Thứ Hai, 19/05/2025, 09:24 (GMT+7)
.
KỶ NIỆM 135 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19-5-1890 - 19-5-2025)

Miền Nam nhớ mãi ơn Người

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Miền Nam luôn trong trái tim tôi”. Bác dành tình yêu thương đó cho nửa đất nước đang chìm trong khói lửa chiến tranh và những chiến sĩ đang ngày đêm cầm súng chiến đấu trên các chiến trường. Và cũng trong trái tim các chiến sĩ và nhân dân miền Nam, mỗi khi nhắc đến vị cha già dân tộc, lại như tiếp thêm sức mạnh, tình yêu đất nước, khát khao tự do, độc lập để tiếp tục vượt qua hy sinh gian khổ với niềm tin tất thắng.

Sinh thời, không một phút nào là Bác không nghĩ đến đồng bào miền Nam và khi từ biệt thế giới này Bác cũng mang theo mình hơi ấm của miền Nam. Không một lời nào, không một từ nào và không có một cách nói nào để có thể kể hết được cái tình của Bác với miền Nam, mà chỉ biết rằng miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim của Bác.

MIỀN NAM TRONG TRÁI TIM NGƯỜI

Tấm lòng thương nhớ miền Nam của Người thể hiện trong việc chăm sóc các cháu thiếu nhi miền Nam tập kết. Đặc biệt, là tình cảm của Bác dành cho cán bộ, chiến sĩ miền Nam, những người đang chiến đấu trên tuyến đầu chống giặc… 

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Anh hùng, Chiến sĩ thi đua và Dũng sĩ diệt Mỹ của Quân giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc năm 1968.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Anh hùng, Chiến sĩ thi đua và Dũng sĩ diệt Mỹ của Quân giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc năm 1968.

Cố Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Bé có vinh dự 3 lần được gặp Bác Hồ và tiễn Bác đi xa. Qua câu chuyện giản dị của ông về Bác đã thể hiện được tình cảm của Bác Hồ đối với đồng bào và chiến sĩ miền Nam thật là thiết tha, sâu nặng.

Ông kể rằng: Trên đường vượt Trường Sơn, Đoàn Anh hùng, Dũng sĩ, Chiến sĩ thi đua Quân giải phóng miền Nam gồm 42 anh em được ra miền Bắc dưỡng bệnh và học tập, ai cũng có mong ước duy nhất là được gặp Bác Hồ. Có lẽ vì động cơ đó mà chúng tôi băng rừng, vượt núi như đi giữa đồng bằng, không một ai cảm thấy mệt mỏi.

Chúng tôi đến Hà Nội đúng vào dịp Quốc khánh 2-9. Dù rất bận rộn tiếp khách trong những ngày diễn ra lễ trọng đại nhưng Bác Hồ không quên gửi lẵng hoa chúc mừng và thư thăm hỏi đến đoàn chúng tôi từ miền Nam ra. 

Trong thư của Bác, có đoạn làm chúng tôi rất xúc động mà ai đọc cũng không thể nào cầm được nước mắt: “Các cháu có bị sốt rét rừng không? Nếu cháu nào có bị sốt rét thì báo ngay cho cô Bi để vào Bệnh viện 108 điều trị cho kịp thời, không nên để kéo dài, bệnh sẽ nặng thêm”.

Những ngày Tết Kỷ Dậu năm 1969, tình hình chiến sự từ miền Nam được báo, đài Hà Nội đưa tin dồn dập. Chúng tôi đều nghĩ, chắc Bác đang rất bận theo dõi chiến trường, vừa lo tiếp khách trong những ngày tết nên chẳng biết khi nào mới được phép gặp Bác, để nhìn Bác một lần thôi cũng được, bởi khi trở lại chiến trường biết có dịp ra Hà Nội nữa không? Nhưng thật bất ngờ, chúng tôi được thông báo ngày mùng 3 tết, 5 người gồm: Tạ Thị Kiều, Hồ Bé, Nguyễn Minh Tua, Hồ Văn Mên và Trần Đình sẽ được vào Phủ Chủ tịch để gặp Bác. 

