Thứ Sáu, 21/11/2014, 14:29 (GMT+7)
.

2 cựu tù kháng chiến kiên trung

2 cựu tù tiêu biểu, từng được bình chọn đi báo cáo điển hình là: Ông Trần Văn Mừng, sinh năm 1941, ngụ ấp Hòa Quý, xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè; tham gia cách mạng năm 1959; vào Đảng năm 1966; bị địch bắt năm 1967, lúc đó là cán bộ an ninh huyện Cái Bè và ông Trương Văn Hưng, sinh năm 1946, ngụ ấp Hòa Quới, xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo; tham gia cách mạng năm 1961; vào Đảng năm 1965; bị địch bắt năm 1968, lúc đó là Trung đội phó Trung đội 3 thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 263, Quân khu 8.

Ông Trương Văn Hưng (trái) và ông Trần Văn Mừng, 2 cựu tù tiêu biểu.
Ông Trương Văn Hưng (trái) và ông Trần Văn Mừng, 2 cựu tù tiêu biểu.

Ông Mừng kể: “Một hôm, tôi và 2 đồng chí trong đơn vị đi công tác thì bị máy bay Mỹ đổ quân bắt. Chúng đưa tôi về căn cứ Đồng Tâm (Bình Đức) khảo tra, sau đó chuyển tôi về căn cứ Long Thành - Bà Rịa tiếp tục điều tra.

Hơn 1 tháng trời tra tấn dã man nhưng không khai thác được gì, tụi Mỹ chuyển tôi về trại giam Hố Nai - Biên Hòa tiếp tục giam cầm, tra khảo. Đây là thời gian thử thách cam go nhất. Hầu như ngày nào chúng cũng dùng nhiều cực hình tra tấn dã man, hết “đi tàu bay đến tàu lặn”, hết trói giật cánh khủy treo ngược lên xà nhà đánh đập túi bụi đến đổ nước xà bông vào đầy bụng rồi trèo lên giẫm đạp cho ọc ra hết mới thôi.

Gần 1 năm trời bị giam cầm, tra tấn ở trại giam Hố Nai nhưng không khai thác được gì, chúng đày tôi ra nhà tù Phú Quốc. Vừa mới xuống sân bay, chúng tôi đã bị bọn cai ngục trên đảo đánh một trận phủ đầu tới tấp làm nhiều người gãy tay, tét đầu, máu chảy đầm đìa nhưng không được băng bó.

Trong tù, chúng tôi móc nối gầy dựng cơ sở, thành lập chi bộ tiếp tục đấu tranh, lại bị chúng đàn áp, đánh đập dã man nhưng vẫn không nao núng tinh thần. Tôi được bầu làm Tổ trưởng tổ Đảng, Bí thư chi đoàn, phụ trách Đội cảm tử, sẵn sàng đứng ra ngăn cản, đánh lại bọn cai ngục để bảo vệ đồng chí, đồng đội.

Chúng tôi luôn khát khao vượt ngục để trở về tiếp tục chiến đấu. Có lần, chúng tôi đào hầm tổ chức cho 27 đồng chí thoát được ra ngoài, nhưng sau đó bị địch phát hiện đường hầm, chúng lôi tôi và một số anh em lên phòng điều hành.

Chúng lấy búa đập nát 10 đầu ngón tay tôi, vừa đập chúng vừa chửi “Đ.M để coi mầy có còn đào hầm được nữa không”. Sau đó chúng đánh tôi tơi bời, nhưng không hiểu sao tôi vẫn không chết. Cho đến tận bây giờ, 10 ngón tay tôi vẫn chưa có cái móng nào mọc ra được”.

Ông Hưng thì kể: “Bị địch bắt, đánh đập, tra tấn là chuyện thường tình. Chỉ có điều, ai là người kiên trung, giữ vững khí tiết mới là điều quan trọng. Mức độ tra khảo của địch đối với tù binh và tù chính trị có sự khác nhau, nhưng hình thức tra tấn thì không có gì khác biệt, đều tàn bạo và dã man.

Tôi là tù binh, nhưng vẫn bị địch đưa về trại giam Cây Khế ở Mỹ Tho để khảo tra. Tại đây hơn nửa năm, tôi đã từng nếm đủ mọi cực hình tra tấn dã man của kẻ thù, cũng “điện giật, dùi nung, dao cắt, lửa nung”, nhưng không khai thác được gì nên chúng chuyển tôi lên trại giam Cần Thơ.

Sau đó địch đày tôi ra nhà tù đảo Phú Quốc. Trong tù, chúng tôi móc nối xây dựng cơ sở, thành lập chi bộ Đảng trong nhà lao để lãnh đạo anh em đấu tranh. Lúc ở trại giam Mỹ Tho, tôi đã được chi bộ nhà tù tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư, sau đó làm Bí thư.

Tại nhà tù đảo Phú Quốc, chúng tôi lại móc nối gầy dựng cơ sở, thành lập tổ chức Đảng trong nhà tù và tôi lần lượt được bầu làm Bí thư Chi bộ khu C4, sau đó là khu D3. Mặc dù sống trong cảnh tù đày nhưng hoạt động của tổ chức Đảng rất chặt chẽ, nền nếp, tùy từng thời điểm mà Đảng bộ chỉ đạo cho các chi bộ lãnh đạo anh em đấu tranh đòi cải thiện đời sống, chống đàn áp, đánh đập, khủng bố; nếu yêu sách đưa ra không được chấp nhận thì vận động anh em tuyệt thực, buộc địch phải chấp nhận yêu sách….”.

Năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, các cựu tù được trao trả, ông Mừng, ông Hưng lại tiếp tục đứng trong hàng ngũ của Đảng tham gia chiến đấu cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.

Sau đó ông Mừng, ông Hưng lại tiếp tục cống hiến, giữ những chức vụ quan trọng trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước. Ông Mừng làm Chánh Văn phòng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, còn ông Hưng làm Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Công an xã.

Trở về với cuộc sống đời thường, ông Mừng và ông Hưng lại nhiệt tình trong công tác xã hội. Ông Mừng từng làm Bí thư chi bộ ấp, Chủ tịch Hội Người cao tuổi, Trưởng ban liên lạc Cựu tù kháng chiến xã Hòa Khánh, hiện là Ủy viên Thư ký Thường trực Ban Liên lạc Cựu tù kháng chiến huyện Cái Bè.

Ông Hưng từng làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bình Ninh và hiện là Ủy viên Thư ký Ban Liên lạc Cựu tù kháng chiến huyện Chợ Gạo.

.
.
.