Thứ Bảy, 17/05/2025, 13:54 (GMT+7)
.

Tháng 5 về thăm Khu di tích Bến Nhà Rồng - Bảo tàng Hồ Chí Minh

(ABO) Khu di tích Bến Nhà Rồng - Bảo tàng Hồ Chí Minh, tọa lạc tại số 1 Nguyễn Tất Thành, phường 12, quận 4, TP. Hồ Chí Minh, nằm ở vị trí ngã ba sông Sài Gòn, là một địa chỉ đỏ có ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
 
Đây không chỉ là nơi ghi dấu sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước mà còn là biểu tượng về lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.
 
NƠI GHI DẤU LỊCH SỬ
 
Ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành khi đó mới vừa tròn 21 tuổi đã xuống tàu Amiral Latouche Tréville tại Bến cảng Nhà Rồng, ra đi tìm đường cứu nước với nung nấu một quyết tâm cháy bỏng “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”. Đó không chỉ là một chuyến đi đơn thuần, đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc, mở ra con đường cách mạng đúng đắn cho Việt Nam sau hàng thập kỷ chìm trong ách đô hộ của chế độ thực dân, phong kiến. Đó cũng là biểu tượng minh chứng cho tinh thần yêu nước sâu sắc, ý chí kiên cường và tầm nhìn vượt thời đại trên hành trình tìm đường cứu nước của Người. 
 
 Khu di tích Bến Nhà Rồng - Bảo tàng Hồ Chí Minh
Khu di tích Bến Nhà Rồng - Bảo tàng Hồ Chí Minh nơi ghi dấu sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước.
 
Theo các nguồn sử liệu, Bến Nhà Rồng nằm bên sông Sài Gòn, trước kia là trụ sở của hãng vận tải Messageries Maritimes (từ năm 1864 - 1955) được xây dựng từ giữa năm 1862, là một trong những công trình đầu tiên thực dân Pháp xây dựng sau khi chiếm được vùng đất này. Công trình có lối kiến trúc công sở phương Tây với hành lang bao quanh và những vòm cuốn, nhưng lại có mái mang nét kiến trúc phương Đông. Đặc biệt, trên đỉnh mái có trang trí đôi rồng kiểu lưỡng long chầu nguyệt - một lối trang trí phổ biến của các kiến trúc truyền thống Việt Nam. Và kiến trúc ấy được gọi là Nhà Rồng hay Bến Nhà Rồng. 
 
Phòng tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích.
Phòng tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Bến Nhà Rồng - Bảo tàng Hồ Chí Minh.
 
Sau khi thực dân Pháp thất bại ở Đông Dương năm 1954, Bến Nhà Rồng được chính quyền miền Nam Việt Nam quản lý, sử dụng phục vụ cảng đường thủy của chính quyền Sài Gòn. Sau năm 1975, đất nước thống nhất, Bến Nhà Rồng được tu sửa, cải tạo làm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 2-9-1979, trong dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất của Người, Bến Nhà Rồng mở cửa đón khách tham quan phần trưng bày về “Sự nghiệp tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1911 - 1945)”. Đến tháng 10-1995, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được đổi tên thành Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP. Hồ Chí Minh theo quyết định của UBND TP. Hồ Chí Minh. Đây là chi nhánh nằm trong hệ thống các bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước.
 
Nhiều hiện vật, tư liệu được trưng bày trong bảo tàng gắn liền với tiểu sử, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác
Các khu trưng bày nhiều hiện vật, tư liệu gắn liền với tiểu sử, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ.
 
Đến thăm Khu di tích Bến Nhà Rồng - Bảo tàng Hồ Chí Minh, chúng tôi cảm xúc như trào dâng khi tham quan, tìm hiểu các khu trưng bày theo thời kỳ lịch sử khác nhau trong quá trình hoạt động cách mạng của Người. Ngoài phòng tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn có các phòng trưng bày theo chủ đề về từng hình ảnh, hiện vật tái hiện thời thơ ấu và thanh niên của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Bước đầu hoạt động yêu nước và cách mạng; Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhận Chủ nghĩa Mác - Lênin và khẳng định con đường Cách mạng Việt Nam; chủ đề Người đấu tranh bảo vệ và vận dụng sáng tạo đường lối của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, sáng lập chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam (1920 - 1930); chủ đề Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức và lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công và lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đấu tranh giữ vững chính quyền cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1930 - 1954); chủ đề Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh chống Mỹ xâm lược giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước (1954 - 1969).
 
Những tài liệu, hiện vật, hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động của Bác Hồ được trưng bày tại Khu di tích Bến Nhà Rồng - Bảo tàng Hồ Chí Minh đã giúp chúng tôi hiểu rõ hơn, cảm nhận sâu sắc hơn về công tao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trọn đời dành cho dân tộc, cho nhân dân với “sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
 
TRÂN TRỌNG, TỰ HÀO VÀ BIẾT ƠN
 
Cùng đi với chúng tôi, nhiều du khách đã không kiềm được nước mắt khi được ngắm nhìn, tìm hiểu về cuộc đời, quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những hiện vật đơn sơ đang được lưu giữ tại đây. Bà Bùi Thị Ngọc Liễu, Hội Nữ kháng chiến tỉnh Bình Phước cho biết: “Đến với Khu di tích Bến Nhà Rồng - Bảo tàng Hồ Chí Minh, tôi rất xúc động, bồi hồi khi được tìm hiểu, nhìn từng hiện vật của Bác Hồ đã cống hiến to lớn, dành cả cuộc đời cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam. Bản thân tôi đã từng tham gia cách mạng, chứng kiến bao gian khổ trong chiến tranh với ước mơ đất nước ta sớm được hòa bình, độc lập, thực hiện theo đúng như mong muốn của Người…”.
 
Còn em Bùi Thị Thanh Nga, ngụ quận 4, TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Sau khi tham quan tìm hiểu, được lắng nghe hướng dẫn viên chia sẻ về cuộc đời, sự nghiệp và từng chặng đường hoạt động cách mạng của Bác Hồ kính yêu, em cảm thấy rất tự hào và càng ý thức hơn nữa về trách nhiệm của thế hệ chúng em phải luôn trận trọng, giữ gìn những giá trị thiêng liêng của nền hòa bình, độc lập hôm nay”.
 
Ngoài ra, Khu di tích Bến Nhà Rồng - Bảo tàng Hồ Chí Minh còn là nơi thường xuyên tổ chức những hoạt động tuyên truyền giáo dục rộng rãi như: Hội nghị khoa học, các cuộc tọa đàm giữa các thế hệ; nói chuyện chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh; giới thiệu và chiếu phim tư liệu, hồi ký, các ấn phẩm về Bác Hồ; sinh hoạt truyền thống, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về tiểu sử, sự nghiệp cách mạng của Người…
 
Đến thăm Khu di tích Bến Nhà Rồng - Bảo tàng Hồ Chí Minh trong những ngày cả nước đang ra sức thi đua lập nhiều thành tích hướng đến kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2025), chúng tôi càng nhớ Bác, kính yêu Bác nhiều hơn. Giữa không khí thiêng liêng và trang trọng ấy, chúng tôi càng thêm kính yêu và biết ơn Bác - Người đã dành trọn đời mình cho Tổ quốc và nhân dân. Tình cảm thiêng liêng ấy như thôi thúc mỗi người phải nỗ lực hơn nữa để sống, học tập và làm việc xứng đáng với công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. 
MINH HIẾU
 
.
.
.