Thứ Tư, 22/03/2023, 09:57 (GMT+7)
.
PHIÊN HỌP THỨ 21 ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI:

Chất vấn trọng tâm, có tính thời sự, gắn với yêu cầu cải cách tư pháp

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa tổ chức hoạt động chất vấn nhóm vấn đề về lĩnh vực Tòa án nhân dân (TAND) và Kiểm sát nhân dân (KSND). Phiên chất vấn được kết nối trực tuyến tới các địa phương trong cả nước. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội đồng chủ trì tại điểm cầu Hà Nội.

Chủ trì phiên chất vấn tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang có đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang. Tham dự có Ủy viên Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Thanh Nguyên; Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Văn Dũng; các ĐBQH tỉnh Tiền Giang khóa XV; Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành…

CHẤT VẤN NHIỀU VẤN ĐỀ “NÓNG”

Tại phiên chất vấn, các ĐBQH đã gửi đến Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhiều câu hỏi tập trung những nội dung như: Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; tỷ lệ án hành chính bị hủy sửa còn cao; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Công tác cán bộ của ngành Tòa án; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của Thẩm phán và các công chức ngành Tòa án; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Tòa án. Công tác tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ. Việc triển khai thi hành Nghị quyết 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, nhất là việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho xét xử trực tuyến…

Quang cảnh phiên chất vấn tại điểm cầu Tiền Giang.
Quang cảnh phiên chất vấn tại điểm cầu Tiền Giang.

Đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm sát, các ĐBQH đã có nhiều câu hỏi chất vấn Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí, trong đó tập trung các nội dung: Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết các vụ án hình sự, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng, không để xảy ra việc bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội. Tăng cường chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa; giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự; kiểm sát thi hành án hình sự, dân sự, hành chính.

Việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Công tác cán bộ của ngành Kiểm sát; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của kiểm sát viên và các công chức của Viện KSND. Việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Kiểm sát; giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao, nhất là nâng cao tỷ lệ phát hiện tội phạm; tăng cường rà soát để kịp thời giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền.

Đối với từng vấn đề chất vấn, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình và Viện trưởng Viện KSND Lê Minh Trí đã trả lời cụ thể, thẳng thắn, trí tuệ, trách nhiệm, thiết thực. Nhiều vấn đề các ĐBQH đã có ý kiến tranh luận sôi nổi nhằm cùng với lãnh đạo trung ương tìm ra giải pháp tháo gỡ những bất cập tồn tại nhiều năm qua, các câu trả lời đã cơ bản thỏa mãn yêu cầu của các ĐBQH.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá: Phiên làm việc đã diễn ra rất thẳng thắn, khẩn trương, sôi nổi, tập trung vào các nội dung chất vấn mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra. Các vị ĐBQH đã nghiên cứu kỹ tài liệu, bám sát nội dung chất vấn, đặt nhiều câu hỏi, tập trung vào các vấn đề được đông đảo cử tri và dư luận xã hội quan tâm. Các đồng chí Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng Viện KSND Tối cao với tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực quản lý đã trả lời cơ bản, rõ ràng, cụ thể các câu hỏi của các vị ĐBQH; đồng thời, nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, hạn chế và đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành Tòa án và ngành Kiểm sát trong thời gian tới…

TIỀN GIANG ĐẠT KẾT QUẢ TÍCH CỰC TRONG HOẠT ĐỘNG TÒA ÁN VÀ KIỂM SÁT

Thời gian qua, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trên các lĩnh vực tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản đều đạt và vượt so với chỉ tiêu Quốc hội giao. Theo báo cáo của TAND tỉnh, năm 2022, tiến độ, chất lượng giải quyết án hình sự được đẩy nhanh và bảo đảm đúng quy định của pháp luật; không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, tỷ lệ bắt giữ chuyển xử lý hình sự đạt tỷ lệ 100%, vượt chỉ tiêu, không có trường hợp nào trả tự do không phạm tội. Số vụ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung có trách nhiệm của Viện KSND tỉnh giảm đáng kể so với cùng kỳ; tỷ lệ giải quyết án của Viện KSND tỉnh đạt 98%, tỷ lệ truy tố đúng thời hạn đạt 100%, đều vượt chỉ tiêu…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, căn cứ kết quả phiên chất vấn đối với từng lĩnh vực, kết luận từng nội dung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về chất vấn. Chủ tịch Quốc hội giao Ủy ban Tư pháp chủ trì, phối hợp với TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm xem xét, ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội cũng đã nêu cụ thể một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sẽ được nêu trong nghị quyết này và yêu cầu Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Chính phủ, các Bộ trưởng ngành hữu quan quan tâm triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý: Để nghị quyết đi vào cuộc sống đề nghị Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Chính phủ, các vị Bộ trưởng ngành hữu quan thực hiện quyết liệt các giải pháp, các cam kết trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các vị ĐBQH, trước nhân dân và cử tri cả nước…

