Thứ Hai, 21/10/2013, 12:56 (GMT+7)
.

Nỗ lực phát triển kinh tế những tháng cuối năm

Năm 2013, nhìn chung nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi, tốc độ tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước. Tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2013 tăng 5,14% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn năm 2012 (đạt 5,10%). Tuy nhiên, nền kinh tế của nước ta vẫn đang trong tình trạng khó khăn, đòi hỏi cần có giải pháp đồng bộ để nền kinh tế có bước tăng trưởng mới, ổn định.

Những điểm sáng

Mặc dù nền kinh tế vẫn đang trong tình trạng khó khăn, nhưng theo các số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy một số điểm tích cực nổi lên như những điểm sáng. Về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt 96,5 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ. Dự kiến, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2013 ước đạt 131 tỷ USD. Trong mấy năm qua, lạm phát là nỗi lo lớn của nền kinh tế, luôn đứng ở hai con số.

Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng năm 2013 tăng 6,83% so với bình quân cùng kỳ. Dự kiến, năm 2013, chỉ số lạm phát sẽ ở mức 8 - 9%. Con số này chưa phải là lý tưởng, nhưng đã giảm và kìm chế được yếu tố này đã hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp và người dân, ổn định môi trường kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội.

Ảnh minh họa. Ảnh: Duy Sơn
Ảnh minh họa. Ảnh: Duy Sơn

Việc ổn định tỷ giá cũng đạt kết quả tích cực. Tính đến tháng 9-2013, chỉ số giá USD chỉ tăng 1,3% so với cùng kỳ. Đây là một chỉ số tích cực, bảo đảm sự ổn định cho thị trường tiền tệ nói chung, tiếp tục duy trì lòng tin vào đồng nội tệ, giảm tình trạng đầu cơ ngoại tệ, giúp huy động thêm nguồn vốn trong dân cư cho thị trường.

Nhờ tỷ giá ổn định, nên Nhà nước cũng đã tích cực mua ngoại tệ, tăng nguồn dự trữ ngoại hối lên mức đáng kể, từ 8 tỷ USD từ đầu năm đã tăng lên khoảng 25 - 27 tỷ USD hiện nay. Đồng thời, lãi suất ngân hàng cũng có nhiều chuyển biến. Lãi suất quá cao trong hai năm vừa qua là một trong những nguyên nhân chính làm cho nền kinh tế trì trệ, sản xuất đình đốn, nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc ngừng hoạt động.

Trong năm 2013, lãi suất liên tục giảm, và hiện lãi suất cho vay bình quân khoảng 10 - 12%. Lãi suất giảm đã góp phần giúp giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp, kích thích sản xuất.

Nhiều khó khăn lớn vẫn tồn tại

Tuy nền kinh tế có nhiều điểm sáng, song vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn. Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc, vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng cao trở lại. Nợ xấu ngân hàng còn cao, hoạt động của một số tổ chức tín dụng chưa thật an toàn, cân đối ngân sách khó khăn.

Nợ xấu đã làm ách tắc nguồn tín dụng trong nền kinh tế, gây khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Cho đến nay, con số nợ xấu chính xác vẫn chưa được xác định, mỗi cơ quan, tổ chức đưa ra số liệu khác nhau. Nhưng điều quan trọng là hướng giải quyết nợ xấu vẫn chưa rõ ràng, cụ thể ngoài việc mới thành lập Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC)...

Thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán còn trầm lắng. Cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản đã diễn ra khoảng hai năm và vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Một lượng vốn rất lớn vẫn nằm im trong bất động sản, không chỉ gây lãng phí về kinh tế, mà còn làm tắc nghẽn dòng luân chuyển vốn trong nền kinh tế và những hệ luỵ xã hội khác.

Sản xuất, kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn. Cộng đồng doanh nghiệp - lực lượng chính tạo ra của cải cho xã hội vẫn gặp rất nhiều trở ngại, sản xuất đình trệ, tồn kho tăng, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng vẫn tiếp tục diễn ra. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số tồn kho tại thời điểm 1-9-2013 toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,3% so với cùng thời điểm năm 2012.

Khu vực công nghiệp tăng trưởng chậm lại. 9 tháng năm 2013, tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng chỉ đạt 5,20%, và chỉ đóng góp 1,99 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng GDP. Sản xuất, xuất khẩu một số mặt hàng nông sản chủ lực gặp khó khăn về thị trường và giá cả.

Hiệu quả kinh tế của khu vực kinh tế nhà nước thấp. Đây là một thách thức lớn đối với nền kinh tế. Nhìn chung, chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế chậm được cải thiện, thậm chí có mặt còn suy giảm.

...Và một số giải pháp

Trong những tháng còn lại của năm 2013, để tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy nhanh tiến độ sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, cần tập trung làm tốt một số vấn đề trọng tâm như:

Tiếp tục quá trình giải quyết vấn đề nợ xấu ngân hàng. Thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt có kiểm soát, bảo đảm mức lạm phát và mức tăng trưởng hợp lý nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Đổi mới cơ chế, chính sách tín dụng theo nguyên tắc thị trường. Tập trung nguồn lực nhằm hỗ trợ tài chính cũng như xây dựng khuôn khổ pháp lý cho việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.

Tiếp tục ban hành và thực hiện các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cùng các biện pháp trợ giúp doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thúc đẩy nhanh hơn tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là việc hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực này.

Nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, nhất là sản phẩm xuất khẩu. Kích cầu tiêu dùng nội địa để tăng tổng cầu nhằm đẩy nhanh quá trình tiêu thụ hàng tồn kho, góp phần phát triển sản xuất của doanh nghiệp.

Trong những năm sắp tới, cần thực hiện tốt tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng chất lượng và hiệu quả. Tái cơ cấu nền kinh tế cần thực sự tập trung ưu tiên cho ba lĩnh vực quan trọng, đó là tái cơ cấu đầu tư, với trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, với trọng tâm là tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; tái cơ cấu hệ thống tài chính, với trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại.

Thực hiện các giải pháp hữu hiệu nhằm giải quyết vấn đề nợ xấu. Đây là vấn đề không dễ và cần có thời gian. Trước hết, cần hỗ trợ các doanh nghiệp có khả năng phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước dưới các hình thức như xoá nợ, khoanh nợ, giãn nợ, chuyển nợ, bổ sung vốn.

Cần công khai, minh bạch trong quá trình xử lý nợ; nâng cao hiệu quả hoạt động của VAMC. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp củng cố và mở rộng thị trường trong và ngoài nước để giải quyết hàng tồn kho, tiêu thụ hàng hóa, có vốn trả nợ và để tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện các giải pháp có tính khả thi cao để giải quyết nợ xấu. Ngân hàng cần rà soát kỹ việc phân loại nợ xấu chính xác, có giải pháp để tiếp tục cho vay đối với doanh nghiệp có khả năng tiếp tục phát triển. Nắm bắt kịp thời, đầy đủ thông tin về khách hàng và cần thực sự nâng cao chất lượng đạo đức nghề nghiệp của cán bộ ngân hàng.

Tăng vốn và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư toàn xã hội cho phát triển kinh tế. Tiếp tục chú ý thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn đóng băng và nợ xấu của hệ thống tín dụng cao như hiện nay, việc thu hút đầu tư nước ngoài là rất cần thiết. Nhưng, để thu hút được đầu tư nước ngoài, thì cần đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh sao cho hấp dẫn hơn so với các nước trong khu vực.

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.