Thứ Hai, 16/12/2013, 09:25 (GMT+7)
.

Bài học rút ra từ vụ cháy Chợ trái cây phường 4, TP. Mỹ Tho

Trong năm 2013, tình hình cháy, nổ diễn biến khá phức tạp, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như: cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng dễ cháy, nổ; những nơi tập trung đông người, đặc biệt là tại các chợ, trung tâm thương mại. Khi sự cố cháy, nổ xảy ra, đã gây thiệt hại lớn về người cũng như tài sản của Nhà nước và nhân dân, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương, làm cho nhiều người phải lâm vào hoàn cảnh phá sản.

Ghe cát của anh Hữu tham gia chữa cháy.
Ghe cát của anh Hữu tham gia chữa cháy.

Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, vào khoảng 11 giờ 30 phút, ngày 8 - 10 - 2013, đã xảy ra cháy Chợ trái cây tại  phường 4, TP. Mỹ Tho. Đám cháy gây thiệt hại 100% 53 quầy sạp kinh doanh của các hộ tiểu thương và cháy xém 2 căn hộ liền kề. Thiệt hại tài sản do cháy gây ra khoảng 5,2 tỷ đồng. Nguyên nhân của vụ cháy được xác định là do sự cố điện. Cụ thể là do đường dây dẫn điện bị quá tải. Qua vụ cháy này, có những bài học được rút ra.

Bài học thứ nhất: Sự bất cẩn trong phòng ngừa cháy sẽ dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Qua vụ cháy tại chợ trái cây phường 4, TP. Mỹ Tho, cho thấy ý thức trách nhiệm về công tác phòng cháy, chữa cháy ( PCCC) của các hộ tiểu thương chưa cao. Đây cũng là tình hình chung tại các chợ, trung tâm thương mại hiện nay.

Nếu như trong ngày hôm đó, chủ vựa trái cây số 7 và số 9 nhận thức được sự nguy hiểm khi hàn điện trong khu vực vựa, thì hậu quả đã không xảy ra nặng nề như thế. Bởi trong khu vực vựa lúc đó bố trí toàn những vật liệu dễ bắt lửa và rất dễ phát cháy. Bên cạnh đó, cũng phải lưu ý đến trách nhiệm của những chủ cơ sở hàn tiện.

Nhiều người chưa nhận thức được sự nguy hiểm về cháy, nổ của việc hàn cắt kim loại có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Theo quy định về PCCC, những công nhân làm việc trong điều kiện dễ gây ra cháy, nổ đòi hỏi phải được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ PCCC, nhưng trên thực tế, khi tuyển dụng công nhân vào làm việc tại các cơ sở hàn, tiện thì chủ cơ sở chỉ chú trọng đào tạo về chuyên môn mà không quan tâm đến nhận thức của công nhân trong công tác PCCC.

Về nguyên nhân dẫn đến cháy do việc hàn cắt kim loại, chúng ta đã từng có những bài học đau xót từ vụ cháy tại Trung tâm thương mại Quốc tế TP. Hồ Chí Minh, xảy ra vào lúc 13 giờ 30 phút, ngày 19-10-2002. Vụ cháy làm chết khoảng 60 người và gây thiệt hại tài sản hàng trăm tỷ đồng. Hay vụ cháy tại Công ty giày da tư nhân, xảy ra vào ngày 29-7-2013, thuộc xã Tân Dân, huyện An Lão, TP. Hải Phòng, làm chết 13 người, 25 người bị thương…

Bài học thứ hai: Trong phòng ngừa cháy, nổ, phải tuyệt đối chấp hành nghiêm các quy định an toàn về điện.

Trở lại vụ cháy tại Chợ trái cây phường 4, TP. Mỹ Tho, rất may đám cháy chỉ gây thiệt hại về tài sản, không gây thiệt hại về người. Như chúng ta đã biết, chợ, trung tâm thương mại là những nơi tập trung nhiều hàng hóa dễ cháy với số lượng lớn. Đây cũng là nơi tập trung đông người. Do đó, nếu để xảy ra cháy, nổ sẽ gây thiệt hại lớn về tài sản, cũng như tính mạng của nhân dân.

Vì vậy, để chủ động phòng ngừa không để cháy, nổ xảy ra, đòi hỏi các hộ tiểu thương kinh doanh tại các chợ, trung tâm thương mại phải nêu cao ý thức trong công tác PCCC. Cụ thể: Tự giác chấp hành nghiêm các quy định về an toàn PCCC, không được bố trí nhiều vật liệu dễ cháy trong khu vực quầy sạp kinh doanh. Đặc biệt, trong sử dụng điện cần lưu ý thực hiện nghiêm các quy định sau:

    - Tách riêng biệt hệ thống điện phục vụ kinh doanh, hệ thống điện chiếu sáng bảo vệ, hệ thống điện phục vụ thoát nạn và chữa cháy; lắp đặt thiết bị bảo vệ (áptomát) cho toàn bộ hệ thống điện, cho từng tầng, từng nhánh, từng ngành hàng và từng quầy, sạp của hộ kinh doanh. Định kỳ hàng năm tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống điện theo quy định. Các hộ tiểu thương không tự lắp đặt thêm thiết bị tiêu thụ điện, sửa chữa hệ thống điện trong các ki-ốt, khu vực kinh doanh mà phải báo ban quản lý chợ thực hiện.