Hiệu lực, hiệu quả kiểm sát hoạt động tư pháp trên các lĩnh vực từng bước được nâng lên, kịp thời phát hiện nhiều loại vi phạm và ban hành kháng nghị, kiến nghị khắc phục, góp phần nâng cao chất lượng công tác của các cơ quan tư pháp. Số lượng và chất lượng kháng nghị phúc thẩm lĩnh vực dân sự, hành chính đều vượt chỉ tiêu và tăng so với cùng kỳ. Các kiến nghị, kháng nghị trong lĩnh vực hoạt động tư pháp đều được các cơ quan chấp nhận, khắc phục, tỷ lệ chấp nhận vượt so với chỉ tiêu Quốc hội giao.

Đối với ngành Tòa án cũng có nhiều điểm sáng tích cực. Theo TAND tỉnh, năm 2022, TAND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo TAND hai cấp đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xét xử các loại án, không để quá hạn luật định; hạn chế đến mức thấp nhất các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan. Mặc dù số lượng vụ việc mà Tòa án phải thụ lý và giải quyết rất nhiều, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp nhưng Tòa án đã chủ động nắm bắt tình hình, triển khai thực hiện tốt các giải pháp đột phá nâng cao chất lượng xét xử nên hoạt động tòa án tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, đã khắc phục nhiều hạn chế, tồn tại trong công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc của những năm trước đây.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực tòa án và kiếm sát tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2021 có hiệu lực thi hành đã phát sinh thêm trách nhiệm đối với ngành Kiểm sát. Trong khi bộ máy tổ chức, biên chế của ngành Kiểm sát Tiền Giang hiện nay chỉ có 205 biên chế (còn thiếu 36 biên chế), trong đó chỉ có 153 kiểm sát viên phải kiểm sát 11 đơn vị cấp huyện và 172 đơn vị cấp xã, dẫn đến số biên chế hiện phải gánh khối lượng công việc rất lớn. Điều này đã gây ảnh hưởng đến tiến độ cũng như chất lượng công tác. Mặt khác, chính sách về lương và chế độ đối với công chức ngành Kiểm sát còn thấp, chưa tương xứng với tính chất đặc thù của chức năng, nhiệm vụ. Bên cạnh đó, trang thiết bị, cơ sở vật chất của Viện KSND tỉnh và một số Viện KSND cấp huyện đã xuống cấp nghiệm trọng…

Đối với tòa án trong thực tiễn giải quyết, xét xử án hành chính còn gặp nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến hoạt động xét xử sơ thẩm vụ án hành chính. Bên cạnh đó, việc giải quyết án hành chính liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội được điều chỉnh bởi rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, trong khi đó pháp luật hành chính và pháp luật về chuyên ngành ở nước ta còn nhiều hạn chế, thường xuyên sửa đổi bổ sung qua từng thời kỳ, nhất là lĩnh vực về đất đai rất phức tạp…

Đây không chỉ là những khó khăn, bất cập của ngành Tòa án và Kiểm sát tỉnh Tiền Giang, mà thông qua ý kiến của nhiều ĐBQH ở nhiều tỉnh, thành tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy, đây là thực trạng chung ở nhiều tỉnh, thành đang gặp phải. Với trách nhiệm của mình, các đồng chí Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng Viện KSND Tối cao, cùng các Bộ trưởng và trưởng ngành đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách đã nghiêm túc, cầu thị và lắng nghe, tiếp thu đầy đủ ý kiến xác đáng của các ĐBQH, thẳng thắn giải trình làm rõ nhiều vấn đề. Đồng thời, đề ra nhiều giải pháp căn cơ giải quyết những hạn chế còn tồn tại, đáp ứng nguyện vọng của đại biểu và cử tri cả nước.

THU HOÀI

.
.
.