Thứ Tư, 30/04/2025, 08:18 (GMT+7)
.

Người trong bức ảnh quý giá sau 50 năm

Ngày 30-4 năm nay, đất nước kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Kỷ vật gia đình tôi còn lưu giữ mãi là tấm ảnh gia đình chụp chung vào dịp sau ngày 30-4-1975 khoảng 2 tháng, tại tiệm chụp ảnh Lâm Tuấn, khi ông tôi từ Trung ương Cục trở về thăm nhà sau 21 năm biền biệt xa nhà đi kháng chiến. 

Tấm ảnh gia đình chụp chung vào dịp sau ngày 30-4-1975 khoảng 2 tháng.
Tấm ảnh gia đình chụp chung vào dịp sau ngày 30-4-1975 khoảng 2 tháng.

12 người trong tấm ảnh khi đó đều còn trẻ, ông bà nội tôi lớn tuổi nhất tầm 56 - 57 tuổi; kế đến ba mẹ tôi, thím ba (vợ của chú ba, lúc đó đã mất) tầm 30 - 35 tuổi; thế hệ chúng tôi gồm 5 anh em tôi (Dũng, Tân, Nguyệt, Nga, Phúc) và 2 anh em con chú ba (Hoàng, Toàn), đứa cao tuổi nhất 14 tuổi, đứa thấp nhất 3 tuổi. Đến nay, sau 50 năm, bà nội tôi đã mất vào năm 2003 do bệnh, ông nội tôi mất vào năm 2014 cũng do bệnh, ba mẹ tôi đều “U90”, anh em tôi từ người nhỏ nhất 52 tuổi, người lớn nhất 64 tuổi. 

Ông nội tôi sinh năm 1919 tại ấp 1, xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho bây giờ. Lúc chụp ảnh, ông 56 tuổi, người tầm thước, gương mặt gầy nhưng sáng láng. Ba ông (ông cố tôi) tên là Nguyễn Văn Hồ, làm thợ hồ quanh vùng như cái tên của ông. Ông tham gia cách mạng, làm Hội trưởng Hội Phụ lão cứu quốc giai đoạn 1944 - 1946. Đến năm 1946, giặc Pháp bắt, đưa đi thủ tiêu, đến nay không tìm thấy hài cốt; điều an ủi là công lao của ông cố tôi được Nhà nước ghi nhận và phong tặng danh hiệu liệt sĩ. 

Mẹ ông (bà cố tôi), khi ông nội tôi đi bộ đội đánh Pháp, bọn chỉ điểm đã dẫn Pháp đến bắn chết vào năm 1948, khi đó bà nội tôi nhanh chân ẩn nấp, ba và chú tôi bò trước sân nhà khóc thảm thiết, may là chúng không bắn. 

Ông tôi học đến lớp 5 thời đó coi như là biết chút chữ nghĩa, rồi theo ông cố tôi đi làm hồ quanh vùng. Tháng 8-1945, ông là Đoàn phó Thanh niên Tiền phong, rồi làm Phó Công an ấp; bị địch bắt giam ở khám đường Mỹ Tho khoảng 2 tháng. Đến năm 1948, ông tham gia vệ quốc đoàn đánh Pháp suốt 7 năm trên địa bàn tỉnh Mỹ Tho - Gò Công. Năm 1948, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ, ông được phân công tập kết ra miền Bắc. Rời quân ngũ, ông lần lượt trải qua các chức vụ lãnh đạo, quản lý ở một số địa phương ở miền Bắc như Hòa Bình, Hà Nam. Đến năm 1963, ông tình nguyện trở về Nam chiến đấu; được tổ chức phân công công tác tại tỉnh Quảng Đức (nay là tỉnh Đắk Nông), chức vụ cao nhất là Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy (năm 1969). Đến năm 1974, ông được điều về công tác tại Ban Tổ chức Trung ương Cục. Năm 1976, ông được điều động về công tác tại tỉnh Tiền Giang và năm 1979, được phân công nhiệm vụ Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh (nay là Giám đốc Sở Nội vụ). 

