệt là trong giám sát chuyên đề chưa thật sự đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của cử tri…”.

Thật vậy, thời gian qua vẫn còn một số chuyên đề giám sát có nội dung khá rộng, tính chuyên môn cao nhưng trình độ chuyên môn của một số đại biểu HĐND là Ủy viên Ban không thuộc lĩnh vực giám sát, đa số hoạt động kiêm nhiệm, chưa dành nhiều thời gian để nghiên cứu sâu, chưa thể phát hiện hết những khó khăn, hạn chế, bất cập và cũng chưa mạnh dạn đặt vấn đề để cơ quan được giám sát giải trình làm rõ, dẫn đến hoạt động giám sát còn mang tính hình thức, chưa đạt kết quả như mong muốn.

Mặt khác, UBND tỉnh và một số sở, ngành chưa thật sự quan tâm khi được Ban VH-XH, HĐND tỉnh mời tham gia làm thành viên đoàn giám sát, chỉ cử chuyên viên, công chức dự để nắm tình hình, chưa trực tiếp giải đáp thắc mắc, tháo gỡ vướng mắc của địa phương về những vấn đề thuộc trách nhiệm của chính quyền và các ngành có liên quan.

Bên cạnh đó, Ban chưa mời được các chuyên gia tư vấn và tham gia đoàn giám sát. Ngoài ra, Luật chưa quy định cụ thể về chế tài xử lý đối với các cơ quan chức năng không thực hiện các kiến nghị giám sát của HĐND nói chung và của Ban HĐND nói riêng. Việc tổ chức tái giám sát cũng còn ít, việc đề nghị giải trình, chất vấn liên quan đến nội dung giám sát còn hạn chế với nhiều lý do khách quan, chủ quan, như tâm lý nể nang, ngại va chạm...

THEO DÕI, ĐEO BÁM ĐẾN CÙNG VỤ VIỆC

Theo các đại biểu HĐND tỉnh, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát cần chọn nội dung, đối tượng và thành phần đoàn giám sát. Nội dung giám sát phải xuất phát từ thực tế cuộc sống, từ kiến nghị của cử tri, từ những yêu cầu bức thiết trong phát triển kinh tế - xã hội.

Về đối tượng giám sát, cần chọn lọc các ngành, địa phương, đơn vị mang tính chất đại diện, có tính cá biệt, có tính phổ biến, tránh dàn trải, giám sát nhiều đối tượng có tính chất, đặc điểm giống nhau sẽ gây mất thời gian, mất tính tập trung cho đoàn giám sát.

Về thành phần đoàn giám sát, cần có sự tham gia của các thành viên có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực giám sát; có thể mời thêm các chuyên gia, nhà khoa học tham gia đoàn giám sát để có những đề xuất khả thi cho ngành, địa phương được giám sát. Đặc biệt, cần quan tâm đến hậu giám sát, theo dõi quá trình giải quyết vấn đề giám sát đến cùng.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh khóa IX Nguyễn Thị Sáng chia sẻ: “Kinh nghiệm cho thấy, vấn đề nào được lãnh đạo Thường trực HĐND tỉnh nói chung và lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh quan tâm, đeo bám đến cùng thì vấn đề đó được giải quyết dứt điểm. Từ khi còn công tác ở HĐND tỉnh, tôi tham gia và theo dõi một số vấn đề Ban VH-XH tỉnh giám sát và kiên trì đeo bám, kết quả rất thành công.

Vì vậy, sau giám sát, phải theo dõi thường xuyên việc thực hiện các kết luận, kiến nghị. Nếu không đôn đốc, nhắc nhở thực hiện kết luận, kiến nghị thì đối tượng được giám sát có thể thực hiện cầm chừng hoặc không thực hiện, sẽ làm giảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát. Trong trường hợp cần thiết có thể tái giám sát hoặc đưa vào phiên họp giải trình, chất vấn đối với những vấn đề chậm triển khai, khắc phục”.

Liên quan đến vấn đề hậu giám sát, Trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh khóa IX Nguyễn Văn Hùng cho rằng, đối với các nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát mà cơ quan có thẩm quyền không thực hiện hoặc chưa tổ chức thực hiện nghiêm túc thì Thường trực HĐND cần phải chủ trì tổ chức phiên họp xem xét việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát.

Tại phiên họp này, các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát báo cáo, giải trình; chủ tọa đánh giá về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát và đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; đồng thời nêu rõ yêu cầu thực hiện, thời hạn hoàn thành, trách nhiệm báo cáo đối với những vấn đề cụ thể...

Sau phiên họp, các nội dung mà các cơ quan chức năng không thực hiện thì Thường trực HĐND tiếp tục đưa ra để các Ban và đại biểu HĐND tiếp tục chất vấn, đề nghị giải trình cho đến khi vấn đề được giải quyết triệt để. Đối với những kiến nghị nhiều lần mà không được thực hiện, Thường trực HĐND cân nhắc các giải pháp: Kiến nghị với cấp ủy, cơ quan quản lý cán bộ đối với người đứng đầu; đề nghị cơ quan thanh tra, kiểm tra xem xét; đề nghị HĐND bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu... Có như vậy, chất lượng giám sát chắc chắn sẽ được nâng lên.

THU HOÀI

.
.
.