BÁC NHỚ ĐỒNG BÀO MIỀN NAM LẮM!

Năm 1965, Đoàn Anh hùng, Dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc đều khóc vì sung sướng, cảm động và vây quanh Bác, Người xúc động nói: Bác mong các cháu lắm, Bác nhớ đồng bào miền Nam lắm!. Bác hỏi chuyện chiến trường và được biết tâm tư của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam “không sợ gian khổ, không sợ chết mà chỉ sợ một điều… sau này không được nhìn thấy Bác”. 

Vừa nghe xong, Bác trào dâng nước mắt, khóc vì thương nhớ miền Nam. Bác tự rèn luyện sức khỏe và đề nghị Bộ Chính trị thu xếp cho Bác đi vào miền Nam với quyết tâm: “Nếu không có đường nào khác thì tổ chức cho tôi đi bộ.

Các chú đi được thì tôi đi được. Đi mỗi ngày một ít”. Chiến tranh ác liệt và đường đi khó khăn, nhưng Bác thuyết phục: “Đi thăm đúng lúc đó mới có tác dụng khuyến khích thêm anh em”… 

Cán bộ, chiến sĩ miền Nam ra Bắc đều được vào nhà sàn và ăn cơm với Bác. Người dặn xúc cơm cho thật đầy bát và ăn cho hết thức ăn; riêng Bác cũng cố gắng ăn hai bát cơm để mọi người tin rằng Bác vẫn khỏe và đồng bào miền Nam yên tâm.

Trước đó, các đồng chí cán bộ đã dặn dò chúng tôi rất kỹ trước khi vào gặp Bác là: Bác vừa đi dưỡng bệnh bên nước bạn Trung Quốc về, chưa thật khỏe hẳn. Gặp Bác, anh em mình phải hết sức bình tĩnh, không được chạy ào tới ôm Bác, không được khóc trước mặt Bác, không nên nói những điều làm Bác xúc động, nhất là chuyện mất mát, hy sinh, gian khổ của ta trong chiến trường vì Bác nhớ thương đồng bào, chiến sĩ trong đó lắm.

Sáng sớm, xe của Tổng cục Chính trị, có ông Lê Hiến Mai, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cùng đi, đưa chúng tôi đến Phủ Chủ tịch. Khoảng 10 phút sau, bỗng thấy Bác xuất hiện từ cửa sau, Bác bước từng bước chậm, có vẻ rất khó nhọc. 

Ông Vũ Kỳ lập tức đến dìu Bác. Chúng tôi, không ai bảo ai đồng loạt đứng dậy. Tôi nhớ như in Bác mặc bộ kaki trắng, đi dép cao su như chúng ta thường thấy trong ảnh. Thấy Bác yếu, thương Bác quá nên chúng tôi quên mất lời dặn, chạy ào đại tới, người ôm Bác, người nắm tay Bác…

Sau khi chúng tôi trở lại ngồi yên chỗ, ông Lê Hiến Mai thưa rõ với Bác họ tên, quê quán và thành tích diệt địch của từng người, Bác quay sang hỏi tôi: “Cháu bao nhiêu tuổi, học đến lớp mấy, đánh bao nhiêu trận mà được phong anh hùng”? 

Sau khi nghe tôi kể, Bác cười thật tươi rồi nói: “Cháu dũng cảm lắm, nhưng diệt được thằng tỉnh trưởng cũng phải nhờ vào sự giúp đỡ của dân phải không? Chiến đấu du kích của các cháu trong Nam nhớ phải dựa vào dân thì mới thắng giặc được”. Lời dặn của Bác làm tôi nghĩ mãi đến bây giờ, càng nghĩ càng thấy thấm thía vô cùng.

