Chủ Nhật, 18/05/2025, 22:01 (GMT+7)
.

Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh - Niềm tự hào của nhân dân Tiền Giang

(ABO) Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tọa lạc tại xã Tân Hưng, huyện Cái Bè luôn là biểu tượng thiêng liêng về tấm lòng sắt son của người dân tỉnh Tiền Giang nói chung, người dân huyện Cái Bè nói riêng dành cho vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Đặc biệt, đây là địa phương duy nhất trong tỉnh Tiền Giang có Phủ thờ Bác. Qua đó, nhắc nhở mọi người luôn học tập và làm theo Bác trong xây dựng quê hương, đất nước phát triển trong thời kỳ mới “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
 
ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Thành kính thắp hương tại Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thành kính thắp hương tại Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau ngày 30-4-1975, miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, nhằm tưởng nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cán bộ cách mạng lão thành và nhân dân của xã Thanh Hưng, nay là 2 xã Tân Thanh và Tân Hưng đã đề xuất lấy nền đất công ngay dưới đầu cầu Rạch Ruộng để xây dựng nơi thờ phụng, tưởng nhớ Bác, với tên gọi là Phủ thờ Hồ Chí Minh.
 
Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng ngày 19-5-1975, đến ngày 2-9-1975 thì hoàn thành, do nhân dân xã Thanh Hưng đóng góp ngày công, vật liệu để xây dựng. Từ đó, Phủ thờ Bác được người dân trong xã, trong tỉnh và các tỉnh bạn thường xuyên viếng thăm. Đến năm 1997, từ đề xuất của lãnh đạo 2 xã Tân Thanh và Tân Hưng, huyện Cái Bè đã có chủ trương tôn tạo, xây dựng lại Phủ thờ Bác với kinh phí trên 1,2 tỷ đồng. Hiện nay, Phủ thờ đã được chỉnh trang và bổ sung thêm một số hình ảnh, tư liệu quý giá về Bác.
Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh có diện tích 1.400 m2, với 3 hạng mục gồm phòng trưng bày được xây dựng hình lục giác, mái cong, lợp ngói, mang đậm nét kiến trúc phương Đông. Bên trong có bàn thờ Bác với bức tượng bằng đồng. Bên phải của Phủ thờ là Nhà bia ghi danh hơn 400 liệt sĩ của xã Thanh Hưng xưa. Khuôn viên của Phủ thờ được bao bọc bởi các loại hoa, cây kiểng. 
 
Đáng chú ý là khác với nhiều địa phương, người dân nơi đây không gọi là đền thờ Bác mà gọi bằng Phủ thờ Bác. Sở dĩ có cách gọi như vậy là do đặc điểm, quy mô của công trình cũng như tấm lòng thành kính, yêu thương của người dân địa phương dành cho Bác.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thanh Nguyễn Hồng Thái cho biết: Nhân dân 2 xã Tân Hưng và Tân Thanh nói riêng và huyện Cái Bè nói chung rất tự hào vì có được Phủ thờ Bác trên chính quê hương mình, từ đó cùng nhau đoàn kết xây dựng quê hương giàu đẹp văn minh, tạo khí thế sôi nổi thi đua với khẩu hiệu "Nhà nhà thi đua, người người thi đua”.
Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh, được xem như biểu tượng văn hóa, lịch sử không chỉ của xã Tân Thanh, mà còn của huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Đây là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng của ông cha ta cho thế hệ hôm nay và mai sau.
 
Ông Đinh Văn Trường, người trông nom Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết: Phủ thờ được mở cửa thường xuyên để đón khách thăm, viếng Bác. Hằng ngày, khoảng 5 giờ sáng tôi đến mở cửa, quét dọn, chăm sóc cây kiểng, đón khách. Chiều tối, thắp nhang cho Bác xong tôi mới đóng cửa về. 
 
Các cây xanh trong khuôn viên Phủ thờ đều do người dân tặng, hoặc khi đi đâu thấy cây kiểng, bông đẹp, tôi đều xin về trồng tại Phủ thờ. Những lúc có người đến viếng Phủ thờ, tôi "kiêm" luôn vai trò người hướng dẫn viên, thuyết minh nội dung từng bức ảnh để người đến đây hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Bác".
 