    - Để hàng hóa dễ cháy cách bóng điện, chấn lưu đèn nê-on, bảng điện tối thiểu 0,5 m. Không sử dụng bàn ủi điện, bếp điện, lò sấy, lò sưởi; không dùng bóng điện sợi đốt để sấy hàng hóa; sử dụng quạt phải có lồng bảo hiểm. Từng hộ tiểu thương cần tự trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ để kịp thời xử lý sự cố cháy, nổ xảy ra, góp phần cùng với lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ kiềm hãm số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra.

Bài học thứ ba: Nâng cao ý thức, nhận thức và kiến thức của người dân trong chữa cháy.

Ngay khi phát hiện cháy, Công an địa phương, Ban quản lý chợ, Đội dân phòng, tiểu thương và nhân dân xunh quanh dùng các phương tiện chữa cháy tại chỗ để thực hiện công tác chữa cháy. Lúc này, có 1 ghe vận chuyển cát đang lưu thông trên sông Bảo Định đã dừng lại, bơm cát lên dập lửa. Riêng lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, ngay sau khi nhận được tin báo cháy, đã điều động  hơn 40 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) cùng 5 xe chữa cháy, 2 ca nô chữa cháy trên sông và 2 máy bơm chuyên dụng nhanh chóng đến hiện trường.

Khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp có mặt cũng là lúc lửa bắt đầu cháy mạnh và lan nhanh. Đội hình chữa cháy nhanh chóng được triển khai với sự giúp sức tích cực từ nhân dân xung quanh và các tiểu thương của chợ. Nhiều người dân đã không sợ nguy hiểm, lao vào đám cháy gỡ bỏ chướng ngại vật để tạo khoảng trống cho các chiến sĩ chữa cháy phun nước vào trung tâm đám cháy.

Đại tá Lê Văn Xây, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, có mặt tại hiện trường vào thời điểm trên đã ra lệnh cho các chiến sĩ chữa cháy xung phong và không cho bất kỳ người dân nào xông vào đám cháy. Thượng tá Nguyễn Trung Thành, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đánh giá: “Ngay từ đầu, người dân nơi đây đã tích cực tham gia chữa cháy. Tuy nhiên, do quá tích cực và cũng có phần nôn nóng, xót của, một số người dân đã giành vòi phun với lực lượng chữa cháy.

Điều này đã gây ảnh hưởng không tốt đến chiến thuật chữa cháy do vòi phun nước đã lệch với hướng lửa. Yêu cầu cao nhất của Chỉ huy  chữa cháy lúc này chính là dập tắt đám cháy và chống cháy lan ra các hộ dân xung quanh. Một số người xông vào đám cháy rất nguy hiểm”.

Mặt khác, sự hiếu kỳ của nhiều người đã gây khó cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp khi tiếp cận hiện trường. Các con đường vào khu vực cháy chật kín người đứng xem, không nhường đường cho xe chữa cháy. Công an TP. Mỹ Tho phải huy động hơn 100 CBCS tham gia giữ gìn an ninh trật tự, điều hòa giao thông, bảo vệ hiện trường.

Bài học thứ tư: Phát hiện cá nhân tích cực chữa cháy, khen thưởng những điển hình.

Đại tá Lê Văn Xây cho biết: Đơn vị đã tham mưu Công an tỉnh đề nghị UBND tỉnh khen thưởng cho 7 tập thể và cá nhân, trong đó có anh Nguyễn Trọng Hữu (sinh năm 1989, ngụ ấp Long Hưng A, xã Long Hưng, huyện Châu Thành). Vào thời điểm xảy ra cháy, anh Hữu cùng 3 nhân viên điều khiển ghe chở cát san lấp mặt bằng đi ngang qua, phát hiện cháy và nhanh chóng tấp ghe vào bến, dùng máy bơm nước có sẵn bơm nước từ sông Bảo Định lên để chữa cháy.

Do không phải máy bơm chuyên dùng nên hiệu quả chưa cao, nhưng đã cho thấy ý thức trách nhiệm của anh Hữu trong việc sử dụng phương tiện có sẵn và phối hợp với lực lượng chữa cháy tại chỗ thực hiện công tác chữa cháy ban đầu.

Ngày 25-10, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh đã mời anh Nguyễn Trọng Hữu đến trụ sở để trao đổi, ghi nhận, cảm ơn và trích nguồn nhiên liệu PCCC của Công an tỉnh hỗ trợ cho anh 30 lít dầu diesen.

Qua vụ cháy Chợ trái cây phường 4, TP. Mỹ Tho cho thấy, nhân dân cũng như tiểu thương các chợ cần nâng cao hơn về ý thức chấp hành trong PCCC. Đó chính là biện pháp duy nhất và hiệu quả trong đảm bảo tài sản của chính mình.

HUỲNH ANH - THÀNH PHONG

.
.
.