Sau đó, Bác bảo ông Vũ Kỳ đem bánh chưng ra đãi chúng tôi. Bác bảo chúng tôi ăn bánh và nói: “Vào ngày tết của dân mình, trong miền Nam thì có bánh tét, miền Bắc thì có bánh chưng, tuy hình thức khác nhau nhưng bên trong thì không khác nhau. 

Các cháu ăn cho nhiều vào, khi trở lại chiến trường đánh giặc cho giỏi, Bác vô thì các cháu phải đãi Bác bánh tét miền Nam đấy”. Đến đây thì chúng tôi không thể nào kìm nén lòng mình nữa, cầm miếng bánh trên tay mà nước mắt cứ tuôn rơi lã chã từng dòng.

Ngày 9-5-1969, khi chúng tôi đang học lớp Trung cấp chính trị tại Vĩnh Phúc thì được Bác cho gọi vào gặp. Ông Lê Hiến Mai bảo: “Bác nhớ đồng bào, chiến sĩ miền Nam quá nên Bác muốn gặp mặt các cháu cho đỡ nhớ”. Chúng tôi được đưa vào tận nhà sàn nơi Bác làm việc và nghỉ ngơi hằng ngày. Lần này, Bác hỏi từng người về hoàn cảnh gia đình, sức khỏe cha mẹ, đời sống người thân. 

Chúng tôi thay nhau trả lời Bác, cố nói thật nhiều chuyện vui với Bác. Bỗng nhiên Bác trầm ngâm rất lâu rồi gọi ông Vũ Kỳ lại bảo: “Các cháu vẫn còn gầy quá, da vẫn còn xanh xao lắm, nói với chú Mai bảo cô Bi đưa các cháu đến khoa A1 Bệnh viện 108 để bác sĩ khám và điều trị cho thật sớm, đừng để bệnh sốt rét dây dưa không tốt”.

Ngày 23-8-1969, ông Trương Thái Ất, trợ lý Cục Cán bộ lại cho gọi chúng tôi chuẩn bị để đi gặp Bác. Linh tính chúng tôi mách bảo điều gì bất thường sắp xảy ra. Vào phòng Bác nằm, chúng tôi rụt rè, rón rén chứ không dám chạy ào tới như trước. 

Bác nằm, ánh mắt tinh anh như tìm kiếm ai đó. Chúng tôi bước nhẹ lại gần, Bác khẽ đưa tay lên như chào và nói mỗi một câu: “Các cháu cố gắng dưỡng bệnh cho khỏe, học tập thật tốt về giải phóng miền Nam để rước Bác vô thăm, Bác nhớ miền Nam lắm!”.

Ngày 2-9-1969, chúng tôi được gọi về để trực bên linh cữu Bác. Chị Tạ Thị Kiều ngất xỉu mấy lần phải đưa đi cấp cứu. Chúng tôi đứng im lìm như tượng đá, lòng đau như cắt trước mất mát, đau thương quá lớn, ngoài sức chịu đựng này. Chúng tôi chỉ biết cúi đầu nhận lỗi với Bác vì chưa rước được Bác vào thăm miền Nam.

SAO BÁC BỎ CON CHÁU MÀ ĐI

Đối với đồng bào miền Nam, dù chưa một lần được gặp Bác nhưng luôn hướng về Người với nỗi nhớ mong da diết. Tấm lòng bao dung, nhân ái, sự hy sinh cao cả của Người luôn luôn là biểu tượng cao đẹp nhất của ý chí độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Quân dân miền Nam mong muốn cháy bỏng và quyết tâm mau đánh thắng giặc Mỹ, đất nước thống nhất, để được đón Bác vào thăm. Tình cảm đó thiêng liêng, sâu nặng như tình mẫu tử -“miền Nam mong Bác nỗi mong cha”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đoàn đại biểu Nam bộ từ chiến trường miền Nam ra chiến khu Việt Bắc quây quần bên Bác Hồ năm 1949.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đoàn đại biểu Nam bộ từ chiến trường miền Nam ra chiến khu Việt Bắc quây quần bên Bác Hồ năm 1949.

