Thứ Ba, 06/05/2025, 21:10 (GMT+7)
.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang tham gia thảo luận các dự án luật

(ABO) Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 6-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang tham gia thảo luận góp nhiều ý kiến cho các dự án luật này.

GÓP Ý DỰ ÁN LUẬT KHCN VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO.

Đối với dự án Luật KHCN và đổi mới sáng tạo, các ĐBQH cơ bản nhất trí với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra, nhất trí với nhiều chính sách quy định tại dự thảo luật và khẳng định việc xây dựng Luật KHCN và đổi mới sáng tạo nhằm tạo cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ KHCN, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững.

ĐBQH tỉnh Tiền Giang tham dự phiên thảo luận tại tổ
ĐBQH tỉnh Tiền Giang tham dự phiên thảo luận tại tổ.

Các đại biểu cho rằng, dự thảo luật cơ bản đã thể chế hóa nhiều chủ trương, định hướng quan trọng về phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW. Các đại biểu đánh giá cao những điểm đổi mới tiến bộ của dự thảo luật, đặc biệt là việc chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, coi đây là một sự "cởi trói" cho giới khoa học.  Tuy nhiên, có ý kiến đề xuất cân nhắc lại tên gọi của luật, có thể chỉ là "Luật KHCN" cho gọn và phù hợp hơn với nội dung chính.   

Chính sách chấp nhận rủi ro và miễn trách nhiệm pháp lý trong hoạt động nghiên cứu khoa học được nhiều đại biểu quan tâm.  Có ý kiến đề xuất quy định rõ ràng hơn về các trường hợp rủi ro và tiêu chí xác định để tránh trục lợi chính sách, đồng thời xem xét miễn trách nhiệm pháp lý một cách toàn diện, bao gồm cả trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp nhất định.   

Việc mở rộng đối tượng được giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng cũng được đề cập, không nên chỉ giới hạn ở các trường đại học mà cần mở rộng ra các trung tâm, viện nghiên cứu và cả doanh nghiệp.  Để tập trung nguồn lực, có ý kiến đề xuất thành lập một Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia thay vì nhiều quỹ ở địa phương, và quỹ này không chỉ hỗ trợ đổi mới sáng tạo mà cần quan tâm hơn đến nghiên cứu cơ bản và xử lý rủi ro.   

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng để quy định cơ chế đột phá về tài chính cho hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân…

GÓP Ý DỰ ÁN LUẬT NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ (SỬA ĐỔI).

Đối với dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), các đại biểu đều nhất trí về sự cần thiết của việc sửa đổi luật để phục vụ phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Nhiều ý kiến đóng góp xoay quanh các quy định liên quan đến nhà máy điện hạt nhân, bao gồm thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, quy trình cấp phép xây dựng, vận hành thử và vận hành chính thức.  Một đề xuất đáng chú ý là việc xem xét lại công suất nhà máy điện hạt nhân thuộc thẩm quyền chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị chỉ giới hạn về công suất dưới 1000MW mà không nên giới hạn loại công nghệ.   

Quy trình cấp phép xây dựng nhà máy điện hạt nhân cũng được thảo luận kỹ lưỡng, đối chiếu với các tiêu chuẩn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Có ý kiến cho rằng quy định hiện tại về việc chỉ sử dụng thiết kế cơ sở để cấp phép xây dựng là chưa phù hợp với hướng dẫn của IAEA, vốn yêu cầu phải có thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở.  Các đại biểu cũng đề nghị làm rõ định nghĩa "vận hành thử" và thay thế thuật ngữ "nhà máy điện hạt nhân" bằng "tổ máy điện hạt nhân" trong các quy định liên quan đến vận hành thử, do một nhà máy có thể có nhiều tổ máy vận hành độc lập. Thuật ngữ "giấy phép vận hành về an toàn hạt nhân" cũng được đề nghị xem xét lại cho chính xác hơn.  

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ.

Một vấn đề quan trọng được đại biểu nhấn mạnh là vai trò và tính độc lập của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân.  Theo quy định của IAEA, cơ quan pháp quy hạt nhân phải độc lập, chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý về an toàn và an ninh hạt nhân, không kiêm nhiệm quản lý nhà nước về ứng dụng, phát triển năng lượng nguyên tử.  Các đại biểu cũng đề xuất bổ sung cụm từ "thiết kế chế tạo" vào định nghĩa hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.  Ngoài ra, các định nghĩa về "nhiên liệu đã qua sử dụng" và "lò phản ứng hạt nhân" cũng cần được rà soát, làm rõ để đảm bảo tính chính xác và đầy đủ, bao gồm cả các công nghệ mới như lò phản ứng nhiệt hạch...   

Phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang bày tỏ sự đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử. Đồng thời đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ lưỡng các quy trình, thủ tục để đảm bảo tính thống nhất và phù hợp với tinh thần đổi mới công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị làm rõ vị trí, vai trò của chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử và mối quan hệ với các quy hoạch khác. Vấn đề thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và thanh sát hạt nhân cần được làm rõ về phạm vi, đối tượng, quy trình và giá trị pháp lý để tránh chồng chéo. Về dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân là nội dung lớn, phức tạp, có tác động rất lớn đến an ninh quốc gia, an toàn của người dân, có liên quan đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Việc chuyển thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân từ Quốc hội sang Thủ tướng Chính phủ cũng là một nội dung cần được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng do tầm quan trọng và tác động lớn của các dự án này…

Quang cảnh thảo luận tại tổ
Quang cảnh thảo luận tại tổ.

  Ngoài ra, các ĐBQH cũng thảo luận góp ý đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Các ĐBQH đề nghị xem xét kỹ trong việc quy định thẩm quyền của các bộ, ngành trong các dự thảo luật.  Đồng thời, cần xem xét quy định trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là thực phẩm chức năng, thuốc giả và thực phẩm bẩn.  Đại biểu cho rằng cần quy định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành và có chế tài xử lý nghiêm khắc hơn, kể cả xử lý hình sự đối với các hành vi buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng kém để đảm bảo tính răn đe.   

Nhìn chung, cuộc thảo luận đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc, đa chiều từ các đại biểu, hướng tới mục tiêu hoàn thiện các dự thảo luật, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả khi triển khai; đồng thời, tháo gỡ các vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của năng lượng nguyên tử và KHCN, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

THU HOÀI - MINH TRÍ

.
.
.