Thứ Hai, 16/03/2015, 11:13 (GMT+7)
.
Hướng đến kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2015)

Cao điểm Mặt trận Đường 4

Lộ 4 (QL1A ngày nay) - con đường huyết mạch của chính quyền Sài Gòn đi về các tỉnh miền Tây và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Lộ 4 đoạn nằm trên tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) dài 70 km, đi qua 31 xã nằm trên 2 phía Nam và Bắc lộ của 3 huyện Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè.

Mỹ nhảy vào (năm 1967), cũng là năm cao điểm đánh phá lộ 4. Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 8 tập trung ở Mỹ Tho 3 đại đội công binh đặc công, 5 tiểu đoàn chủ lực của Quân khu: Tiểu đoàn 261A, 261B, 263, 265 và 267, cùng với Tiểu đoàn 514 và 1 đại đội công binh của tỉnh Mỹ Tho.

Ngoài ra, mỗi huyện có 1 đại đội công binh tập trung ven lộ 4. Các xã đều có lực lượng phá đường. Các lực lượng tích cực chuẩn bị từ tháng 3 cho đến tháng 6-1967. Khó khăn nhất là đào đường để chôn mìn. Anh em du kích phải moi dần đất ven chân lộ rồi đêm đêm khoét sâu dần vào mặt đường, chuyển và phân tán đất đào đổ ra nơi xa, hết sức cẩn thận, như đào hầm bí mật.

Ban ngày ngụy trang kín đáo, hàng tháng trời cần mẫn, nhẫn nại như những đàn ong xây tổ, khoét sâu vào lòng đường được hàng trăm hầm mà địch không hề hay biết.

2 giờ sáng ngày 17-7-1967, gần 700 trái mìn đặt dưới 150 hố đã đào sẵn cùng nổ long trời dậy đất, báo hiệu đợt đánh phá bắt đầu. Sau tiếng nổ, hơn 5.000 dân quân du kích, cán bộ huyện, tỉnh và quần chúng nhân dân xông ra lộ đắp mô. Các tổ săn xe khắp các tuyến ra quân truy lùng. Đêm đầu ta bắn cháy, bắn hư 12 xe M113. Địch trong các bót nằm im, không biết việc gì đang xảy ra.

Các xe M113 tuần tiểu bị bắn hụt chạy tản ra mé lộ tìm chỗ trốn. Sáng ra địch phát hiện lộ bị phá, tổ chức giải tỏa, tìm cách lấp hố, khai thông đường nhưng bung ra tới đâu bị chận đánh tới đó, không lấp được. Đêm thứ hai địch phán đoán ta phá tiếp nên cho pháo bắn dữ dội cặp 2 bên lộ và cho máy bay liên tục thả pháo sáng cả đêm nhưng ta ngưng không phá, chỉ để các tổ săn lùng xe địch.

Lính lái xe M113 hoảng quá, chiều chạy quanh quẩn mấy vòng, đến đêm nép vào hàng rào các bót trốn. Đêm thứ 3 địch ngưng pháo, ta tiếp tục cuốc phá, có đoạn phá đứt 50 - 60 m, sâu ngập đầu, xe quân sự, dân sự ùn tắc nối đuôi dài hàng cây số ở hai đầu.

Địch phải huy động xe quân sự, cả máy bay trực thăng chuyển đá từ khắp các nơi về lấp từng đoạn, thiếu đá phải huy động cả đá của thầu tư nhân, như chuyện “đội đá vá trời” đời xưa vậy. Ta cắt đứt lộ 4 trong 5 ngày liền.

Ngày 22-7-1967, địch huy động 21 tiểu đoàn của sư đoàn 7 ngụy và 2 lữ đoàn của sư đoàn 9 lính bộ binh Mỹ mở cuộc càn quét lớn vào hai bên sườn Nam, Bắc lộ 4 đang bị uy hiếp mạnh, mang tên “Sóng thần Cửu Long”.

Ngay trong ngày đầu, đại đội công binh thủy của Quân khu đánh chìm 1 tàu chiến, diệt gần 1 đại đội lính Mỹ đi trên tàu tại vàm rạch Rau Răm, huyện Cai Lậy. Ngày hôm sau, Tiểu đoàn 263 của khu và Tiểu đoàn 514 của tỉnh phục kích trên sông Ba Rài, để cho đoàn tàu địch lọt hẳn vào trận địa mới chặn đầu, khóa đuôi, nổ súng làm cho địch lúng túng như cá lọt vào rọ.

Một phần do hỏa lực của ta từ trên bờ bắn trúng, một phần do địch không còn chỗ để xoay trở, chúng bắn vào nhau, đâm húc lẫn nhau vì hoảng hốt nên bị cháy và chìm 25 tàu chiến.

Đêm 24-7-1967, Tiểu đoàn 514 của tỉnh phối hợp với 1 bộ phận của Tiểu đoàn 263 đánh tập kích sở chỉ huy của lữ đoàn 2, sư đoàn 9 Mỹ đóng tại xóm Tre, xã Long Tiên, diệt trên 100 tên Mỹ, thu 160 súng các loại. Sở chỉ huy lữ đoàn bị đánh bất ngờ, mất liên lạc nên pháo địch dội trúng vào đội hình đóng quân của chúng, làm chết thêm một số lính.

Sau trận này, một số lính lữ đoàn 2 Mỹ hoang mang bỏ trốn về Sài Gòn. Hoảng hốt, ngày 13-9-1967, khu chiến thuật Tiền Giang huy động toàn bộ lực lượng sư đoàn 7 ngụy phối hợp với lữ đoàn 3 sư đoàn 9 Mỹ cùng lữ đoàn thủy quân lục chiến - lực lượng dự bị chiến lược của ngụy đánh phá quyết liệt hơn để giải tỏa Nam, Bắc lộ 4 một lần nữa.

Cao điểm đánh phá lộ 4 do Quân khu chỉ đạo, ta đã diệt hàng ngàn tên địch, bắn cháy và phá hủy trên 70 xe, trong đó có 40 xe M113, bắn chìm và bắn cháy 26 tàu chiến, thu 180 súng các loại. Tinh thần binh lính Mỹ, ngụy hoang mang, phản chiến, không chịu đi càn quét.

Du kích, bộ đội địa phương thì vẫn tiếp tục đeo bám lộ 4 phục kích bắn tỉa, hỏa lực B40 nhằm vào xe các đoàn công-voa. Công binh các huyện thường xuyên dựng chướng ngại vật trên lộ 4, đoạn qua địa phận tỉnh Mỹ Tho.

NGUYỄN HỮU CHÍ

.
.
.