Khi nghe tin Bác đi xa, người dân miền Nam nghẹn ngào, tiếc thương vô hạn. Không chỉ tổ chức lễ tang mà nhiều hộ dân, nhiều địa phương ở miền Nam còn lập bàn thờ hoặc dựng đền thờ, nhà thờ, phủ thờ để tưởng niệm Người. Nghĩa cử thiêng liêng cao quý này diễn ra rộng khắp, từ vùng giải phóng, các căn cứ cách mạng đến cả trong vùng địch kiểm soát.

Có những đền thờ được xây dựng ngay tại nơi chiến sự đang diễn ra ác liệt. Bất chấp bom đạn của quân xâm lược, vượt qua mọi gian khó, hiểm nguy, bằng tất cả tấm lòng của đồng bào miền Nam, gần 30 đền thờ đã được dựng lên trên vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long ngay trong năm Bác đi xa. Thế mới thấy tấm lòng, tình cảm đặc biệt của người dân miền Nam đối với vị Cha già của dân tộc.

Cố Đại tá Lê Quang Công, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân từng kể  câu chuyện vào thời điểm khi nghe tin Bác Hồ về thế giới người hiền: Trời ơi! Bác Bảy ơi! Bác Hồ mất rồi! Tôi buông cái radio trên tay mà toàn thân run theo tiếng nấc. 

Bác Bảy như người mất trí bò từ gốc cây này sang gốc cây khác. Mái tóc bạc của bác Bảy vật vã trong khóm lá. Những tiếng kêu não nùng, tha thiết càng làm lòng tôi tan nát. Hai tiếng “trời ơi” bàng hoàng, thảng thốt từ các hầm. Không còn ai nhớ là mình đang sống trong lòng địch, còn cần giữ bí mật, tất cả đã lên mặt đất.

Tôi cố gắng bình tĩnh để bàn việc tổ chức lễ tang cho Bác. Đến lúc đọc điếu văn thì tôi chỉ còn nghe tiếng khóc. Những chiếc bàn thờ mới khói hương nghi ngút hiện lên ngay trong mỗi gia đình ở ấp chiến lược. Có người vốn nhát gan, mà nay cũng dám ra chợ Long Định mua thịt cá, hoa quả về cúng Bác, rồi mời bộ đội đến. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đoàn đại biểu Anh hùng, Chiến sĩ thi đua các Lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc năm 1965.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đoàn đại biểu Anh hùng, Chiến sĩ thi đua các Lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc năm 1965.

Nhưng cả dân lẫn quân không ai thiết gì đến ăn uống, mắt ai cũng sưng đỏ lên. Chiến sĩ của tôi vốn là những anh lính trẻ vui tươi, dù ở hầm cũng tìm chuyện để cười, mà nay vật vờ, mỗi người ngồi một góc, không ai nói tới ai.

Đang lúc trời sầu, đất thảm thì có lời kêu gọi của Trung ương, đơn vị phát động “biến đau thương thành hành động cách mạng”, khí thế chiến đấu của đơn vị sôi nổi chưa từng có, tất cả đều quyết tâm phá bình định, giải phóng cho toàn xã. Sau mỗi trận đánh trở về nơi trú quân, chúng tôi lại nhớ Bác, lại mong đánh nữa, thắng lớn hơn nữa để đền ơn Bác. 

Tối tối, bác Bảy lại vịn vào vai tôi mà khóc, làm cho cả đơn vị không cầm được nước mắt. Một buổi chiều, tôi xuống thăm B đặc công, thấy cậu Sơn vừa mân mê cái thư chúc tết của Bác, vừa sụt sùi nói: Bác ơi! Đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào, sao Bác bỏ con cháu mà đi... Sơn là một tiểu đoàn phó gan dạ, dũng cảm, mới 27 tuổi đã đánh không biết bao nhiêu trận, bị thương không hề rơi nước mắt, mà bây giờ..

 HÀ ANH

.
.
.