Thứ Hai, 07/05/2012, 11:37 (GMT+7)
.

Chuyện về cô dân công trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Hôm ấy, cả hội trường lắng đọng khi nghe nữ dân công Phạm Thị Kim Liên, người duy nhất hiện đang sinh sống ở Tiền Giang từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử cách nay hơn nửa thế kỷ đã kể lại diễn tiến của chiến dịch huyền thoại này.

Không ai bảo ai, mọi ánh mắt đều hướng về người nữ dân công năm xưa - cô Phạm Thị Kim Liên giờ đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy”, dáng người gầy gò, mái tóc bạc trắng mà vẫn còn minh mẫn. Bằng chất giọng Bắc nhẹ nhàng nhưng chắc gọn, cô tái hiện phần nào khí thế hừng hực, sôi nổi của những ngày diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tôi nhủ lòng sẽ quay về ấp Khương Ninh (Long Bình, Gò Công Tây) tìm cô trong một ngày gần nhất để nắm tư liệu viết bài về người nữ dân công gan dạ này. Hai năm trôi qua, lần lựa mãi và cũng tự bào chữa cho mình: “Trông cô vẫn còn mạnh khỏe lắm, đợi dịp khác chắc cũng không muộn!”.

Vậy mà đến một ngày đầu tháng 5 này, tôi tìm đến Long Bình, đón tôi là người con gái út của cô - chị Đoàn Hồng Châu ngậm ngùi báo tin: “Em ơi, mẹ chị đã ngã bệnh từ 5 tháng nay. Nếu mẹ chị còn khỏe, chắc bà cụ vui lắm!”.

Chị dẫn tôi vào phòng, cô nằm lịm trên giường bệnh. Lòng tôi chùn xuống, bùi ngùi, tự trách mình đã đến muộn. Dù không nói được, nhưng qua ánh mắt, đôi môi mấp máy, tôi biết cô cảm nhận được mục đích của tôi nghe cô kể tường tận để có bài viết nhân kỷ niệm 58 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2012). Đây cũng là dịp mừng cô tròn 50 năm tuổi Đảng, có thêm niềm vui tinh thần để tiếp tục vui sống bên con cháu.

Cô Phạm Thị Kim Liên trong buổi họp mặt giao lưu nhân kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ do Tỉnh Đoàn Tiền Giang tổ chức.
Cô Phạm Thị Kim Liên trong buổi họp mặt kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ do Tỉnh đoàn Tiền Giang tổ chức.

Tôi đã chắp nối qua lời kể của con gái cô, qua những gì tôi đã nghe trong buổi giao lưu của cô với đoàn viên, thanh niên và qua những tư liệu mà gia đình còn lưu giữ để viết về cô như là sự tri ân.

Nhà nghèo, đến năm 12 tuổi, Phạm Thị Kim Liên mới được học chữ trong phong trào Bình dân học vụ do Bác Hồ khởi xướng vào năm 1945, ngay sau khi đất nước giành được độc lập. 16 tuổi (năm 1949), cô thoát ly đi kháng chiến, công tác ngay trong lòng địch.

Với công tác địch vận, ban ngày cô phải trốn trong ngôi mộ giả tại nghĩa trang, ban đêm mới đi đến từng gia đình có con em theo địch để làm công tác tư tưởng, vận động họ bỏ hàng ngũ đi theo cách mạng.

Đầu năm 1954, khi Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ nổ ra, cô được phân công làm Tiểu đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 548 - Trung đoàn 354 - Cục Hậu cần Quân khu Việt Bắc. Những ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đã in đậm trong ký ức cô.

Lúc ấy, hòa trong không khí hừng hực của hàng ngàn dân công ngày đêm tải lương thực phục vụ cho chiến dịch, Phạm Thị Kim Liên mới ngoài đôi mươi, đã cùng các chị, các anh hăng say thồ gạo, thịt, muối… phục vụ cho bộ đội ngoài mặt trận.

Lực lượng xe đạp thồ tải lương thực cho chiến dịch có khoảng 20.000 người, mỗi xe chở được 200 - 300kg, năng suất xe đạp thồ cao hơn mười lần dân công gánh bộ. Xe đạp thồ còn phát huy ưu thế có thể hoạt động trên những tuyến đường mà ôtô không thể đi được.

Chính phương tiện vận chuyển này đã gây nên bất ngờ lớn với quân Pháp, làm đảo lộn những tính toán của chúng. Ngay cả các cấp chỉ huy Pháp cũng không thể ngờ Việt Minh bảo đảm hậu cần cho một chiến dịch lớn, dài ngày trong điều kiện phức tạp như vậy được.

Phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân Tây Bắc, Việt Bắc, Thanh Hóa, Hòa Bình, Vĩnh Yên, Thái Nguyên, Phú Thọ… đã vận chuyển gần 15 ngàn tấn gạo, 266 tấn muối, 62 tấn đường, 577 tấn thịt, 565 tấn lương khô cung cấp cho bộ đội ngoài mặt trận.

Mặc dù cô cho rằng công lao của mình và đồng đội trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là rất nhỏ nhoi nhưng chính những đóng góp ấy đã làm nên một chiến thắng thần kỳ, gây chấn động toàn cầu, đánh dấu cho sự thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp trong việc tái xây dựng thuộc địa Đông Dương.

Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, cô được cử đi học y tá ở Bệnh viện A - Bộ Y tế tại Hà Nội, rồi học lớp y sĩ Bệnh viện Xanh Pôn - Hà Nội. Đến năm 1969, cô về công tác ở Khoa Ngoại Bệnh viện Thanh Trì - Hà Nội.

Trong thời gian đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, cô trực tiếp tham gia nhiều ca mổ phức tạp để cứu quân và dân ta, trong đó có ca mổ cứu một nạn nhân bị 72 mảnh bom trên người. Bức ảnh chụp cô cùng ê kíp mổ vẫn còn lưu giữ tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở TP. Hồ Chí Minh.

Sau hòa bình, cô về quê chồng ở ấp Khương Ninh, xã Long Bình, huyện Gò Công Tây sinh sống cho đến nay. Chồng cô là Thiếu tá Đoàn Hồng Hải. Về Long Bình, cô tiếp tục công tác trong ngành Y, làm Trưởng trạm Y tế khu vực Long Bình trong suốt 10 năm (từ năm 1976 đến 1986). Trong 4 người con của cô, có người con gái thứ 3 theo ngành Y của mẹ, hiện đang công tác ở Bệnh viện Gò Công Tây.

Với cô Liên, mãi in đậm trong ký ức là những lần được Bác Hồ đến thăm đơn vị, được gặp gỡ vị lãnh tụ Cuba Fidel Castro, được trò chuyện với anh hùng Núp, anh hùng Hồ Thị Bi…

Kỷ vật của người mẹ đã từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ huyền thoại để lại cho con không có gì hơn ngoài mấy tấm giấy khen ố vàng, tấm Huân chương hạng Nhất, Huy chương Kháng chiến hạng Nhì...

Người con gái út của cô - chị Đoàn Hồng Châu luôn trân trọng cất giữ kỹ những kỷ vật ấy để nhắc nhở mình và con cháu mai sau về một người bà, người mẹ đã từng là dân công trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Bài viết chắc hẳn còn nhiều thiếu sót về dữ liệu, chi tiết bởi người kể không nhớ tường tận, người nghe, người viết bài là lớp hậu duệ. Dù vậy, trong tôi chỉ mong rằng bài viết này như là một lời tạ lỗi với cô Phạm Thị Kim Liên vì tôi đến muộn.

NGUYÊN CHƯƠNG

.
.
.