Người cộng sản kiên trung, người con ưu tú của quê hương Cai Lậy
Đã 77 năm trôi qua, kể từ ngày đồng chí Phan Văn Khỏe hy sinh, nhưng hình ảnh và tinh thần chiến đấu của đồng chí luôn in đậm trong lòng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Nam Kỳ: Người cộng sản kiên cường, tiêu biểu trong Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, một cán bộ lãnh đạo suốt đời tận tụy với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Phẩm chất, đạo đức trong sáng, ý chí chiến đấu kiên cường, bền bỉ của đồng chí là tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay phấn đấu, rèn luyện và noi theo.
TRỌN ĐỜI VÌ SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG
Với 45 năm tuổi đời, gần 20 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Phan Văn Khỏe (1901 - 1946), nguyên Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) luôn tỏ rõ là người chiến sĩ cộng sản kiên cường, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Đồng chí Phan Văn Khỏe sinh ra và lớn lên ở làng Mỹ Hạnh Đông, quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Mỹ Hạnh Đông, TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Năm 1930, đồng chí là đảng viên cộng sản đầu tiên ở quận Cai Lậy lúc bấy giờ. Trong quá trình hoạt động cách mạng đầy khó khăn và thử thách, đồng chí Phan Văn Khỏe đã đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng.
Dù ở cương vị nào, đồng chí đều luôn tận tâm, tận lực vì công việc và trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù khó khăn, gian khổ, ác liệt đến mấy cũng không sờn lòng, không chùn bước với niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi của cách mạng. Đồng chí luôn thể hiện sự kiên định, vững vàng, trung thành tuyệt đối lý tưởng giải phóng dân tộc của Đảng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được phân công.
Đặc điểm nổi bật trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Phan Văn Khỏe, đó là “sự kiên cường, trung kiên, bất khuất”. Khoảng giữa năm 1941, lúc này Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ở Mỹ Tho đã bị dập tắt, trên đường đi Bến Tre, đồng chí bị lộ và bị địch bắt chuyển về Cai Lậy. Tại đây, địch nhận dạng được đồng chí là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nên đã sử dụng những hình thức tra tấn dã man nhất, hòng khuất phục đồng chí.
Tuy nhiên, địch đã thất bại trước ý chí kiên cường của đồng chí, chúng kết án tử hình, sau hạ xuống chung thân và đày ra Côn Đảo. Ngày 20-2-1942, tại Tòa án Quân sự đặc biệt ở Sài Gòn, đồng chí Phan Văn Khỏe bị tòa án thực dân buộc tội phản nghịch, với mức án chung thân khổ sai, đày ra Côn Đảo. Ngày 7-7-1942, chúng đày đồng chí ra Côn Đảo, mang số tù “C.10018”.
Trong tù, đồng chí nhận tin người con trai Phan Văn Lữ rơi vào tay giặc, bị tra tấn đến chết tại bót cảnh sát Catinat ở Sài Gòn. Khi ra đảo, đồng chí lại được tin người em ruột Phan Văn Nam cũng bị bắt ra đảo, rồi vĩnh viễn nằm lại nơi đây. Đồng chí đã nén đau thương, không chịu khuất phục trước đòn roi của kẻ thù, vẫn miệt mài hăng say chiến đấu, học tập để bảo vệ sinh mạng, khí tiết người cộng sản, chờ đợi thời cơ trở về với phong trào cách mạng.
Đứng trước Nhà lưu niệm, bà Phan Thị Thảo, cháu nội của đồng chí Phan Văn Khỏe bùi ngùi xúc động: “Xây dựng Nhà tưởng niệm là mong muốn ấp ủ rất lâu của gia đình chúng tôi và đến nay đã thành hiện thực. Gia đình chúng tôi mong muốn Nhà tưởng niệm sẽ lưu giữ những tài liệu, kỷ vật của ông tôi, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy niềm tự hào của các thế hệ con cháu đối với các thế hệ đi trước, về tinh thần cách mạng, không ngừng chiến đấu, hy sinh, cống hiến trọn đời cho độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Tôi vô cùng tự hào là con cháu của ông và cũng xin hứa với ông, với các cấp chính quyền, sẽ luôn nhắc nhở bản thân và con cháu phải sống lành mạnh, học tập và làm việc để trở thành công dân có ích cho xã hội…”. |
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí trở về tiếp tục công tác ở tỉnh Mỹ Tho, góp phần củng cố lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ Đồng Tháp Mười để tiến hành cuộc kháng chiến. Đầu tháng 3-1946, trên đường công tác từ Cai Lậy đến Cái Bè, đồng chí bị địch bắt. Chúng tra tấn đồng chí hết sức dã man. Không thể khuất phục được người cộng sản kiên cường, đêm mùng 7 tháng 3 năm 1946, bọn giặc hèn hạ thủ tiêu đồng chí.
Theo những tài liệu ghi chép về đồng chí Phan Văn Khỏe, thấm nhuần tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, đồng chí luôn hết lòng, hết sức hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Đồng chí có nếp sống chân tình, giản dị, gần gũi đồng bào, đồng chí nên được mọi người yêu thương, kính trọng. Phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân đó là phẩm chất cao đẹp, sáng ngời một nhân cách lớn của người cộng sản, nhà lãnh đạo sáng tạo Phan Văn Khỏe.