Vào dịp lễ, tết, sinh nhật Bác hằng năm, có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, sinh viên, học sinh trong và ngoài tỉnh đến đây thắp hương tưởng nhớ và ôn lại thân thế, sự nghiệp của Người. Đặc biệt, có rất nhiều đơn vị trường học, cơ quan, đơn vị tổ chức cho học sinh, đoàn viên, cán bộ về nguồn tại đây. Trong suốt 50 năm qua, Phủ thờ Bác được xem là địa chỉ đỏ giáo dục tấm gương đạo đức của Bác không chỉ người dân nơi đây, mà đặc biệt là thế hệ trẻ về lòng biết ơn, tự hào về Bác Hồ.
Tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cô Bùi Thị Ngọc Dung, giáo viên Trường THCS Tân Thanh, huyện Cái Bè cho biết: Đối với nhà trường, việc tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động về nguồn giúp các em nắm rõ hơn truyền thống cách mạng của địa phương. Đến Phủ thờ Bác Hồ, các em sẽ được hiểu rõ hơn những công lao to lớn của Bác đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc. 
 
Việc tổ chức cho học sinh tham gia hành trình về nguồn là hình thức giáo dục hiệu quả, gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo hiệu ứng tốt cho học sinh chủ động tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương, để từ đó biết trân trọng những giá trị truyền thống, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa một cách hiệu quả, thiết thực hơn.
 
LAN TỎA TÌNH CẢM, LÒNG KÍNH YÊU VỚI BÁC HỒ
 
Riêng đối với phụ nữ xã Tân Thanh, mỗi khi viếng Phủ thờ Bác, mỗi chị em đều dâng trào cảm xúc khó tả, với niềm tự hào của người dân huyện Cái Bè vì đây là địa phương duy nhất trong tỉnh Tiền Giang có Phủ thờ Bác. Phủ thờ không chỉ là nơi để tưởng nhớ Bác kính yêu của dân tộc, mà riêng đối với nhiều người không có điều kiện ra thăm Lăng Bác, mỗi khi đến Phủ thờ cũng như đã được gặp Bác.
Hội LHPN xã Tân Thanh với mô hình thờ ảnh Bác.
Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Thanh với mô hình thờ ảnh Bác.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Thanh Võ Kim Yến cho biết: Chị em phụ nữ của xã đến Phủ thờ thắp hương viếng Bác Hồ như đã thành thông lệ, đây là cách thể hiện đạo lý “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” vì nhờ có Bác Hồ mới có hòa bình độc lập như hôm nay. Vì Bác Hồ ở Hà Nội xa xôi, nhiều người không có điều kiện ra thăm Lăng Bác, nên khi đến Phủ thờ, chị em cũng như đã được gặp Bác.
 
Bên cạnh đó, để tỏ long thành kính, biết ơn, phụ nữ xã Tân Thanh luôn học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm thiết thực. Đó là mô hình Tổ phụ nữ thờ ảnh Bác Hồ của phụ nữ xã Tân Thanh được thành lập vào tháng 4-2020. Mô hình không chỉ là nét đẹp văn hoá mà còn là nét đẹp tinh thần, giúp mọi người ở đây sống hoà thuận, đồng lòng hơn trong những công việc chung. 
 
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Thanh Võ Kim Yến cho biết: Việc phụng thờ Bác Hồ được chị em phụ nữ và nhân dân địa phương xem như là thờ phụng ông bà tổ tiên của gia đình nên các thành viên trong tổ thờ ảnh Bác trên tinh thần tự nguyện cùng nhau tham gia các phần việc học tập và chuyển sang làm theo lời Bác.
Theo đó, mỗi quý tổ sẽ sinh hoạt định kỳ 1 lần. Trong bầu không khí ấm áp, thân tình, các chị em đã cùng nhau trao đổi, thao luận về việc thực hiện phong trào xây dựng “Gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc”; xây dựng “gia đình 5 không 3 sạch”, cách nuôi con khỏe, dạy con ngoan; sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
 
Đặc biệt, tổ còn sinh hoạt chuyên đề về học tập Bác ở đức tính tiết kiệm qua những mẫu chuyện kể về Bác. Chính vì vậy, có 100% hội viên, phụ nữ trong tổ từ tham gia thực hiện chuyển sang “làm theo” Bác rất hiệu quả, thiết thực trong cuộc sống đời thường. 
 