Sau khi đã lớn tuổi (năm 1986), ông được điều về công tác ở Ban Tổ chức Tỉnh ủy với nhiệm vụ chuyên viên nghiên cứu, cho đến năm 1988 thì nghỉ hưu, lúc đó ông đã 69 tuổi. Về hưu, ông tiếp tục công tác ở xã Đạo Thạnh với nhiệm vụ Chủ tịch Hội Người cao tuổi (khoảng 5 năm) rồi mới nghỉ hẳn. Đến năm 2014, ông bị bệnh nặng và mất lúc 1 giờ ngày 30-4. Qua quá trình tham gia cách mạng, ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc Lập hạng Nhì; được Tỉnh ủy Tiền Giang trao tặng Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng. Điều khẳng định chắn chắn, ông nội tôi là tấm gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư theo lời dạy của Bác Hồ. 

Có mấy câu chuyện chứng thực điều đó qua việc làm của ông, qua nghe bà nội tôi kể lại. Hơn 7 năm tham gia bộ đội đánh Pháp, ông hầu như không giúp gì cho bà tôi ngoài thỉnh thoảng bà tôi đến thăm ông và tiếp tế thực phẩm. 21 năm đánh Mỹ, ông đi biền biệt, không có tài sản riêng gì đem về cho bà tôi ngoài sự đóng góp cho công cuộc kháng chiến chung của dân tộc. Sau giải phóng, ông bà tôi đã hiến cho Nhà nước 5 công đất vườn ở xã Đạo Thạnh (có cất nhà trên đó). 

Tết Mậu Thân 1968, pháo giặc bắn cháy sạch, cả gia đình tôi phải chuyển về quê của bà nội ở xã Tân Mỹ Chánh. Đất này thuê của địa chủ từ thời ông cố tôi, theo lẽ đương nhiên thì thuộc về quyền sử dụng của ông bà tôi. Thời gian đầu làm việc, ông chạy xe đạp từ xã Tân Mỹ Chánh đến cơ quan (khoảng 10 km, đường có đoạn sình lầy, đầy “ổ gà, ổ voi”), ông cũng có tuổi nên đi lại rất vất vả, thấy vậy cơ quan nơi ông công tác đã bố trí chỗ ở tập thể cho ông. Sau này, Nhà nước cấp cho ông 1 công đất (trong số 5 công đất mà ông đã hiến) để ông tự cất ngôi nhà gỗ để sinh sống. 

Năm 1997, bà nội bị tai biến, ông chuyển về sống cùng bà tôi ở ấp Bình Phong, xã Tân Mỹ Chánh, tiếp tục chăm sóc bà nội nằm liệt giường cho đến năm 2003 thì bà mất. Thửa đất ở ấp 1, xã Đạo Thạnh, ông làm giấy tờ cho 7 đứa cháu. Việc chung - việc riêng đối với ông rất rõ ràng minh bạch, luôn đặt lợi ích chung lên trên. Năm 1979, anh hai tôi đang học lớp 11 được lệnh lên đường nhập ngũ, ông động viên anh tôi làm tốt nhiệm vụ của người thanh niên đối với Tổ quốc, chứ tuyệt nhiên không có tác động nào để anh tiếp tục việc học. Nhiều người khi kể về ông tôi đều công nhận ông là cán bộ liêm khiết, chí công vô tư, là “ông già” Tiền Giang. 

Ông luôn quan tâm giáo dục con cháu nên người, đi theo con đường cách mạng của ông, cách giáo dục của ông không “đao to, búa lớn” mà lấy tấm gương, tình thương và sự công bằng của mình để thuyết phục, giáo dục.

Đến nay, người trong ảnh đều thành đạt. Ba tôi sinh năm 1940, vào Đảng năm 1980, đã trải qua các chức vụ Chủ nhiệm Hợp tác xã Tân Mỹ Chánh, Chủ tịch rồi Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Tân Mỹ Chánh, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. 

