Thứ Hai, 26/12/2022, 10:38 (GMT+7)
.
TIẾN TỚI KỶ NIỆM 60 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG ẤP BẮC (2-1-1963 - 2-1-2023)

"Một chiến thắng kỳ lạ"

LTS: Tiến tới kỷ niệm 60 năm Ngày Chiến thắng Ấp Bắc, Báo Ấp Bắc trân trọng giới thiệu lại bài viết: “Một chiến thắng kỳ lạ”  của tác giả Trúc Bình đăng trên Báo Ấp Bắc số đặc biệt kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Ấp Bắc (2-1-1963 - 2-1-1993).

Đó là lời của một nhà báo Mỹ nói về Chiến thắng Ấp Bắc của quân và dân ta ngày 2-1-1963. Đối với những người nước ngoài, trận Ấp Bắc quả là kỳ lạ thật. Bởi lẽ, một trận đánh rõ ràng không cân sức giữa một bên là quân đội nhà nghề, với số quân và phương tiện kỹ thuật trên thế áp đảo, địa hình nhỏ hẹp và trống trải rất thuận lợi cho việc phát huy ưu thế binh hỏa lực và các phương tiện chiến tranh hiện đại như máy bay các loại, xe M.113, tàu chiến được gọi là tối tân nhất lúc bấy giờ. Với một bên với số quân kém hơn gấp 6 lần, đầu trần chân đất không có lấy một phương tiện chiến tranh nào gọi là hiện đại, ngoài súng trường và cao nhất là súng cối 60 ly. Ấy thế mà đã giành được thắng lợi.

Bom pháo địch xối xả đêm ngày nhưng quân và dân Ấp Bắc vẫn quyết tâm thu hoạch vụ mùa.
Bom pháo địch xối xả đêm ngày nhưng quân và dân Ấp Bắc vẫn quyết tâm thu hoạch vụ mùa.

Sở dĩ người nước ngoài cho là kỳ lạ là vì họ chỉ nhìn vào so sánh lực lượng, trang bị kỹ thuật đơn thuần, không hiểu nổi và không đánh giá được truyền thống kiên cường, bất khuất và sức mạnh của dân tộc Việt Nam.

Còn đối với chúng ta, trận Ấp Bắc không có điều gì gọi là kỳ lạ. Bởi lẽ, quân và dân ta có sức mạnh và cách đánh truyền thống của tổ tiên truyền lại. Nhìn lại lịch sử lúc nhà Hán đô hộ nước ta, dân số ta lúc bây giờ chỉ có 960 ngàn người, còn đế chế Hán với dân số gấp mấy chục lần nhân dân ta, ấy thế mà Hai Bà Trưng dám phất cờ khởi nghĩa đánh thắng quân xâm lược, giành độc lập cho Tổ quốc. Thời nhà Trần, nước ta chỉ có 6 triệu người nhưng đã 3 lần đánh thắng quân Nguyên, lực lượng đã xâm lược và thống trị nhiều nước ở châu Âu và châu Á.

Cũng chính trên địa bàn này, cách trận Ấp Bắc không xa, dưới sự lãnh đạo của người anh hùng áo vai Nguyễn Huệ, nhân dân ta đã đánh tan 5 vạn quân Xiêm xâm lược, lập nên chiến thắng lẫy lừng Rạch Gầm, Xoài Mút. Từng ấy sự kiện cũng đủ nói lên Chiến thắng Ấp Bắc rõ ràng được hun đúc từ truyền thống của tổ tiên, của cha anh truyền lại, tạo cho quân dân Ấp Bắc một sức mạnh thần kỳ để giành chiến thắng. Khi nói về trận Ấp Bắc, một nhà báo Mỹ viết: “Họ (ý nói lực lượng vũ trang ta) không chỉ thành công trong một trận đánh, mà họ đã thực hiện được một thắng lợi theo cách của tổ tiên họ”.

Chiến thắng Ấp Bắc không có gì lạ; bởi lẽ, ta có sức mạnh chính nghĩa, quân dân Ấp Bắc đã bao năm sống dưới ách thống trị, độc tài phát xít của ngụy quyền Ngô Đình Diệm, tay sai Mỹ được chúng nuôi dưỡng. Các chính sách phản dân hại nước tố cộng, diệt cộng, đàn áp những người yêu nước cùng với việc cào nhà gom dân, bắt xâu, bắt lính, khủng bố dân lành đã dồn nén nhân dân đến cùng cực.

Và theo một quy luật hiển nhiên, có áp bức, có đấu tranh đã thúc đẩy quân dân Ấp Bắc dồn hết sức mạnh căm thù và lòng yêu nước vào mũi lê, đầu súng chiến đấu một mất một còn với kẻ thù để giành lại cuộc sống yên lành, giành lại độc lập tự do và hạnh phúc cho chính mình và con cháu mai sau.

Trận thắng Ấp Bắc không lạ; bởi lẽ, ta có sức mạnh tổng hợp của Đảng, quân dân đoàn kết một lòng, của đường lối chiến tranh nhân dân. Nhân dân sát cánh cùng lực lượng vũ trang của mình chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Nhân dân giúp bộ đội đào công sự, tiếp tế lương thực, cứu chữa thương binh, đấu tranh chính trị, binh vận tạo điều kiện cho bộ đội đánh địch.

Sức mạnh tổng hợp còn thể hiện trên toàn chiến trường của tỉnh, lực lượng nhân dân, dân quân tự vệ, kết hợp lực lượng vũ trang địa phương tiến công đồng loạt căng kéo làm cho địch không chi viện cho nhau được và phải chịu thất bại đau đớn ở trận Ấp Bắc. Nhận xét về Chiến thắng Ấp Bắc của ta, một nhà báo Mỹ đã phân tích: “Ấp Bắc là một trận đánh có tính quyết định đối với cách mạng Việt Nam”.

Đối với ta, Chiến thắng Ấp Bắc có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước ngoặt mới làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy, trước hết, mở ra phong trào “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công” trên toàn chiến trường miền Nam, đưa thế và lực của ta lên bước phát triển mới cao hơn.

Từ sau năm 1975 đến nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tuy còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng cũng cố gắng làm được một số việc để xây dựng lại Ấp Bắc thành khu di tích lịch sử truyền thống. Mong rằng kinh tế tỉnh nhà dần dần phát triển, có điều kiện ta sẽ xây dựng lại Ấp Bắc đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, xứng đáng với tầm vóc lịch sử của Chiến thắng Ấp Bắc.

TRÚC BÌNH

 

.
.
.