Thứ Năm, 21/02/2013, 10:44 (GMT+7)
.

Hiến pháp đối với giáo dục Việt Nam

Điều 65 của Dự thảo Hiến pháp 2013 khẳng định “Phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu.”. Tuy nhiên để giáo dục và đào tạo thực sự được phát triển với tư cách là quốc sách hàng đầu thì những ưu tiên nổi trội về con người, đất đai, tài chính, cơ chế, v.v … chưa được đề cập rõ! Ít nhất giáo dục phải được ưu tiên hơn so với kinh tế về vấn đề thu hút và trọng dụng nhân tài, giao quyền sử dụng đất, lãi suất đầu tư, cơ chế “thoáng”!

Khoản 1 Điều 66 của Dự thảo này chỉ rõ “Phát triển giáo dục nhằm hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất, năng lực của công dân;…”. Ba cụm từ “nhân cách”, “phẩm chất”, “năng lực” chưa thể hiện được ba mặt tách bạch với nhau mà còn chồng chéo lẫn nhau. Nhân cách bao hàm cả phẩm chất và năng lực. Có thể thay ba cụm từ trên bằng ba cụm từ khác là “tình người”, “ý chí”, “trí tuệ”. Ba cụm từ này thể hiện ba mặt hoàn toàn tách biệt nhau và đặc biệt chúng bao trùm tất cả những giá trị nhân bản mà con người mong muốn đạt được!

Mặt “tình người” thể hiện lòng nhân ái; quan hệ, ứng xử đúng mực với mọi người; ý thức tập thể, nỗ lực vì lợi ích chung; lối sống lành mạnh; tự giác, trung thực; nếp sống văn minh; yêu thiên nhiên, ý thức cải thiện và bảo vệ môi trường; sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, qui ước của cộng đồng; …

Mặt “ý chí” thể hiện nỗ lực của bản thân; bản lĩnh, tự tin vào sức mạnh bên trong của chính mình; thường xuyên xem lại mình để sửa đổi và góp ý cho những người xung quanh với tinh thần xây dựng; khả năng vượt khó, quyết tâm hoàn thành công việc; biết chấp nhận và rút ra kinh nghiệm từ những thất bại để từng bước mạnh lên; khả năng tập luyện để nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật, tai nạn, tệ nạn; …

Mặt “trí tuệ” thể hiện nhận thức, kiến thức và kỹ năng. Nhận thức bao gồm: tư duy sáng tạo, hoài nghi, phê phán; nhạy bén, năng động;... Kiến thức bao gồm: tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại; kiến thức phổ thông, kiến thức đại cương, kiến thức chuyên ngành; kiến thức cuộc sống; kiến thức công cụ như ngoại ngữ, tin học;... Kỹ năng bao gồm: tự học & nghiên cứu khoa học, tìm kiếm & xử lý thông tin; hoạt động nghề nghiệp; giao tiếp; làm việc độc lập và hợp tác làm việc theo nhóm; tự tạo việc làm và phát triển nghề nghiệp; cảm thụ hoặc thể hiện các loại hình nghệ thuật; …

Nền giáo dục của Việt Nam bấy lâu nay còn nặng về kiến thức nói chung và nhẹ về nhận thức, kỹ năng; càng nhẹ về “tình người” và “ý chí”. Một khi Hiến pháp khẳng định “Phát triển giáo dục nhằm hình thành và bồi dưỡng tình người, ý chí và trí tuệ của công dân;…” thì nền giáo dục Việt Nam sẽ sớm được định hướng đúng, giúp người học từng bước phát triển nhân cách một cách toàn diện, đáp ứng được những yêu cầu của xã hội, của thời đại hơn!

Việt Nam đã chính thức công nhận thị trường giáo dục chưa?

Việc này đã được tranh luận rất nhiều trong những năm gần đây. Chúng ta đã công nhận thị trường nhân lực trong rất nhiều văn kiện của Đảng và Nhà nước. Trong khoản 1 Điều 66 của Dự thảo này có ghi “…nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đào tạo người lao động có nghề, năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.”. Rõ ràng đào tạo nhân lực là một nhiệm vụ quan trọng của giáo dục. Do vậy theo tư duy logic, với những dẫn chứng trên thì Việt Nam đã gián tiếp công nhận thị trường giáo dục!

Tuy nhiên cũng phải khẳng định rằng chỉ trong lĩnh vực đào tạo nhân lực, đào tạo người lao động có nghề mới cần vận hành theo cơ chế thị trường với chi phí chủ yếu do người học trang trải còn những lĩnh vực khác của giáo dục như nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài… thì chưa phải là thị trường giáo dục, chi phí chủ yếu vẫn từ nguồn ngân sách nhà nước.

Khoản 2 Điều 66 cũng có đề cập “ưu tiên đầu tư và tạo điều kiện thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục”. Do vậy thị trường giáo dục ở Việt Nam cần sớm được làm rõ và cần được ghi ngay trong Hiến pháp để tạo hành lang pháp lý cho giáo dục Việt Nam phát triển theo kịp thời đại! Mặt khác Việt Nam đã gia nhập WTO, đã chấp nhận mở cửa “thị trường giáo dục” nên càng phải sớm khẳng định điều này trong hệ thống pháp luật Việt Nam!

Muốn đổi mới thành công nền giáo dục nước nhà thì không thể chỉ có ngành Giáo dục đổi mới mà cần sự góp sức, đồng tâm của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm từ những người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ở các cấp, các ngành. Chẳng hạn chế độ thi cử nặng nề nhưng kém hiệu quả trong ngành Giáo dục có nguồn gốc sâu xa từ việc trọng bằng cấp mà ít trọng thực chất của ứng viên, viên chức, công chức ở ngành Nội vụ.

Đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội có nguyên nhân sâu xa từ việc nền giáo dục Việt Nam còn giam mình trong “tháp ngà” mà chưa kết nối với nền kinh tế đang hừng hực thay đổi từng ngày và với xã hội ngày nay đang có nhiều biến động theo chiều hướng tích cực lẫn tiêu cực, còn bị ảnh hưởng nặng nề cơ chế bao cấp từ hàng chục năm trước.

Do vậy, trong Điều 66 (liên quan trực tiếp đến giáo dục) có thể bổ sung Khoản 3 với nội dung: “Đổi mới giáo dục phải đồng bộ với đổi mới kinh tế, đổi mới hành chính và đổi mới chính trị. Trong một số vấn đề thiết yếu, giáo dục phải được ưu tiên đổi mới trước, đặc biệt là tư duy (hay triết lý) về giáo dục”.

       TS NGUYỄN VIẾT THỊNH
  (Trường Đại học Tiền Giang)

.
.
.