Nay tuy tuổi đã cao, sức yếu, nhưng ba tôi vẫn lao động sản xuất, tự lực kinh tế gia đình, chăm sóc chu đáo mẹ tôi bị bệnh tiểu đường biến chứng. Cũng như ông tôi, ba tôi luôn giữ gìn danh dự của người cán bộ, đảng viên. Điều ba tôi tự hào nhất là các con và cháu đều là cán bộ, công chức, đều tốt nghiệp đại học trở lên và đều xây dựng gia đình hạnh phúc. 

Mẹ tôi sinh năm 1942, tần tảo nuôi 5 anh em tôi khôn lớn, cho ăn học đàng hoàng trong thời buổi kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Người kế bên mẹ tôi (trong ảnh) là thím ba, nay cũng đã trên 70 tuổi, chồng chết, ở vậy nuôi hai đứa con ăn học nên người. Các anh em tôi: Anh Hai, Đại tá Quân đội nghỉ hưu, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, từng tham gia nghĩa vụ quốc tế, chiến đấu trên chiến trường Campuchia. Tôi thứ ba, hiện công tác tại Báo Ấp Bắc, Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng (năm 2019), có đứa con tên nguyễn Minh Tuấn cũng là đảng viên.

Nếu tính từ đời ông cố đến đời con tôi thì đã có 5 đời tham gia cách mạng. Hai em gái tôi cũng là cán bộ hưu trí, là đảng viên. Đứa em út, nhỏ tuổi nhất trong ảnh, tuy không là đảng viên nhưng hiện là Thủ kho của Công ty Xăng dầu Tiền Giang. 

Hai đứa em con chú, đứa anh hiện là giáo viên, đứa em là giám đốc xí nghiệp, đều là đảng viên. Đến nay, trong lý lịch Đảng của ba tôi và 7 anh em tôi đều giữ tròn danh dự, không ai vi phạm kỷ luật Đảng, chính quyền.

Tình cảm thủy chung son sắt của ông bà đáng để con cháu noi theo để xây dựng gia đình hạnh phúc. Bà nội tiêu biểu cho phụ nữ Việt Nam ở đức tính trung hậu, đảm đang. Lấy chồng năm 20 tuổi, sống với chồng khoảng 7 năm, sau đó, ông tôi đi biền biệt, 7 năm đi bộ đội  đánh Pháp, hằng năm chỉ gặp gỡ một đôi lần, kết quả là 3 người chú tôi ra đời trong gian khổ nên đều mất sớm. 21 năm kháng chiến chống Mỹ, bà tôi vẫn thủy chung son sắt với ông trong khi kẻ thù luôn o ép, ly gián đối vợ cán bộ. Ở tuổi 56 - 57, ông bà mới được sống cùng nhau khi mà thời xuân sắc đã qua. 

Đáp lại ân tình của vợ, ngoài việc hết lòng cho sự nghiệp cách mạng, ông tôi rất chung thủy với bà tôi. 9 năm kháng chiến chống Pháp, 21 năm kháng chiến chống Mỹ, ông tôi vẫn son sắt, thủy chung với bà. Ông tận tình yêu thương bà tôi, nhất là lúc bà tôi bị tai biến (năm 1997) cho đến khi bà mất. Đối với con cháu ngoài quan tâm dạy dỗ, ông hết lòng thương yêu và đặc biệt là rất công bằng đối với các cháu. 

Nghĩ về gia tài danh dự ông nội để lại, càng thấm thía sâu sắc lời của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Cái còn mãi với thời gian là danh dự, trọng liêm, trọng chính, trọng đức. Còn vật chất chỉ là phù vân...”. Ông bà tôi tuy đã mất nhưng danh dự của ông bà để lại vẫn tiếp tục được thế hệ con cháu phát huy mà cụ thể là mỗi thành viên còn lại trong bức ảnh tiếp tục giữ tròn danh dự của mình và gia đình, cứ thế trao truyền cho thế hệ kế tiếp, bởi danh dự còn là người còn dù thể xác có mất đi.

M.T

.
.
.