Thứ Sáu, 23/08/2013, 08:16 (GMT+7)
.

Cần sớm tu sửa Đình Tân Đông

Đình Tân Đông tọa lạc ấp Gò Táo (Tân Đông, Gò Công Đông). Theo các cụ, đình được chuyển về đây xây dựng lại vào năm 1907 (đình cũ cách chỗ mới hơn 1km). Sau năm 1975, đình bị bỏ hoang, hư hỏng, chỉ còn chính điện. Rễ của 2 cây bồ đề ôm lấy 5 vòm cửa nên gần đây được mệnh danh là “ngôi đình độc nhất vô nhị”. Ngày 9-12-2010, đình này được UBND tỉnh trao Bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Rễ 2 cây bồ đề ôm lấy 5 vòm cửa chính điện và vách phía bên phải sắp đổ.
Rễ 2 cây bồ đề ôm lấy 5 vòm cửa chính điện và vách phía bên phải sắp đổ.

Ngôi đình cổ hoang vắng giữa bạt ngàn màu xanh của rau cải, lúa và cỏ dại. Ấn tượng và độc đáo nhất là 5 vòm cửa được bao bọc bởi những búi rễ bồ đề chằng chịt, giữ chặt lấy bờ tường, nhờ vậy bờ tường không bị sụp đổ, giữ được những nét hoa văn chạm trổ pha nét rêu phong cổ kính. Mặt tiền chính điện như một tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ, hiếm có. Trên nóc đình, hai con rồng vẫn còn nguyên vẹn, thấp thoáng sau tán lá bồ đề.

Những luồng gió tây cứ ù ù thổi vào mái đình làm những người đang có mặt không khỏi lo lắng. Trong hoang tàn, cổ kính còn có hơi ấm con người bởi chiếc bật lửa, hơn nửa lọn nhang và các lư hương cũng có chân nhang mới.

Hỏi ra mới biết, hàng đêm anh Lê Tấn Thông (sinh năm 1969), nhà phía sau đình vẫn thường đến đây lo nhang khói. Hỏi thăm, anh Thông cho biết: Cha anh là ông Lê Tấn Trớt (thọ 67 tuổi, mất năm 2011). Sau ngày 30-4-1975, ông Trớt mượn sân đình phơi củ cải muối và giữ đình luôn. Những cây bồ đề có khoảng hơn 30 năm nay do chim ăn bỏ hạt.

Anh Thông cho biết thêm: “Từ ngày có một sinh viên phát hiện, rồi được đài truyền hình ghi hình phát sóng trên chương trình 60 giây, ngôi đình trở nên nhộn nhịp, khách tham quan đến thường xuyên, có cả khách nước ngoài”.

Bác Phan Văn Đời (74 tuổi) cậu ruột anh Thông cho biết: “Sau hòa bình vài năm, thấy đình lạnh lẽo, chú với thím mần cặp gà đem đến cúng. Sau đó, bà con xung quanh góp tiền và cúng: Lễ Kỳ Yên (16-2 âm lịch), lễ Thượng điền (16-5 âm lịch), lễ Hạ điền (16-8 âm lịch) và lễ cầu Ông (16-11 âm lịch). Ngày xưa, lệ cúng Kỳ Yên rất linh đình, có mời hát bội…”.

Cũng theo bác sáu Đời, từ năm 1907 đình được dời về đây, ngoài một số vật liệu cũ, đình được xây mới lớn thêm, phía trước có võ ca (nơi làm lễ bái và biểu diễn hát bội), phía sau là nơi họp hội, nhà ăn, nhà bếp… Cổng đình rất lớn, nhưng tiếc thay cách nay không lâu do làm đường đã phá bỏ.

Ngày xưa, chính điện có một gác lửng, mỗi kỳ cúng đình cử người leo lên bưng sắc thần xuống mở ra. Sắc thần đã mất mấy mươi năm nay và những cụ làm từ trong đình cũng không còn nên không biết đình thờ vị thần nào. Có thông tin cho rằng, đình thờ ông Ngô Tùng Châu.

Một số thông tin thì cho rằng đình thờ Tả Quân Lê Văn Duyệt. Ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở VH-TT&DL và ông Lê Ái Siêm, Giám đốc Bảo tàng Tiền Giang nhận định  rằng: “Đình làng thường thờ những vị có công với vùng đất nơi đó, nên việc xác minh sắc thần ở đình Tân Đông còn phải chờ các nhà sử học nghiên cứu và trả lời”.

Hiện nay, ngôi đình này đang xuống cấp nghiêm trọng. Các cửa ngôi đình trống hoác. Các bức tường bị bong tróc sơn, trơ gạch cũ. Mái lợp ngói âm dương bị sụp đổ, hư hỏng nặng. Dưới nền là đống cây mục cùng ngói bể. Bờ tường bên phải của chánh điện vách bung ra sắp đổ…

Anh Nguyễn Văn Mạnh, Phó phòng Kế hoạch - Tài chính Sở VH-TT&DL cho biết: “Dự án tu sửa đình Tân Đông đã được thông qua Huyện ủy - UBND huyện Gò Công Đông cách nay gần một tháng, với mức kinh phí ban đầu gần 10 tỷ đồng. Trước mắt sẽ đầu tư sửa chữa chính điện và xây hàng rào. Dự kiến sớm nhất là vào đầu năm 2014 mới khởi công”.

Hiện nay, ngôi đình “độc nhất vô nhị” này như cụ già trên trăm tuổi, đang lưu giữ một số kiến trúc độc đáo nhưng “sắp gần đất xa trời”, không biết có chống chọi nổi với mùa mưa, bão năm nay?

NGỌC LỆ

.
.
.