Thứ Ba, 01/11/2022, 21:35 (GMT+7)
.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang góp nhiều ý kiến đối với Luật Phòng thủ dân sự

(ABO) Thực hiện Chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 1-11, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng thủ dân sự và dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang góp nhiều ý kiến đối với dự thảo Luật Phòng thủ dân sự.

Tại buổi thảo luận tổ, đa số các ĐBQH đồng tình về sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự với các căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn như đã được phân tích tại Tờ trình; nội dung dự thảo luật này cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với Hiến pháp và tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần tiếp tục rà soát kỹ các luật và hệ thống văn bản có liên quan, tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật và bảo đảm tính khả thi; đề nghị giải thích rõ về khái niệm và cách thức phân biệt giữa “sự cố” và “thảm họa”; đồng thời đề nghị tiếp tục rà soát, quy định hoàn chỉnh các khái niệm cần thiết khác cho rõ ràng, dễ áp dụng.

Quang cảnh buổi thảo luận tổ
Quang cảnh buổi thảo luận tổ.

Đại biểu Nguyễn Văn Dương cho rằng, qua các tài liệu nghiên cứu cho thấy, tình trạng khẩn cấp có thể xảy ra sau khi xuất hiện những thảm họa từ tự nhiên như bão lụt, hỏa hoạn, động đất, sóng thần, dịch bệnh hoặc thảm họa do con người tạo ra, bạo loạn vũ trang lật đổ chính quyền mà gây thiệt hại về tính mạng, tài sản của cá nhân, tổ chức nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, chỉ khi những thảm họa này xảy ra trên thực tế và làm thay đổi trạng thái xã hội bình thường của đời sống con người, Nhà nước xã hội, tạo nên những tình huống đặc biệt, đòi hỏi phải có biện pháp ứng phó đặc biệt nhằm ngăn chặn, hạn chế, khắc phục hậu quả để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhà nước, xă hội, cá nhân thì mới gọi là tình trạng khẩn cấp.

Như vậy, tình trạng khẩn cấp, tình huống đặc biệt nghiêm trọng ở một số quốc gia mà trong đó cơ quan nhà nước được trao quyền thực hiện các hành động hoặc áp đặt các biện pháp theo Hiến pháp sẽ không được phép thực hiện trong bối cảnh bình thường, giúp Chính phủ có thể hành động nhanh chóng đế xử lý tình hình trong bối cảnh cấp thiết.

Theo Điều 1, Pháp lệnh năm 2000 cũng có nêu tình trạng khẩn cấp là khi trong cả nước, một hoặc nhiều địa phương có thảm họa lớn do thiên nhiên hoặc con người gây ra có dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tài sản nhà nước và tổ chức, tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, hoặc có tình trạng đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp để áp dụng các biện pháp đặc biệt nhằm kịp thời ngăn chặn, hạn chế và khắc phục hậu quả xảy ra nhanh chóng, ổn định tình hình.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Văn Dương đề nghị Ban soạn thảo cần có quy định về tình trạng khẩn cấp trong Luật Phòng thủ dân sự, quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công bố, công bố thi hành bãi bỏ tình trạng khẩn cấp, các biện pháp áp dụng trong tình trạng khẩn cấp; vấn đề quyền con người, quyền công dân và hạn chế quyền con người, quyền công dân trong tình trạng khẩn cấp, trách nhiệm của các chủ thể trong tình trạng khẩn cấp (điểm d, khoản 2, điều 21 và khoản 4, điều 22).

Đại biểu
Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ.

Đối với quy định các biện pháp được áp dụng trong phòng thủ dân sự cấp độ 4; chỉ đạo, chỉ huy trong phòng thủ dân sự cấp độ 4 (điều 28, điều 29), đại biểu nguyễn Văn Dương góp ý đối với điểm c, khoản 1, điều 28 về xử lý khẩn cấp thi thể. Đại biểu cho rằng không riêng gì cấp độ 4 mới có tử vong nhiều mà tất cả các cấp độ 1, 2, 3 đều có tử vong, và có thể do nhiều nguyên nhân dẫn đến tử vong, có những nguyên nhân không rõ ràng hoặc không hẳn là do dịch bệnh, thảm họa, thiên tai…