Công lao và sự cống hiến của đồng chí Phan Văn Khỏe đối với quê hương, với cách mạng là vô cùng to lớn. Cuộc đời hoạt động và những đóng góp của đồng chí đã tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của quê hương; các sự kiện lớn trong khởi nghĩa Nam kỳ diễn ra ở tỉnh Mỹ Tho đều có sự tham gia, đóng góp lãnh đạo của đồng chí, như: Sự ra đời của lá Cờ đỏ sao vàng (Quốc kỳ nước ta hiện nay), tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), thành lập Ủy ban nhân dân Cách mạng tỉnh Mỹ Tho, Lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng và Tòa án nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho để xét xử bọn tay sai…
Đồng chí Phan Văn Khỏe là hiện thân tiêu biểu của lớp chiến sĩ cách mạng hy sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp của Đảng, của dân tộc. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí đầy gian truân, thử thách, dám đương đầu với mọi hiểm nguy; vào sinh, ra tử đã rèn luyện đồng chí trở thành người cộng sản chân chính. Sự phấn đấu và rèn luyện không ngừng của đồng chí Phan Văn Khỏe là tấm gương sáng cho các thế hệ sau học tập và noi theo.
“ĐỊA CHỈ ĐỎ” GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG
Vừa qua, TX. Cai Lậy khánh thành Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Nhà tưởng niệm đồng chí Phan Văn Khỏe tại ấp Mỹ Bình, xã Mỹ Hạnh Đông. Di tích có diện tích hơn 1 ha, bao gồm các hạng mục: Sân lễ, nhà bia, cột cờ, nhà tưởng niệm, bãi đậu xe, cổng tam quan, hệ thống hàng rào và các công trình phụ trợ khác.
Học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Mỹ Hạnh Đông thắp hương tại Nhà tưởng niệm đồng chí Phan Văn Khỏe. |
Chủ tịch UBND TX. Cai Lậy Trần Văn Thức cho biết, năm 2018, TX. Cai Lậy đề nghị và được UBND tỉnh hỗ trợ xây dựng Nhà tưởng niệm đồng chí Phan Văn Khỏe. Đây là một trong những dịp để tôn vinh những công lao đóng góp to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng nói chung và Tiền Giang, TX. Cai Lậy và Mỹ Hạnh Đông nói riêng. Công trình mang ý nghĩa lịch sử to lớn, tầm vóc của một đồng chí lãnh đạo Xứ ủy.
Công trình đã được hoàn thành và bàn giao đúng vào dịp kỷ niệm 77 năm ngày đồng chí Phan Văn Khỏe hy sinh (7-3-1946 - 7-3-2023). Trong quá trình xây dựng Khu tưởng niệm, UBND TX. Cai Lậy lập hồ sơ khoa học trình UBND tỉnh và đã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đối với Khu tưởng niệm đồng chí Phan Văn Khỏe. Đây là niềm vinh dự và tự hào của xã Mỹ Hạnh Đông, TX. Cai Lậy nói riêng và tỉnh Tiền Giang nói chung.
Chủ tịch UBND xã Mỹ Hạnh Đông Nguyễn Văn Lập cho biết, công trình Nhà tưởng niệm đồng chí Phan Văn Khỏe chính là tình cảm, ước nguyện thiết tha của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mỹ Hạnh Đông, nhằm giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào về tấm gương cách mạng sáng ngời của đồng chí Phan Văn Khỏe cho thế hệ hôm nay và thế hệ mai sau; góp phần tô thắm thêm trang sử vàng truyền thống văn hóa, cách mạng quê hương Mỹ Hạnh Đông. Địa phương sẽ làm tốt việc quản lý, chăm sóc, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử công trình Nhà tưởng niệm đồng chí Phan Văn Khỏe một cách thiết thực và hiệu quả.
Ông Phạm Văn Bé, ấp Mỹ Lương, xã Mỹ Hạnh Đông chia sẻ: “Bản thân tôi rất tự hào khi được sống trên quê hương giàu truyền thống cách mạng Mỹ Hạnh Đông và quê hương mình có một Bí thư Xứ ủy Nam kỳ xuất sắc như vậy. Bản thân tôi sẽ tiếp tục giáo dục con cháu biết được trong những năm kháng chiến khó khăn, gian khổ và ác liệt, ông cha đã đứng lên đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc; trong đó, đồng chí Phan Văn Khỏe đã góp phần vào thắng lợi của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc”.
Em Nguyễn Hoàng Thái, học sinh lớp 9A3, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Mỹ Hạnh Đông chia sẻ: “Sau khi nghe và biết về cuộc đời của ông, em cảm thấy rất tự hào vì những gì ông đã cống hiến và hy sinh cả tuổi xuân cho quê hương, đất nước. Để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những công lao và sự hy sinh của ông, em xin hứa sẽ ra sức học tập thật tốt để góp phần xây dựng xã nhà ngày càng phát triển và em sẽ noi gương ông giữ gìn và phát huy truyền thống yêu nước của quê hương”.
Xin mượn 2 câu đối bên trong Nhà tưởng niệm đồng chí Phan Văn Khỏe để thay cho lời kết bài viết này:
“Cờ đỏ sao vàng uy linh hồn dân tộc
Khởi nghĩa Nam kỳ vang danh đất Tiền Giang”.
HÀ NAM