Chủ Nhật, 07/07/2013, 08:05 (GMT+7)
.

Cây dừa nước quê tôi

Trước khi có chương trình ngọt hóa Gò Công, các huyện phía đông của tỉnh Tiền Giang là vùng đất thường xuyên chịu cảnh “6 tháng nước ngọt, 6 tháng nước mặn”, đất nhiễm phèn, nhiễm mặn nên cây lúa èo uột 1 vụ nhưng đa phần là thất bát. Thiên nhiên khắc nghiệt nhưng ven sông rạch ở đây có cây dừa nước là sinh trưởng tốt và cũng là loại cây hữu dụng đối với người dân nơi đây.

Dừa nước mọc dọc theo bờ sông hay vùng ven cửa biển có thủy triều lên xuống, có nước chảy chậm bồi đắp phù sa dinh dưỡng và sẽ phát tán sinh sôi nảy nở theo sự đưa đẩy của thủy lưu. Thân cây dừa nước mọc ngang dưới lòng đất, chỉ có lá và cuống hoa mọc lên trên mà thôi. Vì vậy, nó không được xem như một loại cây gỗ, mặc dù tán lá có thể cao đến 9 mét.

Dừa nước sinh trưởng tốt ở ven sông, rạch.
Dừa nước sinh trưởng tốt ở ven sông, rạch.

Lá dừa nước dược dùng nhiều nhất vào lợp nhà, rất bền và mang lại cảm giác mát trong nhà. Nhà lợp lá dừa có ưu điểm mùa nắng mát mẻ, mùa mưa không dột, mùa lạnh ấm áp, không khí trong nhà lúc nào cũng thoáng đãng, giá thành lại rẻ. Thời gian mục của lá dừa nước (còn gọi là “xác lá”) tốt có thể kéo dài gần 10 năm. Ngoài cách xử dụng “lá xé” (tàu lá được xé ra làm hai), người dân còn chặt lấy phiến lá, bỏ bẹ lá ở giữa để chằm lá (còn gọi là lá chằm) cũng dùng lợp nhà, làm rổ rá…

Thân dưới của dừa nước gọi là bập dừa. Bập bừa gắn với tuổi thơ miền sông nước ở buổi đầu tập bơi. Những đứa trẻ ra vẻ ta đây thì nói: Biết lội không cần bập dừa. Còn đứa nào có cánh mũi to bè thì được trêu là mũi bập dừa mà không thấy đứa nào giận. Từ vỏ thân bập dừa người ta chẻ thành từng sợi nhỏ phơi nắng làm lạt buột rất chắc.

Hoa dừa nước nở rộ thành chùm ở đầu cụm hoa hình cầu, hoa đực màu đỏ hoặc vàng dạng đuôi sóc trên những nhánh kế sau. Khi hoa đã thụ phấn, những trái nhỏ ép vào nhau lớn lên thành như một quả bóng đường kính cỡ 25-30 cm trên mỗi đầu cuống (quài dừa). Trái dừa nước khô già sẽ rơi rụng và phân tán theo thủy triều, có khi mọc mầm ngay khi trôi nổi.

Trái dừa nước là một trong những món ăn quen thuộc đối với tuổi thơ của trẻ em vùng Gò Công. “Cơm dừa” bên trong (còn gọi là cùi dừa) có màu trắng, mang vị béo và ngọt. Theo Đông y, dừa nước có công dụng tương đương như dừa xiêm: ngọt mát, không độc, giúp tăng cường khí lực, tươi nhuận nhan sắc, giải nhiệt, cầm máu nên rất tốt khi điều trị cảm nắng, thổ huyết, máu cam.

Rừng dừa nước ở ven sông cửa Tiểu, cửa Đại (huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây và Tân Phú Đông) là một trong những hệ sinh thái rừng ngập mặn rất phong phú, và đây cũng là vùng sinh sản của các loài thủy sinh vùng cửa sông ven biển (cua biển, còng, cá nâu, cá bống). Cũng chính "Đám lá tối trời" này năm xưa từng chở che nghĩa quân Trương Định kháng Pháp.

Rừng dừa nước ven sông là nơi trú ngụ, sinh trưởng tuyệt vời của nhiều loài động vật sống dưới nước, là nơi ngăn gió, trú bão của ngư dân và tàu thuyền theo các mương lạch.

Những năm gần đây, du lịch phát triển, những nhà hàng, quán cà-phê, khách sạn, khu du lịch bỗng ưa chuộng loại lá dừa lợp mái. Những mái nhà lợp bằng lá dừa vừa tạo nên nét dân dã, vừa rất mát mẻ nên được ưa chuộng, thành 'mốt' của nhiều nơi. Đò chèo theo kinh rạch dưới tán lá dừa nước mát rượi ở Thới Sơn, TP. Mỹ Tho từ lâu đã luôn hấp dẫn du khách.

HOÀNG AN
 

.
.
.