Trên thực tế trong thời gian chống dịch bệnh vừa qua cho thấy có những trường hợp được yêu cầu từ Công an để giám định xem tử vong do dịch bệnh hay do nguyên nhân nào khác. Chúng ta không loại trừ trường hợp trong cách ly y tế cũng có thể xảy ra các trường hợp án mạng, những nguyên nhân khác có liên quan đến hình sự. Do đó, đối với trường hợp này nên có quy định rõ là phối hợp với ngành Công an hay Quốc phòng để xác định đúng nguyên nhân tử vong để loại bỏ những trường hợp có án xảy ra. Vì vậy, tại khoản 4, điều 56 trách nhiệm của Bộ Y tế nên bổ sung thêm phối hợp với Công an để xử lý tử thi, có khám nghiệm tử thi hay không những trường hợp tử vong không rõ ràng.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ.

Ngoài ra, tại điều 34, Nghị định 02 năm 2019 của Chính phủ nêu rõ tổ chức xử lý y tế và chôn cất người chết, xác động vật, khử trùng tiêu độc và dập dịch hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện các biện pháp phòng dịch. Theo nghị định này thì thi thể được chôn nhưng các Quyết định 22, 33 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thì thi hài người nhiễm SARS-CoV-2 phải được hỏa táng, chỉ mai táng trong trường hợp không thực hiện được hỏa táng.

Do đó, Luật Phòng thủ dân sự nên quy định chi tiết điều này, phải phân định rõ ràng giữa tử vong do thảm họa, do thiên tai hay do dịch bệnh… Đồng thời, quy định chi tiết phải có sự phối hợp giữa Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong quá trình xử lý đối với các tử thi này để tránh lúng túng như trường hợp dịch Covid-19 vừa qua, có một số gia đình không cho đi hỏa táng và yêu cầu phải chôn cất nhưng nếu như thế thì vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh...

Ngoài ra, đối với khoản 2, điều 43 quy định về nguồn tài chính cho phòng thủ dân sự gồm: Ngân sách nhà nước, Quỹ Phòng thủ dân sự, nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân, nguồn khác theo quy định của pháp luật. Đại biểu Nguyễn Văn Dương đề nghị Ban soạn thảo nên cân nhắc, bởi hiện nay người dân đã đóng nhiều loại quỹ như: Quỹ phòng, chống thiên tai, Quỹ bảo vệ môi trường, Quỹ phòng, chống dịch bệnh…

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cũng đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Văn Dương, đồng thời góp ý thêm đối với dự thảo Luật Phòng thủ dân sự nhiều quy định vẫn còn rất chung chung, trừu tượng như Chủ tịch UBND các cấp xác định cấp độ phòng thủ dân sự để tổ chức chỉ đạo, điều hành và áp dụng biện pháp phù hợp với khả năng địa phương. Đại biểu cho rằng như thế thì rất khó để thực hiện, cần có tiêu chí cụ thể theo từng cấp độ để mỗi địa phương có cơ sở quyết định chỉ đạo các biện pháp phù hợp cấp độ…

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cũng góp ý thêm đối với các quy định về chế độ, chính sách đối với lực lượng phòng thủ dân sự; chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ lực lượng phòng thủ dân sự; bảo hiểm rủi ro do thảm họa, sự cố.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn góp ý kiến đối với dự thảo Luật Phòng thủ dân sự.

Cũng cho ý kiến đối với dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu Nguyễn Minh Sơn góp ý đối với điều 4 về chính sách của Nhà nước trong phòng thủ dân sự. Đại biểu cho rằng, rút kinh nghiệm từ việc ban hành luật trong thời gian qua cũng có chính sách của Nhà nước nhưng không quy định cụ thể nên không triển khai thực hiện được (ví dụ như Luật Quy hoạch). Vì vậy, để cụ thể hóa chính sách của Nhà nước trong phòng thủ dân sự triển khai thực hiện không bị vướng mắc, đề nghị bổ sung thêm một khoản giao Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Đối với điều 37, quy định cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự thì dự thảo luật quy định thành lập cơ quan chỉ đạo quốc gia phòng thủ dân sự theo hướng tinh gọn đầu mối trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết. Đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, bổ sung một số quy định mang tính nguyên tắc về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Ban để Chính phủ có căn cứ quy định chi tiết…

MINH TRÍ - THU HOÀI

.
.
.