Bà Đặng Ngọc Hường, Tổ trưởng Tổ phụ nữ thờ ảnh Bác Hồ, xã Tân Thanh tự hào: Ngay khi được phát động, các chị em liền nhắc nhau dọn dẹp tường nhà, phòng khách, chuẩn bị một vị trí trang trọng, tôn nghiêm để treo ảnh hoặc thờ Bác. Rồi ngày ngày nhìn lên ảnh Bác, mỗi người lại tự nhắc nhở bản thân mình phải luôn cố gắng, nỗ lực hơn nữa, phải phát huy vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình và trong xã hội. 
Mô hình nuôi heo đất tiết kiệm theo gương Bác của phụ nữ xã Tân Thanh.
Mô hình nuôi heo đất tiết kiệm theo gương Bác của phụ nữ xã Tân Thanh.
Đặc biệt, tổ còn sinh hoạt chuyên đề về học tập Bác ở đức tính tiết kiệm qua những mẩu chuyện kể về Bác. Qua đó, 100% hội viên phụ nữ trong tổ từ “học tập” chuyển sang “làm theo” Bác bằng những việc làm trong cuộc sống đời thường như tiết kiệm nuôi heo đất, xây dựng Quỹ “Tiết kiệm san sẻ” giúp đỡ chị em phụ nữ cùng nhau phát triển kinh tế. 
 
Ngoài ra, chị em trong tổ cùng nhau tiết kiệm mua ảnh Bác tặng cho những chị em có hoàn cảnh khó khăn để cùng mọi người, mọi nhà thờ Bác Hồ, thể hiện sự yêu thương, tôn kính đối với vị lãnh tụ kính yêu của đất nước và tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết trong cuộc sống.
 
Chị Lê Thị Hằng, ấp 1, xã Tân Thanh, huyện Cái Bè chia sẻ: Được sống trong đất nước hòa bình, độc lập, không còn chiến tranh là nhờ ơn Đảng, ơn Bác. Vì vậy, việc thờ ảnh Bác là việc làm luôn được gia đình tôi quan tâm, nhằm thể hiện sự tôn kính và biết ơn Người. Cứ mỗi dịp lễ, tết, đặc biệt là ngày Quốc khánh, sinh nhật Bác, gia đình tôi đều dâng trái cây lên bàn thờ Bác. Đây là cách nhắc nhở bản thân cũng như giáo dục truyền thống, đạo đức cách mạng thiết thực cho con, cháu phải luôn nỗ lực trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Phụ nữ xã Tân Thanh chung tay xây dựng nông thôn mới.
Phụ nữ xã Tân Thanh chung tay xây dựng nông thôn mới.
Trong ngôi nhà khang trang, ngăn nắp, gia đình chị Trần Kim Ngọc, ở ấp 1 đã đặt ảnh Bác Hồ trang nghiêm và thờ cúng như ông bà tổ tiên của gia đình. Chị bày tỏ, được sống trong đất nước hòa bình, độc lập không còn chiến tranh là nhờ ơn Đảng, ơn Bác. Vì vậy, việc thờ ảnh Bác là việc làm luôn được gia đình chị quan tâm, nhằm thể hiện sự tôn kính và biết ơn Người.
 
Giờ đây, được sống trong hòa bình, hạnh phúc, mỗi người chúng ta không thể nào quên được hình ảnh Bác Hồ - vị cha già kính yêu của dân tộc. Phủ thờ Bác hay như mô hình “Tổ phụ nữ thờ ảnh Bác Hồ” đã trở thành nét đẹp, không chỉ có ý nghĩa đối với cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân, mà còn góp phần to lớn trong việc giáo dục thế hệ trẻ, là niềm tin vững chắc để phát huy hơn nữa phong trào làm theo gương Bác, hăng hái thi đua lao động, sản xuất và tích cực góp công sức xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.
H. TUYẾN - P. MAI
 
.
.
.